4 lý do cổ phiếu Ngân hàng sớm trở lại “ngôi vua” Trong bối cảnh bất ổn vừa qua, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng rớt xuống mức rất thấp và đã kích hoạt hàng loạt thương vụ thâu tóm để chi phối. Lĩnh vực ngân hàng vẫn đang rất hấp dẫn với giới đầu tư. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua đã sụt giảm về mức giá rất thấp, trái ngược hoàn toàn với thời kỳ hoàng kim năm 2006 - 2007. Tuy vậy, có nhiều lý do để tin rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm trở lại “ngôi vua” trong năm 2012 này. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông điệp sẽ xử lý các ngân hàng yếu kém còn lại ngay trong tháng 6 này. Nhóm ngân hàng yếu kém được cho là nơi khởi nguồn của một số bất ổn trong hệ thống ngân hàng. Với diễn biến này, công việc tái cấu trúc đang đi đến giai đoạn cuối; và một khi hoàn tất, hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ ổn định hơn và các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ duy trì được đà tăng trưởng lành mạnh. Thứ hai, hệ số tín nhiệm quốc gia trong thời gian gần đây đã được cải thiện đáng kể theo đánh giá của S&P, khi công ty này vừa qua đã nâng triển vọng xếp hạng của Việt Nam. Tương tự như vậy, hệ số tín nhiệm của các các ngân hàng lớn như Vietinbank (CTG) và BIDV đã được nâng từ “tiêu cực” lên “ổn định”. Mức độ ủng hộ rất cao của Chính phủ đối với hệ thống ngân hàng cũng khiến cho ngành này trở nên an toàn hơn trong mắt của giới đầu tư. Thứ ba, lãi suất đầu vào vừa được kéo giảm một cách mạnh mẽ khi trần lãi suất huy động ngắn hạn được khống chế ở mức 9%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu đãi được đặt mức trần là 13%, tức chênh lệch được phép dao động trong phạm vi đến 4%. Trên thực tế, có thể doanh nghiệp sẽ phải đi vay với mức lãi suất cao hơn rất nhiều. Ngân hàng vẫn luôn có quyền lực thương lượng (bargaining power) rất cao, nên nếu lãi suất đầu vào tăng lên thì họ cũng có thể dễ dàng nâng lãi suất đầu ra. Khoảng chênh lệch này (spread) giúp các NHTM duy trì lợi nhuận từ mảng tín dụng (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu nhập của ngân hàng), đặc biệt trong bối cảnh tín dụng có thể tăng trưởng trở lại từ tháng 6 này. Thứ tư, nợ xấu sẽ được giải quyết và ngân hàng cũng được hưởng lợi. Nhiều ngân hàng hiện đã có dấu hiệu “thấm đòn” nợ xấu với tỷ lệ trích lập dự phòng tăng cao. Đáng lưu ý là các khoản nợ xấu này tập trung chủ yếu ở thị trường bất động sản đang bị đóng băng, một phần khác “dính” vào thị trường chứng khoán hay thậm chí là thị trường liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau). Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh lên mức 10%, và cơ quan này đang đề xuất phương án thành lập công ty mua bán nợ với quy mô dự kiến khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Thực tế ở các nước khác cho thấy trong một cuộc “giải cứu” nợ xấu (dù bằng hình thức này hay hình thức khác), các ngân hàng rồi cũng sẽ được hưởng lợi nhờ trở nên hấp dẫn hơn sau khi bảng cân đối kế toán đã được “dọn dẹp” sạch đẹp. Với một nền kinh tế đang phát triển và có nhu cầu vốn cao, ngân hàng sẽ tiếp tục đóng vai trò xương sống trong nền kinh tế, và cổ phiếu ngành này vẫn sẽ là một đích ngắm của giới đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Thật vậy, trong bối cảnh bất ổn vừa qua, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng rớt xuống mức rất thấp và đã kích hoạt hàng loạt thương vụ thâu tóm để chi phối hoạt động các ngân hàng. Như Lan (Vietstock) ffn
|