Các NHTW sẵn sàng hành động nếu thị trường rối loạn vì Hy Lạp
Theo Reuters, các quan chức G20 cho biết ngân hàng trung ương của một số nền kinh tế lớn sẵn sàng hành động để bình ổn các thị trường tài chính và ngăn chặn tình trạng thắt chặt tín dụng nếu kết quả cuộc bầu cử vào Chủ Nhật tới tại Hy Lạp khiến giao dịch trở nên hỗn độn.
* 9 sự kiện không thể bỏ qua tại châu Âu trong tháng 6
Vào ngày thứ Năm, một quan chức cấp cao của Mỹ thận trọng rằng cuộc bầu cử Hy Lạp sẽ không đem lại tín hiệu rõ ràng về những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone.
Tuy nhiên, nếu thị trường rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng sau khi 3 cuộc bầu cử (Hy Lạp, Pháp và Ai Cập) vào cuối tuần này kết thúc, các ngân hàng trung ương sẵn sàng đảm bảo đủ lượng tiền mặt lưu thông trong hệ thống tài chính. Một trợ lý cấp cao của G20, người nắm rõ nội dung cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao tài chính quốc tế - cho biết: “Các ngân hàng trung ương đang chuẩn bị phối hợp hành động để cung cấp thanh khoản”. Nhận định này đã được một số quan chức khác của G20 xác nhận.
Dù các ngân hàng trung ương có thể sẵn sàng đoàn kết để giải quyết tình trạng thắt chặt tín dụng và sự biến động của thị trường nhưng việc áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ phối hợp sẽ vấp phải rào cản rất lớn và được xem là không thể.
Động thái gia tăng thanh khoản của các ngân hàng trung ương sẽ là tiền đề cho cuộc họp vào hai ngày 18-19/06 tại Los Cabos, Mexico của các nhà lãnh đạo G20 với nội dung chính là cuộc khủng hoảng nợ ngày càng leo thang tại châu Âu. Tham dự cuộc họp còn có các bộ trưởng tài chính với vai trò tham vấn.
Một quan chức cấp cao G20 cho hay tùy thuộc vào mức độ phản ứng của thị trường, các bộ trưởng tài chính G7 cũng sẽ tổ chức cuộc họp khẩn vào hai ngày 18-19/06 tại Los Cabos với sự tham gia qua điện thoại của các thống đốc ngân hàng trung ương.
Hiện các ngân hàng trung ương đã áp dụng hợp đồng hoán đổi tiền tệ và có thể tăng cường áp dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn USD nếu nhà đầu tư toàn cầu đổ xô vào các tài sản an toàn của Mỹ. Các ngân hàng trung ương cũng có thể tổ chức thêm các cuộc đấu giá nhằm cung cấp dòng tiền mặt ngắn hạn cho các ngân hàng thông qua hợp đồng repo. Ngoài ra, biện pháp can thiệp tiền tệ cũng có thể được các ngân hàng trung ương thực hiện.
Cũng trong ngày thứ Năm, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ cùng đưa ra các công cụ chính sách tiền tệ mới nhằm giải quyết tình trạng thanh khoản và các điều kiện thị trường tài chính thắt chặt do cuộc khủng hoảng nợ Eurozone gây ra.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|