Nhà đầu tư ngoại lo Việt Nam kém hấp dẫn đầu tư
Triển vọng kinh tế đang trở nên sáng sủa hơn, song nếu không chịu cải thiện môi trường đầu tư một cách mạnh mẽ, Việt Nam sẽ tiếp tục bị “tụt hạng” trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thông điệp này đã được chính các nhà đầu tư nước ngoài gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ tổ chức sáng 29/5 tại Hà Nội.
Việt Nam đã tụt 8 bậc trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012” của Ngân hàng Thế giới (WB), khi chỉ xếp vị trí thứ 98 trong tổng số 183 nước được xếp hạng. Theo báo cáo này, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam bị sụt giảm trong năm nay là do Việt Nam đã thất bại trong việc cải thiện hệ thống điện.
Báo cáo cũng đề cập đến tiến trình chậm chạp trong cải cách hành chính của Việt Nam. Xét về tổng thể, Việt Nam mới chỉ cải thiện được một chút ít tại 3 trong số 10 lĩnh vực được đánh giá bao gồm giấy phép xây dựng, bảo vệ nhà đầu tư và thực thi hợp đồng.
Những lĩnh vực đang yếu kém đi là khởi sự doanh nghiệp (cấp phép), đăng ký tài sản, đóng thuế và tiếp cận tín dụng.
Dẫn ví dụ này, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nói rằng trong khi các doanh nghiệp châu Âu “kiên nhẫn và vẫn hy vọng vào sự phát triển trong dài hạn của Việt Nam, thì lòng tin của họ đã có chiều hướng suy giảm từ đầu năm 2011”.
Theo kết quả trong cuộc điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của EuroCham tại Việt Nam, trong năm vừa qua, chỉ số BCI đã giảm từ 70 xuống còn 53 điểm và hiện chỉ xoay quanh mức điểm thấp này, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong ngắn hạn.
“Cùng với tỷ lệ lạm phát cao và sự sụt giảm FDI trong thời gian gần đây, công bằng mà nói, các doanh nghiệp châu Âu vẫn đang quan ngại về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”, ông nói, nhấn mạnh rằng đây là sự kết hợp của tiến trình thay đổi chậm chạp trong nhiều vấn đề cũ với một số vấn đề mới phát sinh, nhất là các vấn đề liên quan đến “tiếp cận thị trường”.
Báo cáo chính thức của EuroCham được trình bày tại hội nghị cho thấy các doanh nghiệp thành viên của EuroCham vẫn tiếp tục phải trải qua quá trình phê duyệt dài ngày và nhiều trì hoãn trong quá trình cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh, cũng như rất nhiều các thủ tục rườm rà phức tạp cần phải trao đổi nhiều với chính quyền địa phương.
“Thực tế, các cơ quan chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi phải nộp các tài liệu bổ sung ngày càng nhiều, mặc dù các tài liệu và văn bản này không có trong yêu cầu pháp luật. Kết quả là tỷ lệ các doanh nghiệp phải mất hơn ba tháng để hoàn tất toàn bộ thủ tục cần thiết để bắt đầu kinh doanh hoặc cấp phép cho một dự án đã tăng lên đáng kể”, ông Preben Hjortlund nói.
Ngoài ra, EuroCham cũng nhận thấy rằng thời gian cần thiết để nhận được phép đầu tư giữa các thành phố và các tỉnh tại Việt Nam là rất khác nhau, trong đó thời gian chờ cấp giấy phép ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM thường lâu hơn rất nhiều.
Trong khi đó, ông Mark Gillin, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) dẫn lại chuyện vào tháng 2/2012, Việt Nam đã trở thành quốc gia duy nhất ở châu Á bị “xuống hạng” trong báo cáo “Chỉ số niềm tin FDI” được thực hiện bởi công ty tư vấn quản lý AT Kearney.
Báo cáo này, dựa trên khảo sát hàng năm của các công ty toàn cầu với hơn 2 nghìn tỷ USD doanh thu hàng năm, cho thấy Việt Nam đã rớt từ vị trí thứ 12 trong năm 2010 xuống vị trí thứ 14 vào năm 2011. Trong khi đó, Indonesia đã thăng hạng từ vị trí thứ 20 trong năm 2010 lên vị trí thứ 9 năm 2011, và vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục 19,3 tỷ USD, gấp đôi năm trước. Malaysia cũng thăng hạng từ vị trí thứ 21 lên vị trí thứ 10.
“Rõ ràng Việt Nam đã có một số đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ về FDI trong khối ASEAN”, ông Mark Gillin nói, nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, FDI vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.
Mark Gillin nói rằng đã có nhiều kiến nghị từ các tổ chức quốc tế về xúc tiến đầu tư và chiến lược cạnh tranh cho Việt Nam, nhưng “những phản hồi cho những kiến nghị này cũng chưa tích cực lắm”.
“Trong khi có nhiều lãnh đạo Việt Nam đồng ý với sự phân tích và các chiến lược được kiến nghị, thì dường như còn thiếu việc khởi xướng việc làm thế nào để thực hiện chiến lược. Việt Nam nên bắt đầu từ đâu, và làm như thế nào, vẫn còn là một câu hỏi”, ông nhận xét.
Ông Fred Burke, trưởng nhóm công tác đầu tư và thương mại thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thì lấy ví dụ về sự cạnh tranh từ một địa chỉ FDI “mới nổi” là Myanmar để nói rằng nguy cơ tụt hạng về thu hút FDI là khá rõ ràng.
Theo ông , các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đầu tư vào Việt Nam đang hồi hộp chờ xem Myanmar sẽ hội nhập lại vào cộng đồng quốc tế nhanh như thế nào, với sự lưu tâm là nếu nước này sớm có được quy chế tối huệ quốc (MFN) tại các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, khả năng cạnh tranh của Myanmar trong các lĩnh vực may mặc, giầy dép và đồ nội thất sẽ nhanh chóng vượt qua Việt Nam, và dẫn đến việc Việt Nam có thể bị mất hàng triệu việc làm trong một vài năm tới.
“Chúng ta phải mau chóng điều chỉnh lại nền kinh tế Việt Nam để đáp ứng tình hình thay đổi nhanh chóng này. Tự mãn và chấp nhận hiện trạng đồng nghĩa với tụt hậu, kèm theo những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn đối với sự ổn định xã hội”, vị chuyên gia giàu kinh nghiệm về môi trường đầu tư của Việt Nam, nói.
Ông cũng lưu ý rằng Chính phủ đã rất nỗ lực tiến hành cải cách hành chính thông qua Ðề án 30 và đề án tiếp nối, nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng như mong muốn. Trong khi đó, các thủ tục hành chính mới chưa thực hiện triệt để các nguyên tắc tham vấn trước với công chúng, đánh giá tác động của các quy định và trách nhiệm giải trình vẫn đang được ban hành.
Một dẫn chứng là trong khi Ðề án 30 hướng tới mục tiêu giảm 30% chi phí thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Bộ luật Lao động mới có thể khiến cho chi phí tuân thủ quy định hành chính tăng gấp ba lần trong lĩnh vực có liên quan, qua việc thay đổi thời hạn hiệu lực của giấy phép lao động từ ba năm thành một năm, và theo đó làm tăng thời gian, chi phí xin cấp giấy phép lao động.
“Nếu quý vị nghĩ rằng đây chỉ là một vấn đề nhỏ, xin hãy hỏi những vị quản lý đã bị từ chối cấp giấy phép lao động, hoặc hãy thử xin cấp giấy phép lao động mà không thông qua một nhà tư vấn có những mối “quan hệ” tốt”, ông Fred Burke đặt câu hỏi đầy ẩn ý.
Anh Minh
tbktvn
|