Thứ Tư, 13/06/2012 15:53

Tập đoàn rút vốn: Thà một lần đau!

Khoảng 22.000 tỷ đồng là số tiền đầu tư ngoài ngành của các TĐ và TCT nhà nước trong những năm 2006 - 2010, chủ yếu vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm.

Với sự lao dốc của thị trường bất động sản, chứng khoán, số tiền này chắc chắn không còn nguyên vẹn như ban đầu. Vậy số tiền còn lại là bao nhiêu khi cho đến nay chưa có tập đoàn hay tổng công ty nào công khai tình hình lãi lỗ của các khoản đầu tư tay trái?

Thê thảm chứng khoán, hẩm hiu bất động sản

Ngân hàng là lĩnh vực thu hút nhiều vốn của các tập đoàn nhất. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà, cho rằng, nếu các tập đoàn đầu tư vào ngân hàng trước năm 2005 thì chưa hẳn đã lỗ, thậm chí có lãi. Vì khi đó giá cổ phiếu ngân hàng còn rất rẻ, lại liên tục chia cổ tức. Nếu góp vốn vào từ năm 2007 trở đi, thông thường góp vốn bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), thì nay có thể lỗ, nhưng lỗ không lớn. Nguyên nhân là giá cổ phiếu của các ngân hàng đến nay vẫn xoay quanh mệnh giá.

Trường hợp của Viettel là một ví dụ. Cuối năm 2008, tập đoàn này trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Quân đội (MBB), sở hữu 10% cổ phần. Cho đến nay, Viettel nắm giữ tổng cộng 19% cổ phần của MBB với 1.980 tỷ đồng, trong khi giá cổ phiếu MBB được giao dịch vào ngày 5/6/2012 là 14.600 đồng/cổ phiếu.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại không may mắn như vậy khi đầu tư vào Ngân hàng SHB. Với việc gánh thêm khoản lỗ 1.800 tỷ đồng của Habubank (HBB) sau sáp nhập, giá cổ phiếu của SHB đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 9.000 đồng/cổ phiếu (ngày 5.6.2012), tức dưới mệnh giá. Như vậy, nếu thoái vốn vào lúc này, TKV sẽ thiệt.

Bi đát hơn cả có lẽ là các tập đoàn đầu tư vào công ty chứng khoán. So với mức VN-Index 1.100 điểm năm 2007 thì con số 400 điểm hiện nay chỉ nhỉnh hơn 1/3. HNX-Index hiện nay cũng chỉ bằng 1/4 so với lúc đỉnh điểm. Cú trượt dài của thị trường khiến cho các khoản tự doanh của công ty chứng khoán lần lượt bốc hơi. Nếu đầu tư từ giai đoạn 2007, nhiều công ty chứng khoán có thể mất tới 3/4 vốn. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của Ngân hàng An Bình thời kỳ đỉnh cao có thể lên đến 80.000đồng /cổ phiếu, nay chỉ còn 10.000 đồng, khiến cho công ty chứng khoán mua cổ phiếu của ngân hàng này méo mặt.

Nhiều công ty chứng khoán làm ăn lỗ lớn, trong đó phải kể đến CTCP Chứng khoán Cao su (RUBSE) có vốn đầu tư lớn của TCT Cao su Việt Nam. Công ty Chứng khoán Hà Thành (HASC), vốn điều lệ 150 tỷ đồng, cũng có 16,5% vốn góp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các thành viên EVN. Và trong lúc EVN chưa kịp rút vốn thì ngoài việc kinh doanh không thuận lợi, công ty này lại lùm xùm chuyện chủ tịch Hội đồng Quản trị cũ mất tích với 100 tỉ đồng.

Khó nhất là tính chuyện lỗ lãi của các khoản đầu tư ngoài ngành vào bất động sản. Theo Tiến sĩ Bình, nếu đầu tư vào bất động sản từ trước năm 2007 hoặc sớm hơn, các tập đoàn có thể không lỗ, nhưng đổ vốn từ năm 2010 trở đi chắc chắn sẽ lỗ lớn. Trong số các công ty bất động sản thành lập từ năm 2003, nhiều công ty đã lãi lớn. Chẳng hạn, Sudico từ số vốn vài chục tỷ đồng nay đã lên đến hàng ngàn tỷ, mỗi năm lãi hàng trăm tỷ đồng. Như vậy, so với 1 đồng bỏ vốn ban đầu, nhà đầu tư đã lãi gấp 5-7 lần.

Ngược lại, những công ty sinh sau đẻ muộn chưa kịp hái quả đã chịu lỗ lớn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đầu tư vào bất động sản khoảng 1.000 tỷ đồng, chủ yếu thông qua CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC). Thế nhưng, với mức giá cổ phiếu PVC hiện nay, số vốn ban đầu của PVN đã mất đi 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để xác định chính xác lượng vốn mất bao nhiêu, không thể chỉ nhìn vào con số trên sổ sách. Theo Tiến sĩ Bình, còn phải nhìn vào chi phí cơ hội mất đi. Ví dụ, một tập đoàn bỏ 10.000 đồng đầu tư ngoài ngành cách đây 5 năm, nay vẫn thu về 10.000 đồng thì trên sổ sách là không lỗ. Song, nếu so với lãi suất ngân hàng, giả sử 12%/năm, sau 5 năm lẽ ra phải thu về ít nhất 16.000 đồng.

Chịu đau cắt lỗ

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết, EVN muốn rút vốn đầu tư ngoài ngành cũng không được, vì Bộ Tài chính quy định việc rút vốn không được làm mất vốn của Nhà nước, không bán dưới giá sổ sách. Trong tình hình thị trường chứng khoán hiện nay thì điều này gần như không thể.

Nhìn từ câu chuyện này, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã chia sẻ một câu chuyện của Tỉnh ủy Nghệ An, nơi ông từng có thời gian làm Bí thư. Khi đó, Tỉnh có đầu tư một công ty dầu thực vật với mức vốn 53 tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay. Do làm ăn thua lỗ, Tỉnh phải liên tiếp dùng ngân sách trả nợ cho công ty này. Ông đã đề xuất bán công ty này với mức giá chỉ 31 tỷ đồng. Lúc đầu không ai đồng ý, vì bán lỗ như vậy sẽ làm mất vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ông đúng, bởi sau khi bán cho tư nhân, công ty này làm ăn rất hiệu quả, trả được các khoản nợ, lại nộp thuế lớn cho ngân sách Tỉnh. Với câu chuyện này, ông Tuyển nhấn mạnh rằng nên nhìn hiệu quả của việc rút vốn ngoài ngành một cách dài hạn và tổng thể.

Có vẻ như Bộ Tài chính bắt đầu thay đổi quan điểm khi mới đây Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng, việc thoái vốn nên gắn với thị trường. Mua 10 đồng, bán 9 đồng có thể lỗ 1 đồng, nhưng lại có 9 đồng để sớm tái đầu tư mà không phải chịu lãi ngân hàng. Vấn đề của các tập đoàn là xác định rút vốn ở ngành nào trước để thiệt hại ít nhất.

Với quan điểm chưa hẳn tập đoàn nào đầu tư vào ngân hàng cũng lỗ, thậm chí vẫn có lãi, Tiến sĩ Bình cho rằng, các tập đoàn có thể rút vốn khỏi ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng có tính thanh khoản cao, tương đối minh bạch, dễ định giá, chỉ cần bán thấp hơn giá thị trường khoảng 5% là có khách hàng sẵn sàng mua, thu về lượng vốn lớn cho các tập đoàn.

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Quỹ đầu tư mê Indo, bỏ Việt Nam (13/06/2012)

>   Bắt đáy thận trọng! (13/06/2012)

>   4 lý do cổ phiếu Ngân hàng sớm trở lại “ngôi vua” (13/06/2012)

>   4 đại gia chứng khoán 'giàu' hơn gói cứu trợ 29.000 tỷ đồng (12/06/2012)

>   13/06: Bản tin 20 giờ qua (13/06/2012)

>   Đánh bạc với cổ phiếu siêu rẻ, sắp phá sản (12/06/2012)

>   12/06: Bản tin 20 giờ qua (12/06/2012)

>   VMD bị cảnh cáo trên toàn thị trường (11/06/2012)

>   Cổ phiếu bảo hiểm hồi hộp chờ “sóng” (11/06/2012)

>   11/06: Bản tin đầu tuần (11/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật