Đến 2015 dịch vụ chiếm 55% cơ cấu kinh tế Hà Nội Hà Nội đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 là 12-13% năm, trong đó lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 12,2-13,5% và đến năm 2015, dịch vụ chiếm tỷ trọng 54-55% trong cơ cấu kinh tế Thủ đô. Cụ thể, ngành dịch vụ du lịch phải thu hút được khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 14 triệu lượt khách du lịch nội địa; thu nhập xã hội từ du lịch đạt khoảng 45.000-46.000 tỷ đồng. Về dịch vụ thương mại phải thiết lập, củng cố và phát triển các kênh phân phối hàng hóa và dịch vụ bán lẻ theo hướng văn minh hiện đại để gắn sản xuất với tiêu dùng, liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất - phân phối trong và ngoài nước. Phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý nhà nước và trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tạo điều kiện cung cấp các dịch vụ thương mại, dịch vụ mua sắm công trực tuyến trên Internet. Ngành dịch vụ bưu chính - thông tin truyền thông và công nghệ thông tin được thành phố đưa vào kế hoạch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó quan tâm phát triển các dịch vụ mới có giá trị gia tăng như dịch vụ bưu chính hàng hóa trọn gói, dịch vụ mua bán hàng hóa qua bưu chính, các dịch vụ tích hợp công nghệ phát thanh - truyền hình - viễn thông cố định - viễn thông di động, dịch vụ băng thông rộng... Phấn đấu trước năm 2015 chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả. Về dịch vụ khoa học - công nghệ được tiếp tục tạo lập, phát triển thị trường như dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ, nâng cao chất lượng các dịch vụ tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân... Phát triển các loại dịch vụ y tế trình độ, chất lượng cao như phẫu thuật xạ trị, áp dụng công nghệ mới trong khám bệnh, chữa trị... Trong dịch vụ tài chính - ngân hàng cần tiếp tục giữ vững thế mạnh hàng đầu về huy động vốn ở khu vực phía Bắc, nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn để duy trì tốc độ tăng trưởng vốn huy động bình quân hàng năm trong trong giai đoạn 2012-2015 là 15-20%. Mở rộng đầu tư tín dụng dến các thành phần kinh tế với mức tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm trong giai đoạn này là 15-17%. Tăng cường gắn kết giữa dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính, dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch. Về dịch vụ giáo dục - đào tạo phấn đấu đến 2015 có 25-30 trường công lập có điều kiện thực hiện mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao. Dịch vụ vận tải công cộng phải đảm nhận đạt 15% nhu cầu đi lại của nhân dân, đưa lượng hành khách sử dụng phương tiện xe buýt lên 777 triệu lượt hành khách/năm. Dịch vụ tư vấn cũng phải được phát triển đa dạng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ, du lịch, đầu tư, pháp lý... Tiếp tục phát triển và mở rộng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư vấn mạnh, hoạt động chuyên nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố đã đưa ra các giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng đến việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho phát triển dịch vụ trình độ, chất lượng cao. Đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển như huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khai thác tiềm lực khoa học công nghệ... Thời kỳ 2006-2010, ngành dịch vụ chiếm 52,5%, tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô, có vai trò hạt nhân đóng góp vào mức tăng trưởng GDP của thành phố. Một số ngành dịch vụ có giá trị tăng cao như tài chính - ngân hàng, bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin; du lịch; y tế, giáo dục, tư vấn.../. Thanh Bình Vietnam+
|