Dự báo kém, phân bón sốt giá Thời gian gần đây, giá nhiều loại phân bón tăng mạnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân trong vụ hè thu này. Nguyên nhân, theo giới kinh doanh, chủ yếu là do quản lý yếu kém, không đánh giá đúng cung - cầu. Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, phân tích: Sở dĩ giá phân bón, nhất là mặt hàng phân đạm, tăng mạnh tại nhiều địa phương (trong đó khu vực miền Bắc, miền Trung bị ảnh hưởng nhiều nhất) là do mặt hàng này đang bị thả nổi theo thị trường. Ngay cả công ty cũng không thể can thiệp vào giá bán của đại lý mà chỉ có thể khuyến cáo họ nên hưởng lợi nhuận 200 - 300 đồng/kg. Cuối năm 2011, phân bón Trung Quốc vận chuyển bằng đường tiểu ngạch ùn ùn tràn sang Việt Nam, xâm nhập tận khu vực ĐBSCL. Tuy phân bón Trung Quốc vượt hàng ngàn cây số nhưng vẫn có giá rẻ hơn hàng trong nước sản xuất là do không phải đóng thuế, chất lượng lại kém. Tuy nhiên, lũ ở ĐBSCL dai dẳng đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng cũng như nông dân gặp khó khăn về nguồn vốn nên chỉ sử dụng đến đâu mua đến đó dẫn đến tình trạng dư thừa phân bón với số lượng lớn. Các doanh nghiệp phải liên tục hạ giá bán để mong bán được hàng. Kinh doanh phân bón rơi vào tình trạng thua lỗ nặng... Rút kinh nghiệm năm trước, những tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp đồng loạt ngưng nhập khẩu phân bón vì lo ngại sẽ tiếp tục bị thua lỗ, đồng thời kỳ vọng nhiều nhà máy sản xuất phân bón trong nước được đưa vào hoạt động với công suất lớn đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, những nhà máy này lại gặp trục trặc, không vận hành đúng kế hoạch. Nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ, nguồn nhập khẩu cũng không có nên thị trường thiếu hụt lượng phân bón đáng kể, dẫn đến sốt giá phân bón... Giới chuyên môn cho rằng nếu mặt hàng phân bón được quản lý tốt, việc cung - cầu được nhận định chính xác thì sẽ không có tình trạng sốt giá xảy ra như hiện nay. Nguyễn Hải người lao động
|