Ít DN muốn vay gói 30.000 tỉ đồng của TPHCM Theo thống kê từ Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 77 doanh nghiệp đăng ký vay vốn ưu đãi lãi suất, với số tiền hơn 2.200 tỉ đồng từ gói cho vay 30.000 tỉ đồng trên địa bàn thành phố trong tháng 6 này. Theo 2 đơn vị trên, khả năng doanh nghiệp hấp thụ được 30.000 tỉ đồng vốn vay như mục tiêu của thành phố đề ra là rất khó. Trong cuộc họp diễn ra vào ngày 5-6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM đã thống nhất sẽ cố gắng giải ngân trong tháng 6 này khoảng 30.000 tỉ đồng, và giao cho Sở Công Thương thống kê danh sách từ các hiệp hội ngành nghề và hiệp hội doanh nghiệp thành phố, hạn chót gửi danh sách cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM là ngày 10-6 vừa qua. Tuy vậy, đến 14-6, số lượng doanh nghiệp đăng ký với Hiệp hội Doanh nghiệp mới chỉ dừng ở con số 26 doanh nghiệp, số tiền cần vay là hơn 245 tỉ đồng. Trong khi theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội, trong những ngày qua tổ chức này đã gửi email và thư thông báo cho hơn 8.000 doanh nghiệp. Quản lý chung lĩnh vực công nghiệp và thương mại thành phố là Sở Công Thương cũng đã liên hệ với rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nhưng con số đăng ký vẫn chỉ dừng ở 51 doanh nghiệp, số vốn cần vay là gần 2.000 tỉ đồng. Nói về câu chuyện này, ông Hưng cho biết khi hiệp hội gửi công văn cho các doanh nghiệp, cũng đã có nhiều doanh nghiệp gọi điện thoại hỏi rõ, vì nghĩ là tiền cho vay từ hiệp hội. Đến khi biết rằng đây là chính sách phối hợp, và ngân hàng làm đầu mối cho vay thì họ không đăng ký nữa, vì cho rằng thủ tục vay tại các ngân hàng không đơn giản, và doanh nghiệp khó lòng vay được, bởi họ cũng đã từng liên hệ với ngân hàng nhưng không đủ chuẩn. Nhìn dưới góc độ cá nhân, ông Hưng cho rằng, việc xúc tiến để hỗ trợ doanh nghiệp thì vẫn phải làm, nhưng thực chất, cuối cùng thì doanh nghiệp và ngân hàng sẽ làm việc trực tiếp, và khả năng vay được vốn ông cho là không dễ, do ngân hàng sẽ cẩn trọng trong xem xét hồ sơ. Ông Hưng cho rằng hiện tại các ngân hàng đều có gói hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế không giải ngân bao nhiêu nên ông thực sự chưa tin lắm vào khả năng doanh nghịêp vay được vốn. Trong khi đó, theo một đại diện của Sở Công Thương, sở dĩ có rất ít doanh nghiệp đăng ký vay là do bản thân nhiều doanh nghiệp không cần vốn. Vì hiện tại, chuyện tồn kho do không bán được hàng mới là vấn đề chính của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay. Mặc dù tính đến hết tháng 5 thành phố có khoảng 140.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng con số hoạt động bằng vốn vay hiện chỉ khoảng 23.000. Những khó khăn hiện thời, cùng với lãi suất cao nên doanh nghiệp rất ngại vay. Trong số 23.000 doanh nghiệp trên, có thể chỉ có 20% doanh nghiệp có nhu cầu, song vì tài sản đảm bảo đã thế chấp tại ngân hàng nên doanh nghiệp không thể vay được. Còn với khả năng số doanh nghiệp trên vay được vốn, vị đại diện này cho rằng khoản tiền vay trên so với tổng số tiền cho vay dự kiến 30.000 tỉ đồng là không lớn, khả năng đáp ứng vốn của các ngân hàng trên địa bàn là hoàn toàn có thể. Vấn đề chỉ còn là hồ sơ của doanh nghiệp. Theo thông tin ban đầu mà vị này có được thì sẽ có 2 ngân hàng tài trợ cho nhóm doanh nghiệp nông lâm ngư nghiệp là Eximbank với khoảng 5.000 tỉ đồng và Đông Á khoảng 6.000 tỉ đồng. BIDV cũng hứa sẽ tài trợ cho doanh nghiệp ngành đồ gỗ, nhưng đến thời điểm này chưa có số liệu chính thức. Trong danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, có nhiều doanh nghiệp có mục đích là vay nợ mới để trả nợ cũ. Cụ thể như một công ty trong ngành lương thực đang có nhu cầu vay đến hơn 600 tỉ đồng, để trả khoản nợ vay tại ngân hàng BIDV với lãi suất 18% và tiếp tục có vốn lưu động để kinh doanh. Một doanh nghiệp xây dựng có nhu cầu vay 250 tỉ đồng để trả khoản nợ 90 tỉ đồng lãi suất 19% đã quá hạn. Cũng có một số doanh nghiệp vay để bổ sung vốn lưu động nhưng vướng phải vấn đề hàng tồn kho nhiều, tài sản đảm bảo bị định giá quá thấp. Thanh Thương tbktsg
|