Thua lỗ chứng khoán: Nếu lộ ra còn nhiều CEO mang tội? Vấn đề thua lỗ của các CTCK gần như đã trôi vào quên lãng bỗng bùng lên sau vụ ông Hoàng Xuân Quyến bị bắt giữ và bị khởi tố. Vấn đề cốt lõi trong hoạt động của các CTCK thời gian qua chính là cơ chế quản lý và giám sát quá lỏng lẻo, quản trị kém, kiểm soát nội bộ bị bỏ ngỏ. Đây cũng là vấn đề đang được UBCK đang tập trung xử lý. Bi kịch của CEO nổi tiếng Từng rất nổi tiếng trong giới tài chính, việc ông Hoàng Xuân Quyến bị Công an Hà Nội bắt hôm 30/5 và rồi bị khởi tố điều tra về hành vi lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ hôm 1/6 vừa qua thực sự làm rúng động giới tài chính trong nước. Sự việc đã được biết đến trước đó khi Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Liên Việt (LVS) cách đây hơn 1 năm đã miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Quyến cùng một số cán bộ có liên quan do đã ký kết trái phép một số hợp đồng nhận thế chấp cổ phiếu OTC để cho khách hàng vay tiền với giá trị lớn và không trả nợ, gây thiệt hại tài chính cho LVS. Con số thiệt hại chưa được công bố chính thức nhưng rơi vào khoảng vài ba chục tỷ đồng và đã được ông Quyến và các cán bộ có liên quan khắc phục một phần. Theo lý, việc làm của ông Quyến và những người có liên quan là sai phạm. Tuy nhiên, có thể thấy đây là hậu quả của hoạt động bát nháo của TTCK, sự cạnh tranh không lành mạnh và sự mất niềm tin vào thị trường trong vài năm gần đây. Được biết, trước khi sang làm CEO cho LVS, ông Quyến đã từng làm phó tổng giám đốc tại một CTCK có quy mô khá lớn là Tân Việt. Ông đã rất nổi tiếng trong giới tài chính vì là một trong những người có nhiều bằng cấp nhất trên thị trường này (tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ, thạc sĩ tài chính tại Anh...) và nhiều kinh nghiệm (giám đốc tài chính của Motorola tại Chicago, kế toán trưởng của Comvik và giám đốc thương mại của Ringer Media Group). Với các vị trí đã kinh qua tại các tập đoàn nước ngoài cũng như bằng cấp mà ông Quyến có được, có thể nói rằng, ông Quyến không thể không nhận ra những việc mà mình đã làm. Chỉ có thể lý giải sai phạm nói trên là do cố tình làm để thu lợi ích cá nhân hoặc theo guồng quay chung trên TTCK lúc bấy giờ. Quay lại thời điểm đầu năm 2011, theo một chuyên gia chứng khoán, nếu là người trong nghề thì nhìn việc làm của ông Quyến rất mong manh giữa ranh giới đúng và sai. Có người cũng có vụ lợi nhưng cũng có người vì muốn gia tăng thị phần, doanh số cho công ty nên mới tiến hành và mức độ rủi ro họ cũng không lường hết, bởi TTCK Việt Nam thời gian qua thì mấy người lường trước được rủi ro giảm giá kinh khủng vậy. Lật lại kết quả kinh doanh của các CTCK có thể thấy, LVS vẫn chưa nằm trong số các CTCK thua lỗ lớn, chưa thấm tháp gì so với SBS (lỗ lũy kế tới cuối Quý I/2012 là 1.424 tỷ đồng), SHS (-337 tỷ đồng), BVS (-302 tỷ đồng), HPC (-231 tỷ đồng), BSC (-180 tỷ đồng), VIG (-164 tỷ đồng)...Và phần lớn các thua lỗ của các CTCK nói trên đều rơi vào năm 2011 và chủ yếu xuất phát từ hoạt động tự doanh và cho vay dưới nhiều hình thức. Nói chung, nếu các CTCK truy xét lại các khoản thua lỗ và nợ xấu, rất có thể nhiều vấn đề sẽ được moi ra. Thay đổi để bảo vệ mình Cũng trong thời gian đó, thử hỏi có bao nhiêu công ty không tiến hành các nghiệp vụ trên? Nếu tổng giám đốc nào không thủ sẵn thì rất dễ rơi vào tình thế như ông Quyến hiện giờ. Có thể thấy qua vụ này người lo lắng nhất là những nhân sự cao cấp đã và đang làm việc tại các CTCK. Có một thực tế không thể phủ nhận là tình hình hoạt động của các CTCK trong vài năm gần đây khá bát nháo. Hiện tượng thua lỗ, mất thanh khoản, chiếm dụng tiền của nhà đầu tư, đánh lên đánh xuống... đã gây phẫn nộ trên thị trường. Điều này đã làm cho TTCK trở nên xấu đi trong con mắt của đa số các nhà đầu tư chứng khoán. Ngược lại, nó cũng khiến chính các CTCK rơi vào tình cảnh khó khăn khi mà TTCK bị các nhà đầu tư hắt hủi. Thị trường khó khăn, việc các CTCK thua lỗ là khó tránh khỏi. Các CTCK đã có rất nhiều thay đổi, trong đó nhiều nhất là thay đổi nhân sự cao cấp, rút gọn hoạt động... Đã có nhiều lãnh đạo cao cấp phải ra đi, thậm chí cũng có người đã được công an mời tới... nhưng bị khởi tố như trường hợp ông Quyến là lần đầu tiên. Mặc dù vậy, có thể thấy việc xử lý các lãnh đạo chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, việc cải tổ lại cách thức quản trị của hệ thống các CTCK mới có thể đem lại được sự phát triển bền vững. Trong một buổi làm việc giữa UBCK, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán và 20 CTCK đại diện vào cuối tuần qua về dự thảo Thông tư về quản lý khối CTCK, một số kết quả tích cực ban đầu đã đạt được. Trong đó, nổi bật là CTCK sẽ được tự doanh 70% vốn chủ sở hữu; CTCK phải có hệ thống kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro trực thuộc HĐQT; CTCK được dự báo giá chứng khoán và thống nhất sơ bộ về quản lý tiền của nhà đầu tư... Mặc dù vẫn là dự thảo và cần trình Bộ Tài chính để xem xét thông qua, nhưng những tranh cãi về những điều kiện quản lý chặt chẽ hơn trong cuộc họp cho thấy, chính các ông chủ của các CTCK vẫn muốn được hoạt động một cách thoải mái. Vụ việc ông Hoàng Xuân Quyến dường như không có nhiều tác động tới ý thức phải thay đổi cách thức quản trị trong các CTCK. Trong cuộc họp, đã có không ít ý kiến cho rằn việc phải có thêm bộ phận kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro trực thuộc HĐQT là quy định cao hơn mặt bằng chung, rất khó thực hiện. Chung cuộc, các CTCK đại diện đã đồng thuận với ý kiến này nhưng nhiều người lo ngại các hoạt động này liệu sẽ chỉ là hình thức giống như thời gian vừa qua? Mạnh Hà DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|