Thứ Tư, 30/05/2012 21:31

Mutrap III: Thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam

Dự án đã rất thành công và đạt hiệu quả cao. Một dự án mới mang tên “Dự án Hỗ trợ Đầu tư và Chính sách thương mại châu Âu: EU-MUTRAP”, dự kiến sẽ triển khai hoạt động trong năm tới.

Sau gần 4 năm hoạt động, đồng hành cùng Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thương mại, Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU-Việt Nam MUTRAP III) đã về đích thành công.

Thông tin trên vừa được Ban Chỉ đạo dự án công bố tại buổi lễ tổng kết 4 năm thực hiện Dự án, tổ chức sáng 30/5 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, Mutrap III là dự án rất thành công và đạt hiệu quả cao. Dự án đã đóng góp tích cực tăng cường năng lực của Bộ Công Thương trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nhiều hoạt động của dự án đã hỗ trợ tích cực cho việc hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ và dự án tuân thủ đầy đủ quy trình và thủ tục của EC.

Theo đó, dự án đã thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cả về thương mại lẫn việc điều chỉnh tác động của thương mại. Các hoạt động của dự án không chỉ tập trung vào vào việc xây dựng chính sách, xây dựng năng lực hội nhập, tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp mà còn có các hoạt động liên quan tới xã hội như chú trọng tới luật bảo vệ người tiêu dùng, luật cạnh tranh và các vấn đề liên quan tới môi trường người lao động…

Việc cải thiện đáng kể mục tiêu đa dạng hóa xuất khẩu cũng là một thành công khác của dự án và đặc biệt, từ năm 2007, Việt Nam rõ ràng đã cải thiện được thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới về môi trường kinh doanh và chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Đáng lưu ý, con số tăng trưởng thương mại cao với các nước ASEAN thông qua FTA mà Việt Nam đã ký kết có một phần đóng góp của Dự án trong việc hỗ trợ các bộ ngành Việt Nam xây dựng các chính sách liên quan tới hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo gần đây nhất (tháng 10/2011) của đoàn giám sát của EC kết luận: “Hoạt động quản lý tài chính và hành chính của Dự án được coi là một hình mẫu đáng học tập” và “chất lượng của các sản phẩm nghiên cứu cũng rất xuất sắc.” Có thể nói Mutrap III là một dự án thành công trên nhiều phương diện, dự án cung cấp những hỗ trợ đặc biệt phù hợp với tình hình chính sách ở Việt Nam cũng như những thách thức mà Việt Nam phải đối diện trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Với những đánh giá tích cực như trên, EC đã chọn Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III là 1 trong 4 dự án hỗ trợ kỹ thuật thành công nhất của EU trên toàn thế giới. Báo cáo điển hình của dự án đã được EC báo cáo và đưa lên trang web của OECD và ngày 14/6/2011, đã báo cáo tại Hội nghị cấp cao về Hỗ trợ phát triển thương mại (Aid for Trade) tại Indonesia.

Trong thời gian 46 tháng hoạt động, Dự án đã hoàn thành 70 hoạt động, đạt 159% kế hoạch đặt ra và 64 báo cáo kỹ thuật nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược và xây dựng văn bản pháp luật, nghiên cứu phục vụ công tác hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, phổ biến thông tin, đào tạo, nghiên cứu khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, cổng thông tin, cung cấp trang thiết bị, biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm.

Dự án đã tổ chức thành công 240 hội thảo/tọa đàm, thu hút 22,000 người tham dự; hỗ trợ kinh phí cho 42 đoàn gồm 169 cán bộ Chính phủ tham dự các cuộc họp ở nước ngoài trong khuôn khổ các hoạt động của ASEAN và WTO; tổ chức 33 khóa đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng của các cán bộ của Chính phủ, của các hiệp hội, viện trường...

Các hoạt động của Dự án, bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng chính sách thương mại và phát triển thương mại tại Việt Nam, nâng cao năng lực của các tổ chức và tăng cường sự tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao năng lực của Chính phủ để phổ biến thông tin và nâng cao năng lực của doanh nghiệp để đóng góp cho các chính sách thương mại có giá trị. Các khía cạnh môi trường và xã hội liên quan đến thương mại và phát triển kinh tế được đặc biệt chú trọng; và cả việc bảo vệ lợi ích của người thụ hưởng chính của tự do hóa thương mại là người tiêu dùng, cũng được thúc đẩy.

Dự án đã đóng góp đáng kể vào một số thành quả tích cực liên quan đến thương mại của Việt Nam trong bốn năm qua, Việt Nam đã tăng cường sự hiện diện của mình trong các tổ chức thương mại quốc tế (ví dụ: chỉ sau ba năm trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã đệ đơn kiện Hoa Kỳ lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO), cải thiện năng lực thực hiện các cam kết quốc tế, tham gia tích cực và ký kết một số Hiệp định thương mại tự do mới và xây dựng chiến lược để đối phó với các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng như thúc đẩy hội nhập từ trung đến dài hạn.

Sự hỗ trợ của Dự án MUTRAP đóng vai trò quan trọng ngay cả đối với doanh nghiệp: lần đầu tiên, (thông qua Nghị định 6/2012) cộng đồng doanh nghiệp thực sự có quyền để được Chính phủ tham vấn trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế và các doanh nghiệp đã khai thác triệt để bằng cách chính thức và minh bạch gửi các bản khuyến nghị trình Chính phủ.

Với sự hỗ trợ của Dự án MUTRAP, một số trường đại học đã tổ chức thành công các chương trình cử nhân, thạc sĩ mới liên quan đến thương mại và thành lập được một viện nghiên cứu. Việc cải thiện môi trường pháp lý (cũng do MUTRAP đóng góp) đã thuyết phục 22 quốc gia công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các mối quan hệ thương mại quốc tế.

Đánh giá cao kết quả hỗ trợ của Dự án MUTRAP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã nói “Sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, EU hiện là một trong những đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, EU cũng là nhà tài trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam. Dự án Hỗ trợ Thương mại đa biên là một trong những bằng chứng sống động nhất của mối quan hệ song phương tốt đẹp này.”

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, Mutrap III đã đóng góp rất nhiều công sức để hỗ trợ cho phía Việt Nam nâng cao năng lực trong việc xây dựng các hành lang pháp lý và một số văn bản pháp lý tiêu biểu như xây dựng Luật cạnh tranh, các văn bản dưới luật, bao gồm các nghị định, các quyết định của Chính phủ. Thông qua đó, Dự án cũng hỗ trợ cho Việt Nam tạo dựng một hành lang pháp lý phù hợp với những cam kết trong quá trình hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới…và đến nay, có thể thấy rằng dự án Mutrap III đã hoàn thành tốt mục tiêu của mình.

Một giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam- EU đang mở ra với việc hai nước bắt đầu khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và mới đây 27 nước thành viên EU đã thông qua Hiệp định quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA) với triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại-đầu tư, tư pháp, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo...

Theo Ngài Franz Jenssen, Đại sứ, trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu và khu vực, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU với một dự án mới mang tên “Dự án Hỗ trợ Đầu tư và Chính sách thương mại châu Âu: EU-MUTRAP”, dự kiến triển khai hoạt động trong năm tới.

Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III do Liên minh châu Âu tài trợ, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện từ  tháng 8/2008 đến tháng 6/2012 với tổng chi phí 10.670.000 Euro. Trong đó Liên minh châu Âu tài trợ 10.000.000 Euro, Chính phủ Việt Nam đóng góp 670.000 Euro.

Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật do Ban đặc trách Dự án trực tiếp triển khai là hỗ trợ xây dựng chiến lược và xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ đến năm 2020; nghiên cứu phục vụ công tác hoạch định chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp; phổ biến thông tin; biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm; đào tạo, nghiên cứu khảo sát; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu, cổng thông tin, cung cấp trang thiết bị cùng với hoạt động truyền thông rộng rãi...

Đ.K

VOV

Các tin tức khác

>    3.34 tỷ USD vốn ODA cho nông nghiệp, nông thôn (30/05/2012)

>   "Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng thiên về xuất khẩu" (30/05/2012)

>   TPHCM tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (30/05/2012)

>   Ông Bùi Kiến Thành: 'Việt Nam hạ lãi suất không hề nhanh' (30/05/2012)

>   Quyền lợi của dân... đứng sau (30/05/2012)

>   TPHCM sẽ thu hồi đất khu công nghiệp chậm triển khai (29/05/2012)

>   Gói giải pháp 29,000 tỷ đồng khó phát huy tác dụng (29/05/2012)

>   Trình Quốc hội đề án tái cơ cấu kinh tế để làm gì? (29/05/2012)

>   Nhà đầu tư ngoại lo Việt Nam kém hấp dẫn đầu tư (29/05/2012)

>   Hàng tồn kho vẫn là mối lo của doanh nghiệp (28/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật