Kỳ vọng từ đầu tư của Nhật
Trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn, kinh tế có tăng trưởng, có thị trường và hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới…
Mặc dù vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục giảm nhưng riêng phía Nhật vẫn tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
FDI không còn “nóng” như trước
Trong 5 tháng đầu năm 2012, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tổng số giá trị các hiệp định đã ký kết với các nhà tài trợ đạt 2.101,74 triệu USD. Giải ngân 5 tháng đầu năm 2012 ước đạt khoảng 530 triệu USD (trong đó vốn vay ước đạt 468 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 62 triệu USD) tương đương 25% so với kế hoạch năm.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 283 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4,12 tỉ USD, bằng 58% về số dự án và 74,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Tính đến ngày 20-4-2012, có 73 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,16 tỉ USD, bằng 59,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu FDI Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng đi cùng với khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng tụt dần. Nguồn vốn FDI năm 2008 cao nhất là 71 tỉ USD, sau đó giảm dần 21,4 tỉ USD năm 2009, 18,5 tỉ USD năm 2010 và 14,6 tỉ USD năm 2011.
Nhà đầu tư Nhật ngược dòng
Ông Phan Hữu Thắng cho biết thêm: FDI của Nhật Bản vào Việt Nam cũng sụt giảm trong những năm qua. Tuy vậy, từ giữa 2011 đến nay, các nhà đầu tư Nhật đã ngược dòng, quay trở lại Việt Nam. Bốn tháng đầu năm nay, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam dẫn đầu so với các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam với hơn 2,36 tỉ USD, chiếm đến 76% tổng vốn đăng ký và cấp mới từ đầu năm đến nay.
Theo ông Phan Hữu Thắng, tuy còn nhiều bất cập trong môi trường đầu tư nhưng Việt Nam, dưới con mắt của các nhà đầu tư Nhật Bản, vẫn là một điểm đến an toàn, có nền chính trị - xã hội ổn định, kinh tế có tăng trưởng, có thị trường và hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư tương đối rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, ở Việt Nam có lẽ khác với nhiều nơi trên thế giới, người dân và chính quyền các cấp đánh giá rất cao nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản; nhà đầu tư Nhật Bản được đánh giá là nghiêm chỉnh nhất với công nghệ cao và năng lực tài chính đầy đủ.
TS Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng có khá nhiều lý do khiến Nhật Bản gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Một là, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Chính phủ nước này khuyến khích đầu tư sau thảm họa động đất, sóng thần. Hai là, quy mô vốn của doanh nghiệp 2 nước cũng có nhiều điểm tương đồng nên dễ chọn đối tác đầu tư.
Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản đã xác lập quan hệ đồng yen chứ không quy ra đồng tiền khác nên doanh nghiệp sang đầu tư không sợ đồng tiền của họ bị mất giá…
Tiềm năng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thời gian tới rất lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần tập trung các hoạt động thu hút đầu tư một cách bài bản và phối hợp chặt chẽ, thống nhất hơn giữa các các địa phương để giữ chân các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư khác nói chung.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh về môi trường đầu tư, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực...
FDI vào TPHCM giảm theo cả nước
Khi dòng FDI vào cả nước sụt giảm thì đầu tàu TPHCM cũng sụt giảm theo. Quý I/2012, TPHCM có 59 dự án cấp phép mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 39 triệu USD, giảm 96,5% so với quý I/2011, trong đó có 15 dự án có vốn đầu tư dưới 100.000 USD. Một số dự án có vốn chỉ hơn 10.000 USD, như dự án Archi Voice 12.200 USD, dự án Công ty Tư vấn S-CIE 15.000 USD… |
Sơn Nhung
Người lao động
|