Khách hàng đòi tiền tại SME: Bế tắc Nửa năm từ khi SME phải rút nghiệp vụ môi giới do mất khả năng thanh toán, nhiều khách hàng vẫn chưa đòi lại được số tiền kẹt lại tại công ty này. Bế tắc hơn, những NĐT này đang không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để hy vọng nhận lại tiền của chính mình. Thất vọng Chị T.A - một NĐT tại SME cho biết, từ tháng 11 năm ngoái khi SME rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán chị đã thực hiện chuyển tài khoản sang CTCK mới. Việc chuyển số dư chứng khoán được thực hiện khá thuận lợi nhưng với số dư tiền mặt còn lại, do SME không có khả năng chi trả tại thời điểm đó nên nhân viên của Cty đã yêu cầu chị làm uỷ nhiệm chi để lại và hứa khi nào có tiền sẽ trả lại chị vào tài khoản NH do chị chỉ định. Cho đến nay là hơn 7 tháng, số dư tiền của chị vẫn chưa được hoàn lại một đồng nào. Chị T.A cho biết, thời gian đầu khi chị gọi điện nhân viên SME liên tục hứa “tuần sau” sẽ giải quyết. Nhưng đến gần đây, những cuộc gọi của chị đều không ai nhấc máy. “Nhân viên môi giới thì đã nghỉ việc hết từ năm ngoái, trong khi đó trụ sở của Cty đã không còn ở chỗ cũ và địa chỉ mới cũng không hề cập nhật trên website của Cty. Không ai biết CTCK SME hiện đang ở đâu và làm thế nào có thể đòi lại được số tiền còn kẹt lại ở Cty này” - chị T.A bức xúc nói. Chung tình trạng với chị T.A, một NĐT khác của SME, anh H., cho biết anh cũng chưa nhận lại được số dư tiền của mình dù đã chuyển tài khoản sang Cty mới từ tháng 12 năm ngoái. Anh H cũng cho biết, không chỉ có anh mà rất nhiều NĐT khác của SME cũng đang chịu chung cảnh ngộ này. Phóng viên gọi đến số điện thoại trên website của SME nhưng cũng không liên lạc được. Số điện thoại của ông Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Cty, cũng không ai nhấc máy. Thiếu cơ sở kiện tụng? Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Sơn, vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh CK của UBCK cho biết, những NĐT này trước hết phải khiếu nại trực tiếp CTCK SME. Đồng thời ông Sơn cho biết, các cơ quan chức năng vẫn có thể liên lạc được trực tiếp tới số điện thoại của ông Chí. “Nhưng nếu kiện SME thì chúng tôi phải kiện theo điều luật nào?” - anh H đặt câu hỏi. “Có điều luật nào quy định sau thời gian bao lâu CTCK không hoàn lại tiền cho NĐT thì NĐT có quyền khởi kiện?”. Trước tình trạng khung pháp lý vẫn còn mơ hồ như vậy, cộng thêm thực tế là số tiền còn kẹt lại không quá lớn, anh H. cũng như nhiều NĐT của SME đang đành chấp nhận chờ đợi hơn là mất thời gian theo đuổi kiện tụng. Chuyện của SME thực chất phản ánh vấn đề nhức nhối trong hành lang bảo vệ NĐT CK của cơ quan quản lý. Sau khi SME mất khả năng thanh toán trong cuộc lao dốc của thị trường năm ngoái, một loạt các CTCK tiếp đó cũng lộ rõ tình trạng yếu kém và buộc phải rút nghiệp vụ môi giới tất toán tài khoản của khách hàng sang Cty khác. Bên cạnh đó là hàng chục Cty khác đang được UBCK cho là thuộc diện “nguy hiểm”. Ông Trịnh Hoài Giang, PTGĐ CTCK HSC cũng thừa nhận hiện nay “gần như chưa có luật nào bảo vệ cho NĐT” để họ có cơ sở khiếu kiện trong trường hợp những CTCK yếu kém này phá sản không trả lại được tiền cho khách hàng. “Theo nguyên tắc, dù còn lại một đồng CTCK cũng phải trả lại cho NĐT. Với trường hợp của tôi chỉ là chuyện nhỏ, nhưng với những trường hợp lớn sau này sẽ được giải quyết như thế nào?” - anh H nói. Rủi ro từ đầu nguồn Thực tế ngay khâu kiểm soát rủi ro từ đầu nguồn - việc tách bạch tiền của NĐT với tiền tự doanh của CTCK - vẫn đang là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay cho UBCK. Nếu chứng khoán hiện được quản lý tập trung tại Trung tâm lưu ký và có thể hoàn lại cho NĐT thì tiền mặt hiện lại được giữ tại CTCK. Và khó ai có thể kiểm soát được rằng các Cty này có sử dụng lạm vào tiền khách hàng hay không. Cũng theo ông Giang, việc UBCK đưa ra hệ số an toàn tài chính cũng là một cố gắng để giám sát chặt chẽ CTCK yếu kém tránh rủi ro cho NĐT. “Nhưng về quy định tách bạch là vậy nhưng làm sao để kiểm tra cho cụ thể lại hầu như chưa làm được”. Ông Giang cho biết, hằng tháng HSC vẫn báo cáo số dư tiền của Cty và của NĐT với nhà quản lý, nhưng những số liệu đó hoàn toàn không được kiểm toán. “Phương pháp bảo vệ hiện nay vẫn rất yếu”. Đầu năm nay, UBCK dự kiến đưa ra 2 phương án cho NĐT tự lựa chọn: Hoặc là gửi tiền trực tiếp tại CTCK hoặc gửi tiền tại NH, tùy vào niềm tin của NĐT với CTCK và NĐT sẽ tự chịu rủi ro nếu mất tiền. Thế nhưng trên thực tế dù phải chịu rủi ro mất tiền, nhưng cả khách hàng và CTCK không hề thích cách gửi tiền tại NH. Về phía CTCK mỗi khi đặt lệnh mua cho khách hay khi khách thiếu tiền thiếu chứng khoán, thủ tục liên hệ và bù đắp với phía NH rất mất thời gian. Hơn nữa, số dư khách hàng theo thông lệ phải nằm bên CTCK để tiên cho Cty tính lãi, thuế, phí... Trong khi đó khách hàng cũng không thích gửi tiền qua NH bởi quy trình thanh toán chứng khoán sẽ khá chậm, và đặc biệt là NĐT khi đó lại không được sử dụng các dịch vụ cho vay ký quỹ hay một vài dịch vụ khác của CTCK. Theo thống kê của một ngân hàng lớn cũng đã thử áp dụng đưa ra 2 phương án cho NĐT lựa chọn, và kết quả là 99% NĐT chọn gửi tiền tại CTCK, chỉ 1% còn lại chọn gửi tiền tại NH. “Để quyết những vấn đề như tách bạch tiền gửi cũng khó có thể thể đi ngược lại thông lệ chung quốc tế. Bởi vậy câu chuyện bảo vệ NĐT vẫn đang là vấn đề đau đầu cho nhà quản lý” - ông Giang nói. Quang Minh lao động
|