Thứ Sáu, 01/06/2012 17:41

Vụ Đan Mạch ngừng ba dự án ODA: Các bên nói gì?

Ngay trước thềm hội nghị tư vấn giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam sắp diễn ra tại Quảng Trị, thông tin Bộ Phát triển Đan Mạch quyết định dừng ba dự án ODA tại Việt Nam do nghi ngờ gian lận đã gây xôn xao dư luận.

* Đan Mạch hủy 3 dự án viện trợ cho Việt Nam vì nghi án “gian lận”

Trưa 1/6/2012, website của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã đăng tải một thông cáo báo chí về sự việc này.

Theo thông cáo này (đề ngày 31/5/2012), sau khi có những nghi ngờ về hiện tượng tiêu cực tại một số dự án nghiên cứu tại Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội đã mời một công ty kiểm toán quốc tế tiến hành làm rõ các thông tin liên quan đến tài chính của 4 dự án.

Dựa trên kết quả kiểm tra tài chính, phía Đan Mạch đã tạm dừng hoạt động của 3 trong 4 dự án để tiếp tục làm rõ. 

Đại sứ quán Đan Mạch nói "không chấp nhận ngân sách viện trợ phát triển bị sử dụng sai mục đích".

"Bộ trưởng Bộ Phát triển của Đan Mạch đã khẳng định Đan Mạch không thể và sẽ không chấp nhận việc ngân sách viện trợ phát triển bị sử dụng sai mục đích. Cách thức giải quyết của chúng tôi đối với tất cả các trường hợp có dấu hiệu tiêu cực là rõ ràng và nhất quán. Đây cũng là quan điểm của chúng tôi đối với bất kỳ nghi vấn tiêu cực nào xảy ra trong các chương trình do Danida tài trợ tại tất cả các quốc gia", Đại sứ Đan Mạch John Nielsen phát biểu.

"Hiện tại chúng tôi đang làm việc với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan đối tác để xử lý nghiêm túc vấn đề này. Cho đến nay chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực đầu tiên", ông cho biết thêm. 

Những phát hiện trong quá trình kiểm tra tài chính là sử dụng dịch vụ tư vấn để tư lợi, chi vượt mức thực tế các trang thiết bị và thâm hụt quỹ so với số dư sổ sách kế toán. Theo báo cáo, số tiền bị sử dụng không hợp lý có thể lên tới 3,3 triệu Kroner Đan Mạch (tương đương 550 nghìn USD).

“Tuy nhiên, những phát hiện này sẽ cần được hai chính phủ và các cơ quan thực thi đánh giá kỹ lưỡng trước khi có kết luận cuối cùng. Tại thời điểm này, Đại sứ quán sẽ không bình luận thêm về vụ việc nêu trên vì đang trong quá trình làm rõ vấn đề”, thông cáo viết.

Trước đó, tờ The Copenhagen Post đưa tin Bộ trưởng Bộ Phát triển Đan Mạch Christian Friis Bach đã quyết định ngừng các dự án này vì thông tin về việc các dự án này có "gian lận", được thực hiện bởi tổ chức đánh giá độc lập Price Waterhouse Coopers (PWC), đã được phổ biến rộng rãi trong đó nói rằng đã phát hiện nhiều dấu hiệu "bất thường".

Những dự án trong diện nghi vấn có liên quan tới hoạt động nghiên cứu về biến đổi khí hậu do Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida) tài trợ. Việc sử dụng sai nguồn vốn bao gồm chi vượt mức thực tế cho các dịch vụ tại chỗ, các hợp đồng dịch vụ đáng nghi vấn, chênh lệch giữa sổ sách của dự án và mức chi được ủy quyền.

Lĩnh vực nghiên cứu về biến đổi khí hậu hiện do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Tuy nhiên, về quản lý nhà nước đối với các dự án ODA nói chung hiện nay thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy qua điện thoại ngày 1/6, ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên môi trường nói cơ quan này “không phụ trách và không biết sự việc này”.

Trước câu hỏi vậy cơ quan nào phụ trách việc này, ông Thành đề nghị báo chí “tự tìm hiểu lấy”.

Theo Quyết định số 997/QĐ-BTNMT ban hành  ngày 12/5/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, cơ quan này là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, “có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về khí tượng, thuỷ văn; giám sát hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai; quản lý, điều phối các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-zôn thuộc phạm vi quản lý của Bộ”.

Cơ quan này cũng là “đầu mối liên hệ, theo dõi, báo cáo Bộ trưởng về hoạt động của các hội, tổ chức phi Chính phủ và cá nhân trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, dự báo và cảnh báo thiên tai và biến đổi khí hậu”. Đồng thời, là đầu mối “phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế; thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế”.

VnEconomy đã liên hệ với PWC Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin về các báo cáo kiểm toán mà báo The Copenhagen Post đã đề cập, nhưng hiện chưa được hồi đáp.

Hoài Ngân

tbktvn

Các tin tức khác

>   HSBC: PMI tháng 5 đạt mức thấp nhất trong ba tháng (01/06/2012)

>   CPI tháng 6 có thể tăng 0,1-0,2% (01/06/2012)

>   Sẽ chấm dứt ưu đãi tài chính cho DNNN (01/06/2012)

>   WB và IDA tiếp tục hỗ trợ 4,2 tỷ USD cho Việt Nam (01/06/2012)

>   WB sẽ hỗ trợ Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề nóng (31/05/2012)

>   Kinh tế Việt Nam trước sức ép thay đổi (31/05/2012)

>   Áo tăng cường đầu tư vào Việt Nam (31/05/2012)

>   Vinacomin báo cáo Thủ tướng vụ Vietmindo (31/05/2012)

>   DNNN thua lỗ: Khi ban kiểm soát chỉ là hình thức (31/05/2012)

>   TPHCM: Ngưng thành lập mới các cụm công nghiệp (31/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật