Điểm mặt các thương vụ M&A tiêu biểu và xu hướng Các hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2011 lên đến mức kỷ lục khi đạt giá trị 4.7 tỷ USD. Theo nhóm nghiên cứu M&A Vietnam forum, dựa trên mức tăng trưởng hoạt động M&A tại Việt Nam đạt mức bình quân 30%, dự báo các hoạt động này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng từ 25-30%. * Deloitte: Ngân hàng Việt Nam và 3 thách thức | Diễn đàn M&A Việt Nam 2012 diễn ra sáng ngày 07/06 | 2011 - 2012 và những thương vụ M&A tiêu biểu Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2012 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam tổ chức sáng ngày 07/06, các chuyên gia đều cho rằng dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn song hoạt động M&A tại Việt Nam trong những năm gần đây vẫn tăng trưởng mạnh. Chỉ trong năm 2011, số giao dịch và giá trị tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với mức tăng tới 135%. Giá trị thương vụ đạt 4.7 tỷ USD. Theo KPMG, trong số 10 thương vụ M&A tiêu biểu trong năm 2011 thì có đến 9 thương vụ liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài và tập trung chủ yếu trong ngành truyền thông, hàng tiêu dùng, bất động sản, tài chính, dịch vụ về sức khỏe... Điển hình nhất là thương vụ VimpelCom giải ngân 196 triệu USD vào Beeline, Mizuho rót 567 triệu USD để mua 15% cổ phần của Vietcombank (VCB); hay IFC đầu tư 182 triệu USD góp vốn cổ phần Vietinbank (CTG); hoặc thương vụ Vincom và Vinpearl sáp nhập… Top 10 thương vụ M&A tiêu biểu năm 2011 | | Nguồn: CapitalIQ | Nhóm nghiên cứu M&A cũng cho biết, dựa trên mức tăng trưởng hoạt động M&A tại Việt Nam đạt mức bình quân 30%, nên dự báo các hoạt động này trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 25-30%. Theo thống kê của VinaCapital, chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, tổng giá trị của các thương vụ M&A tại nước ta đã đạt 1.5 tỷ USD. Hầu hết các giao dịch lớn là phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như Eximbank (EIB) rót 100 triệu USD vào Sacombank (STB), Glico bơm vốn vào Kinh Đô (KDC), Hanel mua lại và nắm giữ 100% cổ phần khách sạn Daewoo, Hà Nội, Công ty xây dựng Cotecons phát hành 10 triệu cổ phiếu, trị giá 25 triệu USD cho Kusto Group… Các thương vụ tiêu biểu trong 4 tháng đầu năm 2012 | | Nguồn: CapitalIQ | Xu hướng Nhận định về tiềm năng M&A trong thời gian tới, KPMG cho rằng số lượng và giá trị giao dịch M&A vẫn tiếp tục tăng trong ngắn và trung hạn dù nền kinh tế vĩ mô còn nhiều quan ngại. Trong đó, ngân hàng, bán lẻ thực phẩm/đồ uống và chăm sóc sức khỏe là các ngành quan tâm nhất. Trong khi đó, đại diện VinaCapital lại cho rằng cổ phần tư nhân cũng là một lĩnh vực hấp dẫn cho M&A tại Việt Nam - một thị trường với quy mô 300,000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Một số thương vụ đáng chú ý gần đây có Diageo mua 45% cổ phần Halico, Unicharm mua 95% cổ phần Diana, Fortis Healthcare mua 65% cổ phần Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ… Hoạt động M&A càng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành VinaCapital Group nhận định nhiều cơ hội nằm trong các tài sản niêm yết tại Việt Nam. Theo ông, hiện VN-Index đã tăng 36% so với cuối năm 2011 với thanh khoản đang dần cải thiện. Thanh khoản gia tăng sẽ thúc đẩy các hoạt động M&A. Ở góc độ khác, nhóm nghiên cứu M&A Vietnam Forum lại cho rằng việc tái cấu trúc ngân hàng cũng tạo ra một số thương vụ sáp nhập và hợp nhất. Tiếp tục xuất hiện các cuộc thôn tính trên sàn chứng khoán cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh bằng hình thức M&A. Rào cản Mặc dù thị trường M&A được dự báo tiếp tục tăng trưởng, song các chuyên gia cũng cho rằng còn không ít thách thức cần phải vượt qua. Theo VinaCapital, có hai thách thức chính tác động đến hoạt động M&A tại Việt Nam, bao gồm chi phí vốn và lạm phát. Theo đó, chi phí vốn tại nước ta vẫn còn rất cao so với các nước khác, các hoạt động M&A nội địa bị hạn chế rất nhiều vì những khoản nợ bằng VND. Ngoài ra, nếu lạm phát không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ có nhiều rủi ro do chi phí vốn ở mức cao và kéo dài. Hai tác nhân trên dẫn đến hệ quả là chỉ có những doanh nghiệp trong nước dồi dào tiền mặt mới có thể thành công trong các thương vụ M&A. Còn theo KPMG, sự khác biệt và mâu thuẫn trong văn hóa và phong cách quản lý là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong các giao dịch. Nêu lên những trở ngại trong việc cổ phần hóa các DNNN, ông John Ditty – Chủ tịch KPMG tại Việt Nam cho rằng DNNN hiện chiếm đến 60-70% GDP Việt Nam. Vấn đề định giá tài sản chênh lệch rất lớn giữa Chính phủ và bên mua là một thách thức đến tiến trình cổ phần hóa. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất là làm sao để các công ty sau cổ phần hóa vững mạnh về tài chính, năng suất cao, có quỹ hưu trí .. là các vấn đề mà Chính phủ Việt Nam chưa giải quyết được. Trong khi đó, ông Nhữ Đình Hòa – Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt nhận định văn bản pháp lý của Việt Nam chưa đầy đủ quyền và trách nhiệm với người lao động và cơ quan thuế. Ông Hòa lấy một dẫn chứng rằng việc định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Dù vậy, các trở ngại trên đang dần được tháo gỡ. Các chuyên gia đánh giá cao việc Việt Nam thực hiện khá thành công trong kiềm chế lạm phát. Các cơ chế về định giá cũng đã được hoàn thiện. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục sửa đổi cơ chế và chính sách để đẩy mạnh cổ phần hóa và thúc đẩy M&A tại Việt Nam. Nhờ đó, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong các năm tới. Bội Mẫn (Vietstock) FFN
|