Sẽ chấm dứt ưu đãi tài chính cho DNNN Tại hội thảo Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 31-5. Chuyên gia kinh tế cao cấp Đặng Văn Thanh cho rằng Chính phủ cần khẩn trương đánh giá lại mô hình hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tính toán kỹ hơn trong định giá DN, cổ phần hóa ra thị trường, xử lý nợ tồn đọng. Ngoài ra, Chính phủ phải sớm có hướng dẫn về cơ chế tài chính, kế toán cho tập đoàn kinh tế; khôi phục chế độ kiểm soát nội bộ tập đoàn “Thật vô lý khi một tập đoàn kinh tế lớn bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua tàu biển mà chỉ có chủ tịch HĐQT biết, trong khi giám đốc, kế toán không hề biết gì” - ông Thanh dẫn chứng. Mặt khác, để thực hiện được quá trình tái cơ cấu DNNN, cơ quan quản lý cần xác định lại khái niệm coi DNNN là chủ đạo của nền kinh tế. Hễ cái gì to lớn là DNNN làm hay vai trò chủ đạo nằm ở doanh thu, lượng lao động khổng lồ? Chính phủ cần can thiệp như thế nào là hợp lý theo cơ chế thị trường? Thừa nhận những hạn chế của DNNN hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho biết các DNNN đang gặp tình trạng chưa phân tách rõ giữa hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện dịch vụ công ích. Một số DNNN tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản trị DN còn bất cập. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết các bộ, ngành sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần, thoái vốn nhà nước ở những DNNN không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Tạm dừng thành lập mới các tập đoàn, bổ sung các phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2015 cho phù hợp. Ngoài ra, cần ban hành quy chế quản trị nội bộ và kiểm soát nội bộ; thực hiện phân cấp quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; chấm dứt các ưu đãi về tài chính, tín dụng đối với các DNNN; đổi mới cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng trong DNNN… TRÀ PHƯƠNG Pháp luật TPHCM
|