Thứ Năm, 14/06/2012 13:24

Khúc mắc quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng

Trước búa rìu dư luận về việc làm khó doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cho rằng, các doanh nghiệp đã thiếu sòng phẳng trong mối quan hệ với ngân hàng.

Lãi suất đã hạ rất nhanh, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không thể tiếp cận vốn do ngân hàng thắt chặt điều kiện vay, không chịu cơ cấu nợ. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại cho rằng, điều kiện vay thậm chí đã được nới hơn so với trước.

Ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) cho hay, để giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn, nhiều ngân hàng đã đồng ý sẽ nới lỏng điều kiện cho vay với những doanh nghiệp hoạt động tương đối tốt, minh bạch, thẳng thắn với ngân hàng. “Ngân hàng cũng sẽ linh động với những khoản thu chưa hình thành, như khoản đối tác của doanh nghiệp này sắp trả nợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẵn sàng nhận thế chấp hàng tồn kho, nhưng đó phải là những mặt hàng tương đối dễ bán, thanh khoản tốt, dễ quản lý”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Agribank và ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV đều khẳng định, các ngân hàng này chấp nhận cơ cấu nợ, nới lỏng điều kiện vay cho một số doanh nghiệp tốt. Thậm chí, BIDV còn chấp nhận giảm lãi 1.200- 1.500 tỷ đồng để cơ cấu nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp.

Không chỉ cơ cấu nợ, nhiều ngân hàng cũng giảm lãi với những khoản vay cũ. Tại Ngân hàng VPBank, khách hàng vay được điều chỉnh lãi suất vay 3 tháng một lần. Cụ thể, với những khoản vay năm 2011, khách hàng đã được giảm tới 5%/năm.

Tuy nhiên, xét trong toàn hệ thống, việc giãn nợ, cơ cấu nợ của ngân hàng diễn ra rất chậm chạp. Đa phần doanh nghiệp đều cho hay, vẫn phải tiếp cận lãi suất ở mức bình quân 18%/năm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn khẳng định, các ngân hàng đã thắt chặt hơn điều kiện vay so với trước.

Không phủ nhận điều này, song ông Nguyễn Ngọc Bảo cho hay, Agribank chỉ thắt chặt điều kiện vay hơn với những doanh nghiệp có mức tồn kho cao, hiệu quả kém. Còn TS. Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank khẳng định, việc tiếp cận vốn, cơ cấu nợ phụ thuộc rất nhiều vào phía doanh nghiệp. Khủng hoảng kinh tế vừa qua đã bộc lộ rõ nhiều điểm yếu nội tại của doanh nghiệp. Cộng với tình hình nợ xấu, nợ quá hạn lớn như hiện nay, các ngân hàng thương mại khó có thể cho vay tiếp. Do đó, để lấy lại niềm tin của ngân hàng, doanh nghiệp phải tự cơ cấu, khắc phục yếu kém của mình.

Ông Phạm Thiện Long cũng bức xúc cho biết, doanh nghiệp kêu ngân hàng không cho vay, nhưng doanh nghiệp đang ngập trong nợ quá hạn, còn ngân hàng bị HĐQT khiển trách, bị cổ đông chất vấn, làm sao dám cho vay? “Vừa qua, ngân hàng cũng rơi vào thế kẹt vì thừa tiền, nhưng không thể cho vay, do phải lo xử lý nợ xấu, có những khoản nợ cả năm trời mà vẫn chưa bán được. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp không đàng hoàng, khi cần tiền thì gọi ngân hàng, nhưng đến hạn trả thì ngân hàng gọi mãi không chịu bốc máy”, ông Long nói.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khác cũng cho rằng, những doanh nghiệp kêu ca về lãi suất, khó tiếp cận vốn hiện nay chủ yếu là những doanh nghiệp “đầu cơ”, không sản xuất. Nếu rót vốn cho những doanh nghiệp này, cả nền kinh tế sẽ phải gánh hậu quả về sau.

Trong khi đó, đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho thấy, trong số 7 nguyên nhân khiến doanh nghiệp và ngân hàng không gặp nhau, có tới 5 nguyên nhân thuộc về doanh nghiệp: nợ xấu cao, chưa có phương án kinh doanh hiệu quả, chỉ số an toàn suy giảm, tính minh bạch kém, chưa tìm được đầu ra.

Hà Tâm

đầu tư

Các tin tức khác

>   DN sản xuất đá xây dựng: Lao đao vì bị cạnh tranh (14/06/2012)

>   Bàn cách cứu cá tra (14/06/2012)

>   Một số doanh nghiệp lớn có đơn hàng may mặc đến quí 3 (14/06/2012)

>   DN đường cùng: Bán tháo hàng tồn, đóng nhà máy (14/06/2012)

>   Mối lo cạnh tranh khi Thái Lan xả gạo bán (14/06/2012)

>   Trái cây lo giảm xuất khẩu (14/06/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp FDI sẽ phải chấm dứt hoạt động (14/06/2012)

>   Vama đề xuất giải pháp cứu thị trường ô tô (14/06/2012)

>   Các tập đoàn sẽ phải báo cáo hoạt động như công ty niêm yết (14/06/2012)

>   Bộ Kế hoạch Đầu tư không nắm được sai phạm ở Vinalines (13/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật