Gói giải pháp 29,000 tỷ đồng khó phát huy tác dụng
Đây là khẳng định của đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2012 vừa diễn ra sáng nay (29/5), tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ chủ đề của diễn đàn lần này là “Từ ổn định đến phục hồi", bàn về việc giải cứu doanh nghiệp là một trong các nội dung nổi bật được các chuyên gia, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm phân tích.
Ngân hàng tăng thận trọng, doanh nghiệp tăng khó…
Theo đại diện của Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, “toàn bộ lãi làm ra chỉ đủ hoặc không đủ để trả lãi vốn vay dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp bị phá sản, đe dọa an ninh của hàng chục ngàn việc làm”.
Đặc biệt, vị đại diện của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội còn thẳng thắn: “Gói giải cứu mới đây được tính toán là 29,000 tỷ không đủ hấp dẫn và khó phát huy tác dụng vì phụ thuộc vào yếu tố doanh nghiệp có khả năng đẩy thêm hàng ra thị trường, giải quyết hàng tồn kho hay có lãi để đóng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp hay không”.
Ngân hàng thận trọng hơn khi cho vay, doanh nghiệp cũng thêm phần khó
Còn ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore, với tư cách là một nhà đầu tư cũng có phản hồi rằng, khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Vì thế, “các công ty đang gặp khó khăn đang mong đợi các nhà đầu tư mới mang cả vốn và mối quan hệ liên minh hiệp trợ”.
Các dấu hiệu căng thẳng xuất hiện rõ ràng trong toàn nền kinh tế Việt Nam. Đó là: lợi nhuận giảm, cắt giảm nhân công, tỷ lệ sinh viên mới ra trường thất nghiệp cao hơn, giá trị bất động sản suy giảm trầm trọng và số lượng các vụ phá sản tăng.
Mức độ nợ xấu cao hơn trong ngành ngân hàng khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong hoạt động cho vay. Các ngân hàng đang thắt chặt kiểm soát tín dụng đồng thời tăng lãi suất cho vay để có thể bù đắp nợ xấu dự kiến.
Theo ông Terence F. Mahony, đại diện nhóm Công tác Thị trường vốn, trong giai đoạn lập kế hoạch đầu tư cho năm 2012, nhiều doanh nghiệp đã quyết định tạm ngừng hoặc cắt bớt kế hoạch đầu tư mới của mình do 3 nguyên nhân.
Một là, suy thoái kinh tế khu vực và toàn cầu, và cụ thể là, tâm lý tiêu cực bao trùm trong Quý 4, 2011.
Hai là, chi phí lãi cao hơn, nguồn tín dụng hạn chế, thị trường ngoại hối biến động và môi trường kinh tế vĩ mô chung của Việt Nam khó dự báo được.
Ba là, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng trong việc xin các khoản tài trợ lớn từ các tổ chức tín dụng cho nhu cầu vốn lưu động, mở rộng sản xuất, nhu cầu tài trợ dự án từ một tổ chức tín dụng do quy định về hạn mức cho vay đối với một khách hàng.
Tình hình kinh tế phát triển chậm lại cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và xếp hạng tín dụng của khách hàng vay làm cho các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong việc cấp khoản vay mới.
Doanh nghiệp mong thực hưởng lãi suất ưu đãi
Còn theo Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chính phủ cần trợ giúp doanh nghiệp bằng nguồn tiền có lãi suất ưu đãi, dựa trên các tiêu chí về công nghiệp, công nghệ và đảm bảo việc làm chứ không nên dựa vào tiêu chí đánh giá “phương án kinh doanh có hiệu quả” của cán bộ ngân hàng thương mại để tập trung các nguồn lực quốc dân cho sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, để vượt quá khó khăn hiện nay, theo đại diện của nhóm Công tác thị trường Vốn Terence F. Mahony, các doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chuyên môn chính và không mở rộng ra các lĩnh vực không liên quan khác. Việc kinh doanh ngoài ngành khiến các công ty nhà nước khó có thể hoạt động hiệu quả và làm tăng nguy cơ thua lỗ.
Đồng thời, cũng cần tăng cường tính kỷ luật và sự nhất quán trong hoạch định kế hoạch. Bởi theo Terence F. Mahony, đây là “điều kiện tiên quyết để vận hành hiệu quả, phát triển và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thành công”
Ngoài ra, F. Mahony còn cho rằng, cổ phần hóa hiện nay chính là xương sống của các chính sách kinh tế phù hợp và Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của những thị trường mới nổi khác. “Cổ phần hóa phải là nhân tố cốt yếu trong chính sách của Chính phủ, trong đó xác định 2-3 ứng cử viên để cổ phần hóa trong vòng 9-12 tháng tới. Quá trình này không thể tiếp tục chỉ là dậm chân ở mức thảo luận mà phải biến thành hành động”, ông này khẳng định.
Cụ thể, tại Việt Nam, hai ngành chủ lực cần cổ phần hóa trước mắt là Viễn thông và Ngân hàng. Chìa khóa để cổ phần hóa thành công là định giá. Thực tế việc 02 ngân hàng đã đang được cổ phần hóa nhưng chưa thành công do định giá không phù hợp đã chứng minh nhận định này.
Cũng theo ông Terence F. Mahony, cách duy nhất thực hiện tốt công tác định giá là thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng đứng ra định giá và chào bán cổ phần theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, ông cũng quan ngại về việc có thể bán tài sản của nhà nước với giá quá rẻ, việc định giá phát hành quá cao thường dẫn tới thất bại. Hơn nữa, cũng cần bán một tỷ lệ đáng kể để thị trường bảo đảm có thanh khoản, chứ không chỉ là mức phần trăm một con số.
Xuân Thân
VOV
|