Thứ Năm, 07/06/2012 09:43

Cổ phiếu ngân hàng vẫn là tiêu điểm

Nhà đầu tư tiếp tục dõi theo diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau khá nhiều biến cố liên quan vừa diễn ra.

Những biến cố liên quan đến cổ phiếu ngân hàng vừa qua thu hút sự quan tâm khá mạnh mẽ của giới đầu tư, đặc biệt là các vụ sáp nhập và thâu tóm đình đám giữa Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu - Eximbank (EIB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB), giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội - Habubank (HBB).

Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng lớn có nguồn gốc từ ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) và Ngân hàng Công thương Việt Nam - Vietinbank (CTG) cũng được nhà đầu tư quan tâm. Sự quan tâm của công chúng liên quan đến cổ phiếu này do nhiều nhà đầu tư có xu hướng nhìn vào 2 cổ phiếu này để dự đoán mức giá hợp lý đối với cổ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, khi cổ phiếu này dự kiến được lên sàn cuối tháng 6 này.

Cổ phiếu STB của Sacombank trước và sau đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng 5 vừa qua đã có những diễn biến khá ấn tượng. Theo đó, cổ phiếu này luôn duy trì ở mức trên dưới 25.000 đồng/cổ phiếu suốt từ đầu tháng 5 đến nay. Tương tự, cổ phiếu EIB của Eximbank cũng giao dịch tại một mức giá ổn định quanh mốc 17.500 - 18.000 đồng/cổ phiếu. Một số nhà quan sát cho rằng, động thái ổn định của các cổ phiếu này là do giới đầu tư đã phán đoán trước được việc chia sẻ các vị trí trong HĐQT của các ngân hàng này.

Trong khi đó, cặp cổ phiếu ngân hàng khác là SHBHBB lại có những diễn biến khác. Cổ phiếu SHB rớt giá khá nhanh sau đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi đầu tháng 5 vừa qua, từ mốc trên 10.000 đồng vào hồi đầu tháng 5, có lúc chỉ còn dưới 9.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, những ngày gần đây, cổ phiếu này cũng đã hồi phục nhẹ và đang quanh mốc 9.500 đồng/cổ phiếu. Tương tự, đối tượng còn lại trong vụ sáp nhập này là HBB cũng bị sụt giá nhanh sau đại hội đồng cổ đông khi tuột từ mốc trên 6.600 đồng/cổ phiếu xuống còn dưới 5.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, các ngân hàng trong vụ sáp nhập này còn khá nhiều việc phải làm để hoàn tất việc sáp nhập. Chính vì vậy, các nhà đầu tư vẫn còn có lý do để lo lắng khi hồi hộp dõi theo mức độ thành công của từng lộ trình sáp nhập mà 2 ngân hàng này sẽ phải thực hiện trong thời gian tới. Theo đề án sáp nhập, ngân hàng này sẽ có vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng; quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng; số lượng khoảng 500.000 khách hàng; có khoảng 5.000 nhân viên và một số công ty con như công ty chứng khoán, công ty quản lý tài sản của ngân hàng…

Một cặp cổ phiếu ngân hàng nữa đang được quan tâm là CTG của Vietinbank và VCB của Vietcombank. Các cổ phiếu này từng được quan tâm nhiều tại thời điểm BIDV tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm 2011. Hiện tại, 2 cổ phiếu tiếp tục được dư luận quan tâm trở lại với mục đích dự đoán diễn biến của BIDV khi lên niêm yết.

Cổ phiếu CTG đang có chiều hướng đi xuống, khi giảm từ mốc 23.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 5 xuống chỉ còn trên 20.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian qua, Vietinbank đã khá tích cực trong việc mở rộng sự gắn kết, trao đổi thông tin 2 chiều với các nhà đầu tư. Một trong những động thái đó là việc tổ chức các buổi tọa đàm nhằm phân tích cổ phiếu của chính ngân hàng mình.

CTG cũng được quan tâm sau sự kiện Vietinbank phát hành trái phiếu quốc tế diễn ra giữa tháng 5 vừa qua. Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho biết, ngân hàng này sẽ thực hiện thêm nhiều đợt phát hành trái phiếu quốc tế trong thời gian tới.

Tương tự, VCB cũng bị tuột giá từ mốc đỉnh điểm 36.000 đồng/cổ phiếu từng được thiết lập trong nửa đầu tháng 5, xuống chỉ còn quanh mốc 30.000 đồng/cổ phiếu. Cũng giống Vietinbank, Vietcombank cũng có nhu cầu thực hiện các đợt phát hành trái phiếu quốc tế trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, thời gian qua, việc huy động vốn ngoại tệ từ nền kinh tế chịu tác động lớn do quy định trần lãi suất ở mức thấp, trong khi nhu cầu tín dụng ngoại tệ không suy giảm. Hiện nay, tại Vietcombank, tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ chiếm khoảng 30% tổng huy động từ nền kinh tế, tín dụng ngoại tệ chiếm khoảng 32,43% tổng dư nợ tín dụng.

Chí Tín

đầu tư

Các tin tức khác

>   07/06: Bản tin 20 giờ qua (07/06/2012)

>   Có thể bắt đáy nhẹ nhưng cần cắt lỗ nếu các MA dài hạn bị xuyên phá (11/06/2012)

>   UBCK: Siết quy định dự báo (06/06/2012)

>   Ai cần HNX30? (06/06/2012)

>   Tháng 7, thị trường sẽ rõ xu hướng (06/06/2012)

>   06/06: Bản tin 20 giờ qua (06/06/2012)

>   Chính thức giao dịch buổi chiều từ 06/06 sau 3 tháng thí điểm (05/06/2012)

>   NHNN là đại diện cổ đông Nhà nước tại VCB (05/06/2012)

>   STB: Gần 100 triệu cổ phiếu thỏa thuận trong 3 phiên (05/06/2012)

>   05/06: Bản tin 20 giờ qua (05/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật