Thứ Hai, 04/06/2012 06:12

Tái cơ cấu DNNN, đừng thêm một lần chậm

Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được nhắc rất nhiều lần trong thời gian và mới đây đã được Bộ Tài chính đã soạn thảo, trình lên Chính phủ. Một đề án mới ra đời, nhưng với thực tế sắp xếp và đổi mới DNNN trong hơn 1 thập kỳ qua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu tái cơ cấu DNNN có thêm một lần chậm trễ?

Trong Diễn đàn doanh nghiệp trước thềm Hội nghị giữa kỳ nhóm các nhà tài trọ cho Việt Nam, đại diện các nhóm nghiên cứu và lãnh đạo nhiều tổ chức tài trợ đã không dấu nổi sự sốt ruột hơn trước tiến trình cải cách DNNN. Câu hỏi đã được đặt ra: "Chúng tôi cần biết một cách cụ thể hơn về kế hoạch nào đã được thực hiện. Cần phải công khai một cách cụ thể hơn về những bước nào đã, đang được thực hiện và sẽ có những bước bổ sung nào nhằm đạt được cải cách DNNN. Bởi vì, cải cách DNNN của Việt Nam tuy đã có rất nhiều tranh luận, ý kiến nhưng chưa có nhiều kết quả thực sự".

Tái cấu trúc DNNN không có gì mới, nó đã được thực hiện từ lâu với việc chuyển đổi, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Đó là một chương trình lớn, kéo dài trong nhiều năm, là một trong những trong tâm với sự tham gia của nhiều bộ ngành. Tuy nhiên, kết quả thực tiễn lại cho thấy, dù rất quyết liệt nhưng chúng ta luôn không hoàn thành kế hoạch đề ra, chậm tiến độ và có vẻ như tốc độ ngày càng chậm lại nhất là khi động chạm đến những DNNN lớn.

Kể từ năm 1991, trong từng giai đoạn 5 năm, Nghị định, thông tư mang nội hàm "tái cấu trúc" DNNN liên tục ban hành nhưng kết quả thì chưa bao giờ thành công như mong muốn. Năm 1991, Nghị định số 388 của Hội đồng Bộ trưởng (hiện là Chính phủ) đã khởi xướng chương trình sắp xếp lại DNNN, sàng lọc những DN nào còn đủ tiêu chuẩn thì tiếp tục tồn tại là DNNN. Khi đó, chúng ta có hơn 12.000 DNNN, trong đó hơn 250 Tổng Công ty, Liên hiệp xí nghiệp và DNNN độc lập.

Trong 10 năm sau đó, với tới 3 đợt sắp xếp, chuyển đổi DNNN lớn nhưng kết quả là hiệu quả hoạt động khu vực này không những không được cải thiện mà ngược lại, sức cạnh tranh đi xuống. Nếu như năm 1995, một đồng vốn Nhà nước tạo ra được 3,46 đồng doanh thu và 0,19 đồng lợi nhuận thì năm 1998, chỉ còn có tương ứng là 2,9 và 0,14 đồng.

Giai đoạn kế tiếp 2001-2005, câu chuyện đổi mới DNNN lại sục sôi, nóng bỏng với quyết sách đột phá nhất là cổ phần hóa. Ngay từ lúc này, những mục tiêu đã được đề ra cấp thiết là phải làm làm lành mạnh hóa tài chính DN, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiện đại hóa công nghệ và quản lý của DNNN. Đây là giai đoạn ghi nhận sự tinh giản số lượng lớn về DNNN, cũng như có những kết quả tốt từ hiệu quả của quá trình đổi mới của DNNN được ghi nhận.

Tuy nhiên, chúng ta mới giải quyết về mặt số lượng khi giảm được nhiều DN vừa, nhỏ và rất nhỏ... còn các DN lớn thì vẫn vướng. Vì thế, DN nhà nước tuy không còn số lượng lớn nhưng vẫn chi phối số vốn, đất đai, tài sản... và tất nhiên vẫn được ưu tiên nhiều về chính sách. Trong giai đoạn này còn ghi nhận sự tăng lên của nguồn vốn NN tăng lên nhưng chủ yếu tập trung ở những DN độc quyền, lớn như dầu khí, bưu chính viễn thông, điện lực.

Năm 2006, được đánh dấu bằng việc Chính phủ chủ trương thành lập thí điểm các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, trên cơ sở nâng cấp một số tổng công ty 90, 91. Các tập đoàn được ra đời giữa rất nhiều kỳ vọng và lo ngại về một mô hình mới.

Những số liệu về hoạt động của các tập đoàn gần đây cho thấy, rất nhiều tập đoàn đang rơi tình trạng mất an toàn về vốn. Vốn vay và nợ gấp nhiều lần so với tỷ lệ được phép là 3 lần vốn chủ sở hữu. Tính tới tháng 11/2011, khu vực DN vốn nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước đã vay ngân hàng chiếm tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng và riêng 12 Tập đoàn lớn chiếm tới hơn 59% tổng dư nợ này. Bảy Tập đoàn, Tổng công ty còn nợ trên 10 lần/vốn chủ sở hữu. Đến nay, khu vực DNNN này phải dùng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu, nghĩa là nếu dùng 1 đồng vốn thì chỉ tạo được chưa đến 0,5 đồng doanh thu.

Đáng nói hơn, những tập đoàn này lại rất ưu thích mô hình đa ngành khi liên tục rót vốn ra ngành ngoài ngành như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng để rồi đến nay, chứng khoán đì đẹt, BĐS khó khăn, ngân hàng xuống giá thì các tập đoàn kêu ca  "bế tắc" khi phải thoái vốn, thậm chí có nguy cơ phải bán rẻ gây thiệt hại vốn nhà nước.

Thậm chí, với những sự vụ xảy ra như Vinashin, Vinalines, EVN... nhiều lãnh đạo tập đoàn rơi vào lao lý thì hình ảnh của các tập đoàn và DNNN đã trở nên rất xấu. Vì thế, Giám đốc quốc gia World Bank Victoria Kwakwa cho biết các nhà tài trợ thực sự quan ngại trước những kết quả kinh doanh gần đây của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Quay lại sự chậm trễ của tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa, Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định các công ty Nhà nước phải chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần chậm nhất 4 năm kể từ khi Luật có hiệu lực- ngày 1/7/2006. Vì thế, trước đó, tại hội nghị về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 được tổ chức ngày 7/10/2006 cũng yêu cầu phải hoàn thành chương trình cổ phần hóa vào năm 2010.

Tuy nhiên, tiến độ này đã lỡ hẹn và khi chỉ còn cách thời hạn này gần 4 tháng, ngày 19/3/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 25 "giải thoát" cho hàng nghìn DNNN. Theo đó, tất cả các DNNN lỗi hẹn cổ phần hóa được tạm thời chuyển sang công ty TNHH một thành viên. Thậm chí, tính đến năm 2011, số DNNN không những không giảm mà còn tăng thêm với 128 DNNN 100% vốn Nhà nước, đưa tổng số DNNN cả nước tăng lên 1.309 DNNN. Trong đó, tới 65,8% DN hoạt động thuần túy kinh doanh.

Năm 2011, thêm 2 Nghị định nữa ra đời về cổ phần hóa DNNN với mục tiêu tới năm 2015, có 600 DNNN cổ phần hóa. Chính vì thế, một Đề án về tái cơ cấu xuất hiện rất được quan tâm.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình đổi mới DNNN từ trước đến nay, tái cơ cấu DNNN là một chủ đề đã cũ và thực tế đã được ngiên cứu, đề xuất, lên chương trình kế hoạch nhiều lần. Bên cạnh chương trình đổi mới DNNN với Ban đổi mới DN thuộc Văn phòng Chính phủ; Năm 2010-2011, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã chắp bút đề án về DNNN. Và bây giờ là Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ làm "tái cấu trúc DNNN" với một bản đề án đang trình lên Chính phủ.

Đi cùng với việc xây dựng một đề án mới, dấu hiệu được cho là "tái cấu trúc" là việc các Tập đoàn, Tổng công ty ký cam kết tiết giảm 5-10% giá thành hồi tháng 2/2012. Trong khi đó, việc triển khai tiếp cổ phần hóa đối với các DNNN lớn vẫn gần như không có chuyển động. Thậm chí, việc tổng kết mô hình các Tập đoàn kinh tế Nhà nước đã được nhấn mạnh nhiều lần từ sau vụ đổ vỡ Vinashin thì cũng chưa thấy làm. Tính tới tháng 4 vừa qua, mới chỉ có 7 Tập đoàn, Tổng công ty trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu và 35 Tập đoàn, Tổng công ty vẫn đang xây dựng, hoàn thiện đề án.

Chính vì thế, người soạn thảo ra đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong những lần trao đổi về chủ đề này đã bày tỏ, nói thì nhiều lắm rồi, kiến nghị nhiều rồi, nhưng không thấy áp dụng. Bây giờ cứ bàn nhiều, quan trọng là hành động thế nào và phải hành động ngay.

Vì thế, có lẽ trước khi xây dựng một đề án nào hãy tự nhìn lại những điều đã nói mà chưa làm và tự hỏi vì sao. Và cần bàn luận vì sao các giải pháp trước đó đã kiến nghị không được thực hiện để một đề án mới đã ra đời không rơi vào một lần chẫm trễ.

Phạm Huyền

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Đến 2015 dịch vụ chiếm 55% cơ cấu kinh tế Hà Nội (03/06/2012)

>   Xuất khẩu 5 tháng ước đạt gần 43 tỷ USD (03/06/2012)

>   DNNN là công cụ điều tiết vĩ mô: Bên trọng bên khinh (02/06/2012)

>   Không luật, tái cơ cấu kinh tế cách nào? (02/06/2012)

>   Tính việc thắt chặt giám sát và phân loại doanh nghiệp FDI (02/06/2012)

>   Vụ Đan Mạch ngừng ba dự án ODA: Các bên nói gì? (01/06/2012)

>   HSBC: PMI tháng 5 đạt mức thấp nhất trong ba tháng (01/06/2012)

>   CPI tháng 6 có thể tăng 0,1-0,2% (01/06/2012)

>   Sẽ chấm dứt ưu đãi tài chính cho DNNN (01/06/2012)

>   WB và IDA tiếp tục hỗ trợ 4,2 tỷ USD cho Việt Nam (01/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật