NĐT "bơi không phao" khi rơi vào tranh chấp Nhiều vụ tranh chấp với CTCK cho thấy, NĐT quá chơi vơi, thậm chí là vô vọng, bởi quy định pháp lý bảo vệ họ vừa thiếu, vừa yếu. Để dần khắc phục tình trạng này, NĐT kiến nghị cơ quan quản lý sớm ban hành hướng dẫn CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT. Gian nan tìm công lý Điển hình trong tranh chấp giữa NĐT với CTCK là vụ việc xảy ra cách đây 3 năm giữa một nhóm NĐT, trong đó đứng đầu là bà Đồng Thị Phương Thanh, với CTCK P. Nhóm NĐT tố cáo CTCK P cố tình cho “sập” bảng điện tử trong quá trình giao dịch, khiến họ bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Vụ tranh chấp ầm ĩ thị trường một thời đã không kết thúc có hậu cho các nguyên đơn, bởi sau nhiều năm trầy trật đi tìm công lý, nhóm NĐT đành thoái lui do không được tòa án thụ lý hồ sơ giải quyết vụ việc, với lý do các nguyên đơn không xuất trình được đầy đủ chứng cứ vi phạm của CTCK P. Ở một vụ việc khác, sau gần 2 năm mòn mỏi theo đuổi giải quyết tranh chấp với CTCK T, qua nhiều “cửa” như Cơ quan công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Tòa án, một nhóm NĐT ở Cần Thơ, Đồng Tháp và Vĩnh Long đã không khỏi “sốc” khi gần đây Tòa sơ thẩm tại Hà Nội trả hồ sơ vụ kiện, với lý do họ không xuất trình được đầy đủ chứng cứ chứng minh sai phạm của CTCK T. Theo đơn khởi kiện của nhóm NĐT này, thì một nhân viên môi giới của CTCK T đã tự ý đặt lệnh mua cổ phiếu của một DN ngành xi măng, mà không hề cho NĐT biết. Nhân viên môi giới còn tự ý sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2, vay CTCK T với số tiền lên đến hơn 10 tỷ đồng để mua cổ phiếu, mà không nhận được sự chấp thuận từ phía NĐT. Khi phát hiện ra sự việc, nhóm NĐT đề nghị Toà án tuyên việc uỷ quyền thực hiện dịch vụ T+2 giữa 3 NĐT với nhân viên môi giới, cùng với giao dịch vay tiền mua chứng khoán bằng việc sử dụng dịch vụ chậm nộp tiền T+2 giữa nhân viên môi giới với CTCK T là vô hiệu, vì vi phạm điều cấm của pháp luật chứng khoán. 3 NĐT cho rằng, họ không phải chịu trách nhiệm trước nghĩa vụ trả hơn 10 tỷ đồng mà nhân viên môi giới vay CTCK T. Trong khi nóng lòng chờ kết quả giải quyết từ Tòa phúc thẩm, NĐT nêu trên chia sẻ, qua thực tế 2 năm theo đuổi giải quyết tranh chấp tại các cơ quan chức năng cho thấy, do thiếu quy định pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, nên NĐT gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình đi tìm công lý, nếu không muốn nói là có lúc cảm thấy bất lực. Điều này xuất phát từ lý do, các cấp tòa luôn đòi hỏi NĐT phải xuất trình đầy đủ bằng chứng chứng minh hành vi sai phạm của CTCK, thì mới thụ lý hồ sơ. Trong khi thực tế, NĐT đang xung đột với CTCK, lẽ nào CTCK lại cung cấp bằng chứng vi phạm cho NĐT để chống lại chính mình? Hơn nữa, khi đề nghị Trung tâm Lưu ký hay Sở GDCK hỗ trợ cung cấp dữ liệu, để chứng minh sai phạm của CTCK, NĐT cũng thường không được đáp ứng vì nhiều lý do. Điều này khiến NĐT rơi vào tình trạng chơi vơi khi đối mặt với các vụ kiện CTCK. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, việc khởi kiện này chẳng khác gì “mò kim đáy bể”. Cần buộc CTCK lập Quỹ bảo vệ NĐT Để hỗ trợ NĐT bảo vệ quyền lợi của mình, ý kiến của các NĐT cho rằng, cơ quan quản lý cần quan tâm hoàn thiện cơ chế bảo vệ NĐT, trong đó buộc CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT là ưu tiên cần triển khai sớm, bởi đã được quy định trong Luật Chứng khoán. Một NĐT trong vụ kiện CTCK T kể trên đề nghị, khi xây dựng hướng dẫn CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT, cơ quan quản lý cần làm rõ cách thức và mô hình của quỹ sao cho đảm bảo tính khả thi. Trong đó, cần xác định chi tiết những lỗi như thế nào thì CTCK phải đền bù thiệt hại cho NĐT với tỷ lệ tương ứng ra sao... Cùng với làm rõ cơ chế trích lập và vận hành Quỹ bảo vệ NĐT, NĐT Trần Tiến Dũng (Hà Nội) kiến nghị, cần có quy định làm rõ trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh sai phạm là của tòa án, hay cơ quan điều tra chứ không thể phó mặc cho NĐT như hiện tại. Sau khi NĐT có đơn khởi kiện với các chứng cứ ban đầu, tòa án phải có trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ để phân định CTCK và NĐT ai đúng, ai sai. Chỉ có tòa án hay cơ quan điều tra mới đủ thẩm quyền yêu cầu UBCK, Trung tâm Lưu ký, Sở GDCK, cũng như các bên liên quan cung cấp hồ sơ, chứng cứ, chứ nếu vẫn để NĐT tự xoay xở như hiện nay, thì việc lập Quỹ bảo vệ NĐT cũng không mang lại nhiều ý nghĩa. Lý do là bởi Quỹ chỉ giải quyết phần ngọn, nghĩa là khắc phục những vụ việc nhỏ hoặc vụ việc tranh chấp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận ai đúng, ai sai. Còn phần gốc là cơ chế nào để đưa ra phán quyết rạch ròi lỗi của CTCK hay của NĐT, để trên cơ sở đó xác định trách nhiệm của mỗi bên, thì hiện nay chưa rõ ràng và bộc lộ nhiều bất hợp lý. Ngày 12/6/2012, trao đổi với ĐTCK, một NĐT trong nhóm khởi kiện CTCK T cho biết, không đồng tình với phán quyết của Tòa sơ thẩm, mới đây nhóm NĐT này đã khởi kiện vụ tranh chấp ra Tòa phúc thẩm, với mong muốn sớm tìm được công lý. Là người tham gia đầu tư khá lâu trên TTCK, cũng là chuyên gia chứng khoán độc lập, ông Phạm Kinh Luân, chia sẻ, tuy việc sớm có hướng dẫn trích lập Quỹ bảo vệ NĐT là cần thiết, nhưng sẽ là thiết thực và hiệu quả hơn nếu Bộ Tài chính, UBCK tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và mạnh tay xử lý các CTCK vi phạm, nhất là vi phạm trong quản lý tiền và chứng khoán của NĐT. Đặc biệt, NĐT cần chủ động, tích cực cùng với cơ quan quản lý tăng cường giám sát việc quản lý tài sản của NĐT tại CTCK, để bảo vệ quyền lợi sát sườn của mình, chứ không nên quá trông chờ vào cơ quan quản lý. Đây là cách để NĐT tự bảo vệ mình. | Hữu Đạo Đầu tư chứng khoán
|