Những điều cần biết khi niêm yết trên thị trường Hồng Kông
Niêm yết trên TTCK nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm nhất định của các doanh nghiệp Việt Nam. Và chọn niêm yết trên thị trường nào luôn là một dấu hỏi lớn. Với khá nhiều ưu đãi và thuận lợi, thị trường Hồng Kông đang dần chứng tỏ mình là một điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Trước hết phải kể đến chính là các yếu tố cơ sở hạ tầng. Hồng Kông, đặc khu kinh tế của Trung Quốc với những chính sách thị trường tự do, thuế doanh nghiệp thấp, đang dần trở thành một trung tâm tài chính, thương mại quan trọng và được xem là cửa ngõ vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền Hồng Kông nói chung và Sở GDCK Hồng Kông (HKEx) nói riêng rất hoan nghênh các công ty quốc tế đến niêm yết tại Hồng Kông.
Hơn hẳn các thành phố khác của Trung Quốc, Hồng Kông có một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh dựa trên hệ thống luật của Anh. Ngoài ra, bên cạnh các Tiêu chuẩn Báo cáo Tài chính Hồng Kông và Tiêu chuẩn Báo cáo Tài chính Quốc tế, TTCK Hồng Kông cũng chấp nhận các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi tại Hoa Kỳ (USGAAP) hoặc các tiêu chuẩn kế toán khác của các công ty mới đăng ký tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Tiếp đến, trong những năm gần đây, Hồng Kông là một trong những thị trường dẫn đầu về vốn hóa và trung tâm IPO trên toàn thế giới. Không giới hạn luồng vốn, cơ cấu thuế đơn giản cộng với khả năng chuyển đổi tiền tệ và khả năng thanh khoản rất cao. Thị trường Hồng Kông phân ra làm hai thị trường là thị trường chính và thị trường doanh nghiệp đang tăng trưởng. Nhìn chung có một số khác biệt về quy định đối với hai thị trường này, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng một số yêu cầu niêm yết cơ bản.
Cụ thể, doanh nghiệp muốn niêm yết trên thị trường Hồng Kông phải được thành lập hợp pháp và hoạt động liên tục tối thiểu trong vòng 3 năm (hoặc 2 năm đối với thị trường đang tăng trưởng) và không có sự thay đổi bộ máy quản lý cấp cao trong 3 năm gần nhất. Doanh nghiệp HKEx đòi hỏi doanh nghiệp niêm yết phải có tỷ lệ public float tối thiểu là 25%, hoặc 15 đến 25% nếu giá trị vốn hóa của công ty vượt trên 1.3 tỷ USD. Số cổ đông phải đạt từ 300 cổ đông trở lên.
Về các chỉ số tài chính, thị trường chính đưa ra 3 lựa chọn theo các tiêu thức đánh giá khác nhau cho các doanh nghiệp đáp ứng.
Xét theo chỉ tiêu lợi nhuận, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện lợi nhuận tối thiểu 2.6 triệu USD trong năm tài chính gần nhất và 3.8 triệu USD trong 2 năm gần nhất, giá trị vốn hóa tối thiểu phải đạt 26 triệu USD.
Xét theo vốn hóa, doanh thu và dòng tiền, doanh nghiệp cần giá trị vốn hóa thấp nhất 256 triệu USD, ít nhất 64 triệu USD doanh thu trong năm gần nhất và dòng tiền hoạt động dương trong 3 năm với tổng giá trị tối thiểu 13 triệu USD.
Hoặc nếu chỉ xét theo yếu tố vốn hóa và doanh thu, công ty phải đáp ứng yếu cầu vốn hóa tối thiểu 513 triệu USD và doanh thu tối thiểu 64 triệu USD trong năm gần nhất.
Đối với thị trường doanh nghiệp đang tăng trưởng, các doanh nghiệp không bị ràng buộc về chỉ tiêu lợi nhuận và số lượng cổ đông nắm giữ. Dòng tiền hoạt động dương trong 2 năm gần nhất đạt tối thiểu 2.6 triệu USD.
Minh Phương (Vietstock)
FFN
|