Thứ Tư, 30/05/2012 21:56

Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII:

Lo toan cuộc sống trên bàn nghị sự

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền rất gay gắt khi đề cập tình trạng ngân hàng sống trên lãi suất các doanh nghiệp.

Trên mặt các tờ báo lớn hiện nay, cũng như ngay trên bàn hội nghị của Quốc hội thì kinh tế đang là vấn đề chủ đạo. Từ chuyện trước mặt là sự giảm phát , phá sản của hàng loạt doanh nghiệp đến vấn đề lâu dài là tái cấu trúc nền kinh tế đang được các đại biểu của nhân dân đem ra “mổ xẻ” trong Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII này.

Giám đốc chuyển nghề... chạy xe ôm và gần 18.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Chưa bao giờ những khái niệm chuyên ngành kinh tế như "tốc độ tăng trưởng GDP thấp", "chính sách tài khóa thắt chặt", "phá sản", "suy giảm kinh tế"… lại được báo chí nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây và người dân đặc biệt quan tâm bởi giờ đây mỗi người dân đều có thể cảm nhận được những khó khăn của nền kinh tế đã và đang tác động trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của gia đình mình khi mà hàng tháng vẫn luôn có rất nhiều khoản phải chi phí nhưng thu nhập lại giảm, thậm chí mất việc làm, tới mức có những giám đốc doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ giờ đã phải chuyển nghề sang… chạy xe ôm để kiếm sống qua ngày vì không đủ sức "qua cơn bĩ cực"….

Vì vậy, trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tới Quốc hội do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 có những đoạn nghe rất "tâm trạng" rằng: "Cử tri và nhân dân phản ánh tình hình sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức: tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm đạt thấp, sức mua giảm sút, hàng hóa tồn kho lớn, hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất; người lao động mất việc làm tăng, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Nhiều cử tri cho rằng, tình hình hiện nay, cả người gửi tiết kiệm và người đi vay đều phải chịu thiệt, còn được lợi là các ngân hàng…".

Còn trong báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2011, tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Lãi suất vay còn cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn; chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng, gây sức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống của nhân dân. Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ".

Đoàn đại biểu quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ.

Gần 18.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong thời gian 4 tháng, trong đó nhiều nhất là các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, công nghiệp, khai khoáng, xây dựng và bất động sản, là áp lực rất lớn đối với xã hội, bởi kéo theo đó là hàng trăm ngàn lao động mất việc làm. Theo thống kê đã có gần 172.000 lao động đăng ký thất nghiệp, tăng 61,4% so với cùng kỳ, khiến cho hàng chục ngàn gia đình thêm khó khăn…

Vì thế, vấn đề lãi suất cao, tín dụng thắt chặt quá đà được nhiều đại biểu đưa ra trong phiên thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 với nhiều âu lo.

Là chủ một doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (đại biểu Hà Nội) là người "thấm" nhất nỗi khổ của doanh nghiệp khi đi vay vốn: “Khó khăn đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn và lãi suất ngân hàng... Thời gian qua, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 24%, phải "đi đêm" mới vay được tiền, thì chúng tôi hiểu mình đã chết đến nơi rồi. Vay được tiền mà thế này cũng chỉ như uống một liều thuốc độc thôi, càng chết nhanh hơn".

Bất bình với thực tế các ngân hàng "sống khỏe" và vô trách nhiệm trước sự "ốm yếu" của hàng vạn doanh nghiệp, Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền (đại biểu Hà Nội) phát biểu gay gắt rằng: "Trong khi các doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn lãi cao, lương cao, sống khỏe, sống trên lãi suất các doanh nghiệp. Chúng ta phản ứng rất chậm, giờ mới xây dựng đề án, đến khi nào mới xem xét, giải quyết được trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản mà ngân hàng vẫn nhởn nhơ như không. Tôi đề nghị xem xét có lợi ích nhóm trong chuyện này không. Chính phủ có đưa ra những giải pháp, chúng tôi tán thành để tạo điều kiện cứu sống doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tuy nhiên, nếu không thận trọng, không có bước đi, quản lý chặt chẽ thì sẽ phản tác dụng. Trong gói cứu trợ doanh nghiệp này, giãn, hoãn, giảm thuế, nếu không minh bạch sẽ tạo ra cơ chế xin - cho, chạy, lách luật... Khi tạo ra cơ chế xin - cho, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, anh chết cứ chết, anh khỏe khỏe thêm. Nếu không có cơ chế minh bạch sẽ tạo ra những cú sốc mới, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Đề cập tới khó khăn của đời sống cán bộ công chức, ông Quyền cho rằng nếu không chăm lo thỏa đáng tới đời sống đội ngũ cán bộ công chức thì đang có dấu hiệu những người giỏi không vào Nhà nước, những người có năng lực xin ra ngoài (chảy máu chất xám nguồn lực của Nhà nước).

"Lương thạc sĩ chỉ đủ tiền thuê giúp việc thôi, vẫn phải đi làm vì nếu không thì không duy trì được nghề nghiệp, vị trí công tác. Tôi cũng phải đi giảng dạy thêm, viết bài, mới đủ sống. Làm sao bảo tâm huyết để hoạch định chính sách được, rất đáng lo ngại. Làm sao để cơ quan Nhà nước là nơi thu hút các sinh viên xuất sắc mới ra trường, một vinh dự. Tôi tâm đắc Nghị quyết Trung ương 5 vừa rồi về xem xét, cải cách chế độ tiền lương. Nó liên quan tới toàn bộ việc vận hành bộ máy Nhà nước. Nâng đời sống ở mức chấp nhận được, người ta nghĩ tới danh dự nhiều hơn, làm đúng lương tâm người ta. Nếu không sẽ không có phản biện tốt về mặt chính sách kém vì người ta phải nghĩ tới cuộc sống".

Là một chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch (đại biểu TP HCM) cảnh báo lạm phát giảm là điều đáng lo vì sức mua giảm mạnh, một phần lý do có thể là đầu tư công và tiền tệ thắt quá chặt. Nhập siêu giảm cũng không hẳn là tín hiệu vui vì doanh nghiệp không còn khỏe để nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu về sản xuất kinh doanh.

"Thắt chặt tiền tệ chống được lạm phát, nhưng làm cho nền kinh tế lúng túng, nhiều doanh nghiệp phá sản. Thành tích giảm nhập siêu nên nhìn dè dặt nếu không sao ta lại ngỡ ngàng vì hệ quả của nó".

Theo ông Trần Du Lịch, GDP năm nay rất khó đạt được chỉ tiêu 6-6,5% nhưng khả năng 5-6% sẽ nằm trong tầm tay nếu kịp thời thay đổi giải pháp và cân đối giữa kiềm chế lạm phát với lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Đồng thời ông cũng cảnh báo: "Tiền huy động được chạy lòng vòng trong các ngân hàng chứ không ra được doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp vẫn thiếu 'máu'. Ngân hàng thủ thế quá đáng là không nên. Nếu cố thủ mà doanh nghiệp phá sản thì không chỉ làm gia tăng nợ xấu mà cả nợ không đòi được".

Là chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Tài chính Ngân hàng Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP HCM, phân tích "giải pháp thắt chặt tiền tệ chúng ta dùng thời gian qua hơi quá liều. Số doanh nghiệp phá sản tăng cao, kéo theo là hàng trăm nghìn người thất nghiệp". Theo ông Ngân, báo cáo là nơi phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, nhưng nếu báo cáo sai, tô hồng sẽ khiến các chính sách đưa ra không kịp thời, bất hợp lý.

Quan tâm tới các vấn đề xã hội, Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, những thành tựu đạt được những năm qua về mặt phát triển là không thể phủ nhận, nhưng ông cho rằng những chỉ tiêu về xã hội cần phân tích về chất lượng chứ không chỉ quan tâm tới số lượng.

"Về giáo dục, nếu quan tâm tới tăng trưởng số lượng học sinh, sinh viên chạy theo số lượng này, bao nhiêu sinh viên trên một vạn dân, chỉ tiêu càng đạt mức cao thì càng đáng lo ngại. Năm rồi, các trường đại học chỉ tiêu tuyển sinh đại học giảm đi thì dư luận vui mừng vì khả năng của chúng ta có vậy. Số lượng càng tăng thì rõ ràng chất lượng giảm. Về y tế, chỉ quan tâm bao nhiêu người được BHYT, chăm sóc chữa trị, nhưng giá trị đầu tư chăm sóc cho một người thấp đi thì chưa phải là chiến lược bảo vệ sức khỏe tốt nhất của ta. Việc làm, quan tâm bao nhiêu việc làm được tạo ra, nhưng không tính tới tiêu chuẩn của việc làm đó thế nào thì có khi trở thành hại cho phát triển KT-XH. Ngay cả lĩnh vực giảm nghèo được thế giới đánh giá cao, chuẩn nghèo giữ nguyên trong khi lạm phát mạnh cũng không phản ánh chính xác việc giảm nghèo".

Tái cấu trúc nền kinh tế bắt đầu từ đâu?

Trước những khó khăn của nền kinh tế, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại khi nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, dù lãi suất đã hạ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam Phạm Huy Hùng (đại biểu đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc khơi thông mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng là hết sức cần thiết. Muốn vậy lãi suất phải hợp lý cộng với các hàng rào thủ tục phải được nới lỏng để doanh nghiệp hấp thụ được vốn. Những tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm chính là biểu hiện của việc ngân hàng thừa tiền mà doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh.

Đồng ý với quan điểm này, Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường (đại biểu đoàn TP Hà Nội) nêu khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là tiếp cận vốn ngân hàng. "Vì lý do bảo đảm an toàn tín dụng, các ngân hàng đưa ra nhiều hàng rào thủ tục nên doanh nghiệp không vay được vốn, có vay được thì lãi suất cao".

Để tháo gỡ khó khăn, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất xây dựng 2 hệ thống giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Với giải pháp ngắn hạn, phải hỗ trợ người lao động, trợ cấp an sinh xã hội, hỗ trợ thuế phí cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thị trường trong và ngoài nước. Còn giải pháp dài hạn là liên quan tới tái cơ cấu, tới chính sách tài khóa và tiền tệ trong trung dài hạn.

Phân tích đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng về cơ bản đã xác định được những điểm yếu kém nhất của nền kinh tế để thay đổi theo một phương hướng đúng đắn. Tuy nhiên, nội dung của Đề án vẫn còn khái quát, mang tính chất là "khung" nên rất khó cho Quốc hội giám sát việc thực hiện trong thực tế.

Theo ông Hà Sỹ Đồng (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị), khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì cần triển khai mạnh mẽ, chỉ giữ lại các doanh nghiệp nhà nước phục vụ công ích, còn lại nếu không cổ phần thì cũng phải sáp nhập lại.

Bàn về 12 giải pháp nêu trong Đề án, ông Đồng cho rằng phát triển nguồn nhân lực cả về chất lượng, số lượng, có năng lực văn hóa, đạo đức trong lao động là trách nhiệm trước hết của Nhà nước, các cơ sở đào tạo nghề và cả các doanh nghiệp. "Đề án phải đưa việc đào tạo lao động vào chương trình đào tạo dài hạn chứ không phải từ nguồn đào tạo thường xuyên như hiện nay. Nhu cầu nguồn nhân lực ở các vùng kinh tế, ngành nghề là cơ sở để xác định khả năng đào tạo và nguồn nhân lực ở tầm vĩ mô… Trong đó, đầu tư chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp gắn với chiến lược phát triển các ngành".

Lý giải những băn khoăn của các đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu đoàn Quảng Nam) đã khái quát lại tình hình KT-XH còn nhiều khó khăn với một số chỉ tiêu chưa đạt, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng trong khi đó tăng trưởng tín dụng âm.

Theo Phó thủ tướng, Chính phủ không chủ quan, đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn để các đại biểu cùng thảo luận. Trong khó khăn vẫn thể hiện quyết tâm, trên cơ sở khoa học với các giải pháp quyết liệt, cụ thể, đồng bộ nhằm nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra. Chính phủ mong muốn được nghe các đại biểu đưa ra các giải pháp mới như đã nên đặt vấn đề kích cầu tiêu dùng hay chưa? Nếu không khéo léo, lạm phát có thể trở lại, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng muốn được các đại biểu hiến kế các chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, tránh "giật cục" trong điều hành tài chính tiền tệ, hạ được lãi suất giúp doanh nghiệp hấp thụ được vốn...

Nguyễn Thiêm

An Ninh thế giới

Các tin tức khác

>   Việt Nam đang đi đúng hướng trong tái cấu trúc nền kinh tế (30/05/2012)

>   Mutrap III: Thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam (30/05/2012)

>    3.34 tỷ USD vốn ODA cho nông nghiệp, nông thôn (30/05/2012)

>   "Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng thiên về xuất khẩu" (30/05/2012)

>   TPHCM tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (30/05/2012)

>   Ông Bùi Kiến Thành: 'Việt Nam hạ lãi suất không hề nhanh' (30/05/2012)

>   Quyền lợi của dân... đứng sau (30/05/2012)

>   TPHCM sẽ thu hồi đất khu công nghiệp chậm triển khai (29/05/2012)

>   Gói giải pháp 29,000 tỷ đồng khó phát huy tác dụng (29/05/2012)

>   Trình Quốc hội đề án tái cơ cấu kinh tế để làm gì? (29/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật