Thứ Bảy, 30/06/2012 16:25

Cổ phần hoá DN Nhà nước: Nhà đầu tư thiếu lòng tin

93 đơn vị thuộc các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế và TCty nhà nước tiến hành cổ phần hóa trong năm 2012. Trong đó, có khá nhiều tập đoàn “tên tuổi”, cả về quy mô và năng lực đầu tư và cũng có cả những DN “nổi đình nổi đám” về hoạt động đầu tư dàn trải hay kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, khi thông tin Bộ Tài chính công khai danh sách các DNNN dự kiến cổ phần hoá, đã không gây được ấn tượng nào với nhà đầu tư.

Vào lúc này, với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sơ cấp lẫn thứ cấp, việc quan tâm đến thông tin các DN Nhà nước (DNNN) cổ phần hoá dường như vẫn còn là quá sớm.

“Để mai rồi... tính” !”

Nhiều nhà đầu tư cho biết, thay vì quan tâm chuyện ở “thì tương lai”, hiện họ vẫn đang có rất nhiều cơ hội lựa chọn các loại hàng hoá khác nhau trên thị trường. Đó là cổ phần của khoảng hơn 1.000 DN đại chúng, trong đó cũng có không ít DN vẫn do nhà nước nắm phần lớn vốn chủ sở hữu đang tích cực thoái vốn. Đó còn là hơn 700 món cổ phần trên thị trường thứ cấp, mà gần ½ trong số đó vẫn đang có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách hay dưới mệnh giá.

Sự thờ ơ của các nhà đầu tư đối với thông tin các DNNN cổ phần hoá trong nay mai cũng còn có xuất phát từ sự trồi sụt của TTCK trong thời gian gần đây, khi hai sàn niêm yết đang kéo dài đà đi ngang chưa tìm thấy tín hiệu thoát ra sau một đợt tăng trưởng khá mạnh của 4 tháng đầu năm. Hàng hóa nhiều nhưng môi trường để hàng hoá được thực sự phát triển, để người nắm giữ hàng hoá được giao dịch với các cơ hội mở rộng dưới sự giám sát, chế tài chặt chẽ của cơ quan quản lý lại vẫn còn khá hẹp. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn mong chất lượng của các loại hàng hoá, khả năng sinh lợi từ các món hàng đang có sẽ được nâng cao, hơn là việc bày biện chồng chất thêm các món hàng mới.

Tuy vậy, một chuyên gia chứng khoán khá lạc quan nhận định rằng, tâm lý nói trên của đại đa số các nhà đầu tư hiện nay thực ra không đáng quan ngại. Bởi chỉ cần thị trường có một vài đợt sóng tăng ngoạn mục, lòng tham nổi lên là đám đông sẽ lập tức bật dậy. Khi đó thì bất kỳ DNNN nào cổ phần, bất kỳ thứ hàng họ nào chất lượng cao hay thấp được đưa lên sàn giao dịch sơ cấp lẫn thứ cấp, đều được các nhà đầu tư “ôm vội”. Cái thời nhà đầu tư “lấy kính hiển vi nội soi DN” như lúc này chắc chắn sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng nếu thị trường chứng khoán có tín hiệu bền vững về dòng tiền và nhà đầu tư có cơ hội “đánh lên, đánh xuống” ở cả trên sàn giao dịch chứng khoán tự do và sàn giao dịch chứng khoán niêm yết. Và nếu kinh tế vĩ mô ổn định, nếu các DN trên sàn hay dưới sàn đều không rơi vào bi kịch sống dở chết dở vì kinh doanh khó khăn như hiện nay..

Chẳng mặn mà

Sẽ có rất nhiều chữ “nếu” nữa được đặt ra và theo đó thông tin các DNNN cổ phần hoá sẽ trở thành một nguồn tin tốt nâng đỡ cho tâm lý và kỳ vọng thị trường trong tương lai, hay chỉ là thông tin bung ra thị trường không một phản hồi, âm vọng. Một trong những chữ “nếu” đó cần được nhấn mạnh, là nếu các DNNN chưa từng lặp đi lặp lại tình trạng “nói thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều” trong các lộ trình cổ phần hóa, IPO từ trước đến nay. Nhưng thị trường lại đã được chứng kiến tình trạng đó. Tâm lý nhà đầu tư lại đã trở nên bão hoà trước bất kỳ thông tin hoặc cam kết, khẳng định nào từ phía chủ sở hữu Nhà nước về việc sẽ quyết cho “ông lớn” A, “đại gia” B cổ phần và lên sàn.

Một năm trước đây, dù chứng khoán vẫn trên đà suy thoái, nhiều nhà đầu tư vẫn bày tỏ hy vọng vào các hoạt động chào hàng theo dự kiến của các “ông lớn” Nhà nước như TCty Bia Sài Gòn (Sabeco) mà sau một thời gian lùi IPO, nhà đầu tư và cổ đông của DN này đã gần như mất hy vọng vào thời gian chính thức đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết; hay hy vọng vào sự kiện cổ phần hoá Mobilfone và Vinafone… sẽ vực dậy thị trường; thì nay, ngay cả việc hoãn đợt niêm yết vốn đã dự kiến sau ba lần bảy lượt hoãn IPO của BIDV – một ngân hàng quốc doanh tên tuổi nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay – cũng không làm nhiều nhà đầu tư bận tâm. Nếu có bận tâm, thì nhà đầu tư bức xúc vì việc DN nói nhiều mà không làm, hơn là thất vọng hay mong đợi ngậm ngùi.

Ai mua cổ phần ?

Lại nói về chuyện cổ phần hóa của 93 DNNN trong năm 2012. Rõ ràng trong số này có rất nhiều tên tuổi sáng giá. Tổng Cty công nghiệp dầu Thực vật VN thuộc Bộ Công Thương, Cty mẹ - TCty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng, Cty mẹ - TCty Lắp máy VN thuộc Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng VN; Cty Lọc - Hoá dầu Bình Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí VN; TCty Viwaseen; Viglacera; Tổng Cty Xây dựng Hà Nội… thuộc Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị VN… và nhiều tên tuổi khác.

Nếu thực sự các tên tuổi này được cổ phần hoá, họ cũng sẽ có khá nhiều thuận lợi do đã được thị trường biết tiếng, dễ được nhà đầy tư chọn mặt gửi tiền. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là quy mô vốn của các Cty DNNN đều ở tầm mức tương đối, thấp nhất cũng đạt tới vài trăm tỉ đồng. Việc cổ phần hoá các DN này, bán vốn ra thị trường, dù chỉ một phần rất nhỏ theo hình thức phát hành cổ phiếu để thu hút thêm vốn, bán một phần vốn NN hiện có tại DN, bán toàn bộ vốn NN hiện có tại DN hay thực hiện vừa bán một phần, bán toàn bộ vốn kết hợp phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn trong bối cảnh nền kinh tế lại vẫn đang thiếu tiền, sẽ tìm được nguồn cầu nơi đâu ?

Thử điểm qua nguồn vốn của một vài DNNN có tên trong danh sách sẽ cổ phần hoá năm nay. TCty công nghiệp Dầu thực vật VN (Vocarimex) – Cty mẹ hiện có vốn điều lệ là 674,533 tỉ đồng; chưa tính vốn của Cty mẹ đầu tư tại các Cty khác đạt trên 472,7 tỉ đồng (nguồn: Vocarimex Việt Nam – số liệu công bố 2009). Sơ sơ, Cty này cũng vốn điều lệ và vốn đầu tư tại các Cty con theo mô hình mẹ - con trên 1.000 tỉ đồng. Một Cty không mang danh “tổng” là Cty TNHH MTV Lọc - Hoá dầu Bình Sơn, sẽ cổ phần hoá trong năm nay, thậm chí có vốn điều lệ “khủng” lên tới 19.000 tỉ đồng. Chủ sở hữu toàn bộ phần vốn hiện tại của Cty này là thuộc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN). Đây là số vốn nhỉnh hơn với vốn điều lệ của một trong ba TCty lớn nhất cũng thuộc PVN là TCty Khí VN PVGas. Chắc chắn, Nhà đầu tư chưa quên nỗi “đoạn trường” của PVGas khi đã ba lần bảy lượt dời lịch IPO do “thị trường chưa thuận lợi” trong năm 2010, trong khi đó lượng cổ phần mà nhà nước chấp thuận cho PVGas IPO trong đợt đầu tiên đó chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ 5%/ vốn điều lệ, tương đương 94.750.000 cổ phần của DN và sẽ chưa đạt tới 5% tỉ lệ/ vốn điều lệ của BSR.

Không ít nhà đầu tư cá nhân cho rằng mặc dù họ thờ ơ với việc đẩy mạnh cổ phần hoá, đấu giá cổ phần IPO của các DNNN trong tương lai, nhưng đây lại là cơ hội của các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài và nhìn chung, là cơ hội phát triển của cả thị trường. Bởi với các tổ chức tài chính quốc tế, quy mô của một TTCK VN chỉ chiếm chưa tới 50% GDP quốc gia (xấp xỉ 50 tỉ USD) vẫn là quá nhỏ để hấp dẫn họ tham gia sâu vào thị trường. Do đó, nguồn cung từ sắp xếp lại, cổ phần hoá các DNNN vốn hiện đang chiếm trên 60% tổng mức đầu tư của nền kinh tế, sẽ chính là lực hút của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, đó có lẽ cũng vẫn là chuyện… để mai rồi tính, vì trước mắt và trong năm 2012, cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN xem ra không lớn. Trao đổi với DĐDN bên lề một hội thảo về hoạt động mua bán và sáp nhập DN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, năm 2012, rất có khả năng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ vẫn đuối như năm trước, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. “Cố lắm, thì có thể sẽ bằng năm ngoái, tức là mức giải ngân trong khoảng 10-11 tỉ USD” - Thứ trưởng nói.

Mặt khác, trong trường hợp vốn đầu tư nước ngoài vào VN tăng đột biến, thì theo một chuyên gia tư vấn tài chính DN, trông cậy vào nguồn vốn nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết rốt ráo nguồn cung bán vốn từ phía các DNNN sẽ không thể thành công, vì theo Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các DNNN cổ phần hoá của VN, tỉ lệ góp hoặc mua vốn tối đa chỉ bằng 30% vốn điều lệ của DNVN. Một tỉ lệ dàn hàng ngang đánh đồng mọi DN dù lĩnh vực hoạt động, quy mô, tính chất… là khác nhau không chỉ cản trở mục tiêu quan trọng của cổ phần hóa là nâng cao quản trị DN cho phù hợp với thông lệ quốc tế, còn là quy định “tự mình trói chân mình”, khiến nhiều DNNN trong trường hợp không cần nắm giữ cổ phần chi phối, muốn thoái vốn cũng khó, và nhiều DNNN muốn bán vốn khi cổ phần hoá, còn khó khăn hơn.

Năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, cả nước chỉ có 6 DNNN đã thực hiện cổ phần hoá. Chặng đường cổ phần hoá của 93 DNNN trong thời gian còn lại của năm, dù muốn đua nước rút, hẳn cũng còn nhiều chông gai và khó trở thành hiện thực.

Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   2012: Sẽ cổ phần hóa 93 doanh nghiệp nhà nước (22/06/2012)

>   "Phấn đấu cuối năm 2012 sẽ cổ phần hóa Vinatex" (20/06/2012)

>   Sẽ thực hiện cổ phần hóa 8 doanh nghiệp xây dựng (17/06/2012)

>   Tái cấu trúc VNPT: “Đang chờ Thủ tướng Chính phủ…” (13/06/2012)

>   Bộ Tài chính muốn có chế tài thúc tiến độ cổ phần hóa (12/06/2012)

>   Vinatex lỡ hẹn IPO vào cuối năm nay (06/06/2012)

>   Cổ phần hóa đang diễn ra một cách “nửa vời” (04/06/2012)

>   Vietnam Airlines, Vinatex sẽ IPO cuối năm 2012 (04/06/2012)

>   Đấu giá MayDongA: Chỉ có 2 nhà đầu tư đăng ký mua  (01/06/2012)

>   BIDV được bổ sung vào danh sách công ty đại chúng  (22/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật