Tính việc thắt chặt giám sát và phân loại doanh nghiệp FDI Dự thảo thông tư quy định về công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được công bố cho thấy có thể khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, vì hoạt động kiểm tra giám sát sẽ được tăng cường trong thời gian tới. Thông tư này hướng dẫn thực hiện Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư cũng như một nghị định đang được soạn thảo để thay thế Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006. Mục đích kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài, theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý doanh nghiệp, dự án đầu tư nước ngoài, bảo đảm quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định về quản lý đầu tư, qua đó nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả xã hội của dự án. Kiểm tra theo nhiều hình thức Theo dự thảo thông tư, cơ quan quản lý nhà nước về FDI có thể tiến hành kiểm tra định kỳ trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hàng năm được cơ quan có thẩm quyền quy định, hoặc có thể kiểm tra đột xuất theo từng vụ việc, được tiến hành trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế, hoặc trên cơ sở đề nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài. Về nội dung kiểm tra, cơ quan quản lý có thể kiểm tra về việc cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn theo thẩm quyền; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; sự phù hợp của chính sách với điều kiện kinh tế - xã hội; việc tuân thủ các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển; công tác xây dựng quy hoạch; công tác thu hút vốn đầu tư; việc quy định ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp FDI, việc kiểm tra có thể được tiến hành với các nội dung như việc thực hiện các mục tiêu quy định tại giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tiến độ góp vốn điều lệ/vốn đầu tư; tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động; chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động; việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tình hình thuê đất và sử dụng đất và các nội dung khác Với diện kiểm tra rộng theo dự thảo thông tư, có thể thấy bất kỳ dự án FDI nào cũng có thể bị kiểm tra trong bất cứ thời gian nào. Thông tư cũng quy định về chế độ giám sát đối với dự án đầu tư nước ngoài, theo đó cơ quan nhà nước đối với dự án đầu tư nước ngoài có thể tiến hành giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề. Trên cơ sở báo cáo giám sát của các cơ quan quản lý dự án đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá chung về các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trên cả nước; đề xuất các giải pháp chính sách áp dụng thống nhất trên cả nước; chấn chỉnh, đảm bảo đầu tư theo đúng quy hoạch, mục tiêu, tiến độ và đảm bảo hiệu quả. Sẽ phân loại dự án FDI Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điều 19 thông tư này xem xét phân loại các dự án đầu tư nước ngoài thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình theo các nhóm A, B, C. Cụ thể, nhóm dự án hạng A là các dự án tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và các quy định của giấy chứng nhận đầu tư; có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ngân sách nhà nước. Nhóm dự án hạng B là các dự án nhóm này chưa đáp ứng các quy định của pháp luật và tại iấy chứng nhận đầu tư do các lý do và nguyên nhân khách quan, ví dụ như chậm được giao mặt bằng. Nhóm dự án hạng C là các dự án nhóm này không đáp ứng các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành, quy định của Giấy chứng nhận đầu tư mà không có lý do chính đáng, chẳng hạn chủ đầu tư không góp đủ vốn điều lệ, vốn đầu tư theo tiến độ, dự án được giao đất nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ được phê duyệt. Từ kết quả phân loại, cơ quan nhà nước sẽ có các biện pháp tương ứng trong quá trình quản lý đối với dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, đối với các dự án được xếp hạng A, dược xem xét khen thưởng theo các mức độ theo các quy về thi đua, khen thưởng; được ưu tiên xem xét đối với các đề xuất xin mở rộng quy mô hoạt động, bổ sung mục tiêu hoạt động, xin đầu tư thêm dự án mới,... Đối với các dự án được xếp hạng B, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện để dự án sớm đi vào hoạt động. Đối với đề xuất xin mở rộng quy mô hoạt động, bổ sung mục tiêu hoạt động, xin đầu tư thêm dự án mới,... sẽ được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, cân nhắc trên cơ sở tính hợp lý và tính khả thi của đề xuất; có tính đến khả năng triển khai dự án hiện hữu. Trong khi đó, đối với các dự án được xếp hạng C, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý, giải quyết theo các quy định của pháp luật đối với các vi phạm tương ứng, từ các mức phạt vi phạm hành chính cho tới việc thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc thu hẹp quy mô theo các căn cứ và thủ tục của pháp luật đất đai, đầu tư và pháp luật chuyên ngành khác. Đồng thời, sẽ không xem xét đối với các đề xuất xin mở rộng quy mô hoạt động, bổ sung mục tiêu hoạt động, xin đầu tư thêm dự án mới. Hiện dự thảo thông tư vừa được công bố để lấy ý kiến các bên liên quan và các doanh nghiệp FDI. VnEconomy sẽ ghi nhận ý kiến các bên liên quan xung quanh dự thảo này. Anh Minh tbktvn
|