TTCK: Áp lực minh bạch Tính minh bạch trên TTCK vẫn là một thách thức lớn, khi cả quy định pháp lý, công cụ giám sát và ý thức từ các thành viên còn hạn chế. Sau cuộc làm việc với Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, Bộ Tài chính vừa có văn bản thông báo chỉ đạo của Bộ trưởng về một loạt giải pháp liên quan đến sự minh bạch. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu UBCK chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện công bố thông tin theo quy định; chủ trì phối hợp với Vụ Chế độ kế toán đề xuất giải pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, đặc biệt là kiểm toán báo cáo tài chính của các DN niêm yết và DN đại chúng. Các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký nâng cao trách nhiệm giám sát; bên cạnh đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của CTCK để công bố rộng rãi chất lượng của các công ty này... Những giải pháp Bộ trưởng nêu trên thực ra không mới, nhưng điểm mới là ở chỗ người đứng đầu ngành đã thể hiện mối quan tâm sát sao đến tất cả các mặt hoạt động/các chủ thể trên TTCK và một lần nữa ra thông điệp thúc đẩy sự minh bạch. Không chỉ DN niêm yết phải minh bạch, CTCK phải minh bạch, kết quả thanh, kiểm tra của UBCK phải minh bạch, mà Bộ trưởng đã yêu cầu Cục Tài chính doanh nghiệp cần công bố công khai danh mục các DNNN sẽ cổ phần hóa trong thời gian tới, góp phần phát triển TTCK. Ngay cả vấn đề nhạy cảm nhất - định hình tái cơ cấu 2 Sở như thế nào, Bộ trưởng cũng chỉ đạo UBCK khi xây dựng xong Đề án, phải tổ chức hội thảo, phải lấy ý kiến công khai các thành viên thị trường và các đơn vị liên quan, để đảm bảo sự minh bạch và sự phát triển ổn định của TTCK. Nếu những chỉ đạo của Bộ trưởng được các đơn vị trực thuộc triển khai quyết liệt thì TTCK chắc chắn sẽ tiến một bước dài về tính minh bạch - một trong những thước đo quan trọng nhất, đánh giá chất lượng hoạt động của TTCK nói chung. Tuy nhiên, từ quyết tâm minh bạch của người đứng đầu đến triển khai trong thực tế là một khoảng cách không nhỏ. Trên bình diện toàn thị trường, bộ phận giám sát giao dịch, giám sát DN tại UBCK, 2 Sở GDCK còn mỏng về nhân sự, hệ thống công nghệ cũ kỹ, thậm chí có công đoạn còn phải giám sát thủ công. Với hiện trạng này, dù có “hạ quyết tâm”, thì khả năng có giám sát, bao quát được các hành vi gian lận trên TTCK hay không, vẫn là câu hỏi ngỏ. Với DN niêm yết, tuy có một hệ thống trung gian là các công ty kiểm toán làm chức năng giám sát chất lượng báo cáo tài chính, nhưng “lưới lọc” này còn có những lỗ hổng, để lọt nhiều DN biến báo số liệu tài chính (Bông Bạch Tuyết, Dược Viễn Đông, Habubank...), đến khi bục vỡ, đã gây mất niềm tin nghiêm trọng cho nhà đầu tư. Trong khối CTCK, bỏ qua 7 CTCK bị kiểm soát đặc biệt, còn nhiều CTCK khác đang trong tình trạng có nợ phải trả và khoản phải thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng không công bố nguồn tiền lấy từ đâu và “tiêu thụ” nó như thế nào. Tính minh bạch trên TTCK, vì thế, vẫn là một thách thức lớn, khi cả quy định pháp lý, công cụ giám sát và ý thức từ các thành viên còn hạn chế. Với các DN, khi kinh doanh khó khăn, minh bạch là một áp lực, một nghĩa vụ khó thực hiện. Với cơ quan trực tiếp quản lý và vận hành TTCK là UBCK, Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội, khó khăn chung của nền kinh tế cũng có lẽ “thấm” đến tận đây, khi 2 trong 3 cơ quan này (UBCK và Sở GDCK TP. HCM) bước sang năm 2012 đã phải tạm ngừng phát hành Bản tin TTCK (bản giấy). Minh bạch, bắt đầu từ quyết tâm, nhưng ngoài quyết tâm, còn cần những khoản đầu tư cụ thể cho con người, cho hệ thống, cho phương tiện thể hiện sự minh bạch. Ngành chứng khoán vẫn tiếp tục chờ những giải pháp cụ thể hơn để hiện thực hóa chỉ đạo của người đứng đầu. đầu tư chứng khoán
|