Mối lo cạnh tranh khi Thái Lan xả gạo bán Trước thông tin chính phủ Thái Lan sẽ xả gạo trong kho dự trữ quốc gia với số lượng khoảng 300.000-500.000 tấn gạo, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết không có gì đáng lo. Khẳng định mà ông Bảy đưa ra được dựa trên thông tin Thái Lan sẽ đàm phán với chính phủ Indonesia, Bangladesh theo dạng hợp đồng tập trung nên không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu gạo nước ta hiện đang khai thác mạnh thị trường thương mại. Vả lại, giá bán gạo 5% tấm của Thái Lan khoảng 590 USD/tấn luôn cao hơn giá Việt Nam 150-170 USD/tấn. Tuy nhiên, cũng theo ông Bảy, nếu Thái Lan tiếp tục xả gạo thêm nữa thì nguồn cung thế giới càng lớn trong khi nhu cầu thế giới trong năm nay đã giảm 1,5 triệu tấn. Nhà nhập khẩu sẽ nắm quyền quyết định giá bán, ép giá thấp có lợi nhất cho họ. Mặt khác, nếu Thái Lan không đàm phán được hợp đồng tập trung với giá cao nên chấp nhận bán gạo với giá thấp thì sao? Theo ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, các nước xuất khẩu như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam đều còn trữ nhiều gạo. Nay Thái Lan buộc phải xả gạo, nhà nhập khẩu sẽ có cơ hội ép giá thêm nữa. Hiện tại giá gạo nước ta đang ở mức 420-430 USD/tấn, nếu giảm xuống 405 USD/tấn bằng Ấn Độ thì giá lúa trong nước chắc chắn sẽ dưới 5.000 đồng/kg. “Nếu Thái Lan xả gạo trong kho với số lượng lớn bán tống, bán tháo chịu lỗ với giá bán rẻ cao hơn Việt Nam và Ấn Độ ở mức thấp vài chục USD/tấn thì sẽ cạnh tranh mạnh vì chất lượng gạo Thái Lan tốt hơn. Cứ đà này đến cuối tháng 6, giá sẽ còn giảm xuống, gạo nước ta xuất được cũng chỉ có lỗ” - ông Tuấn lo lắng. QUANG HUY pháp luật tphcm
|