Cổ phần hóa đang diễn ra một cách “nửa vời”
Hiện nay việc cổ phần hóa còn đang diễn ra một cách “nửa vời”, do đó cần phải đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa lên.
Đó là nhận định của ông Phạm Đình Soạn - Nguyên Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính khi chia sẻ về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Cổ phần hóa đang diễn ra một cách “nửa vời”
Nhận định về tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Đình Soạn cho rằng, cổ phần hóa sẽ có những khó khăn, nhưng chúng ta phải biết tìm ra các giải pháp. Ông Soạn khẳng định, hiện nay việc cổ phần hóa còn đang diễn ra một cách “nửa vời”, do đó cần phải đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa lên, trong đó phải hướng dẫn cụ thể phương thức, như: xác định giá trị doanh nghiệp, tài sản hữu hình, tài sản vô hình, xử lý các khoản công nợ… trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro. “Tất cả những cách thức trên mà làm tốt thì mới có thể đẩy nhanh được tiến trình cổ phần hóa” – Ông Soạn khẳng định.
Ông cũng cho rằng cần xem xét kỹ việc doanh nghiệp nhà nước nắm vị trí then chốt vì hai chữ “then chốt” vẫn chưa có định nghĩa một cách rõ ràng. Nếu hiểu đơn thuần về định lượng thì không ổn, mà phải hiểu theo định tính, tức là theo cách quản lý để xử lý những vấn đề then chốt của nền kinh tế, với sự can thiệp của nhà nước trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường.
“Còn vẫn chỉ hiểu một cách “mơ hồ”, cái gì doanh nghiệp nhà nước cũng phải chiếm tỷ trọng cao, cái gì cũng phải nhiều thì rất nguy hiểm”. – ông Soạn nói.
Nên “thoái” sớm nếu làm ăn không hiệu quả
Khi được hỏi, việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành cần được xử lý thế nào để giảm bớt những rủi ro và thất thoát, ông Soạn cho rằng, những doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, gây thất thoát và thiệt hại cho nhà nước thì cần phải “thoái” sớm. Tuy nhiên, nếu thoái vốn mà kèm theo câu: “thoái” nhưng vẫn phải bảo toàn được vốn thì chắc chắc sẽ rất khó khả thi, thậm chí là bế tắc.
Còn với những doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành nhưng vẫn làm ăn có hiệu quả, ông Soạn khuyên, trước hết hãy thực hiện từng bước, những doanh nghiệp nhà nước nào kinh doanh không hiệu quả thì lập tức phải thoái vốn ngay, còn doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả thì cứ “thoái từ từ”, không nhất thiết phải thoái vốn khi doanh nghiệp đó đang hoạt động tốt. Tiêu chí thoái vốn trước tiên phải nhìn vào hiệu quả, và quyết định ở nhân sự, con người, tổ chức.
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã bắt đầu từ năm 1992, đến năm 2001 thì được đẩy mạnh. Đến hết năm 2011, chúng ta cổ phần hóa được gần 4.000 doanh nghiệp, góp phần cơ bản vào việc sắp xếp DNNN, từ chỗ DNNN trước đây là 12.000, xuống còn 6.000, đến năm 2001 thì còn 5.655 doanh nghiệp, đến nay thì cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước…Trong năm 2011, số lượng DNNN cổ phần hóa rất thấp, chỉ được 60 doanh nghiệp. Trong 4 tháng đầu năm năm 2012 chỉ cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp, đây là những doanh nghiệp kéo dài từ năm 2011 sang.
Về cơ bản đã chuyển được các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, thu hút thêm nguồn lực từ xã hội, quan trọng hơn là đã công khai giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này.
TBKTSG
|