Đức: "G20 không nên chỉ tập trung vào Eurozone" Theo các quan chức Đức, hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tuần tới không nên chỉ tập trung vào cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng euro (Eurozone) mà nên mở rộng sang cả những vấn đề khác của kinh tế toàn cầu như tình hình ngân sách ở Mỹ, tính linh hoạt của đồng Nhân dân tệ hay những cải cách cơ cấu ở các thị trường mới nổi. Cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone có thể là chủ đề bao trùm hội nghị, diễn ra chỉ một tuần sau khi Tây Ban Nha thông báo kế hoạch tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế cho các ngân hàng và một ngày sau khi Hy Lạp tiến hành cuộc bầu cử có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của đất nước trong khu vực đồng tiền chung. Tuy nhiên, chưa rõ liệu hội nghị có ra tuyên bố chung phản ứng trước kết quả bầu cử tại Hy Lạp hay không và nếu có thì có thể là do các bộ trưởng tài chính châu Âu đưa ra chứ không phải G20. Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) hồi tháng trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chịu sức ép từ Mỹ và các nước đối tác châu Âu trong việc phải hành động mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đẩy lùi cuộc khủng hoảng nợ. Tại hội nghị G20 lần này, Đức kỳ vọng các nhà lãnh đạo sẽ nhất trí về một kế hoạch hành động nhằm củng cố kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn, nhưng trong đó không bao gồm các biện pháp kích thích mới. Về giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone, bà Merkel phản đối những ý tưởng như trái phiếu chung hay liên minh ngân hàng, khi cho rằng những điều này sẽ là phản tác dụng nếu được thực hiện trước khi các nước trong khu vực hội nhập hơn nữa và trao quyền kiểm soát ngân sách cho các thiết chế ở châu Âu. Bà hối thúc các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng này nhất trí đối với việc tiến tới thành lập một liên minh tài chính ở châu Âu, một chủ đề có thể sẽ được thảo luận tại hội nghị G20 tới. Ngoài ra, các quan chức Đức nói rõ họ muốn hội nghị của G20 tách riêng việc thảo luận về nguồn tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và bất đồng trong vấn đề cải cách quyền bỏ phiếu trong thiết chế cho vay này, điều đang gây chia rẽ giữa Đức và nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Trong khi đó, các nhóm viện trợ quốc tế cũng đã hối thúc các nhà lãnh đạo mở rộng phạm vi bàn thảo từ khủng hoảng nợ ở Eurozone sang tập trung vào vấn đề tăng trưởng cân đối của kinh tế toàn cầu. Các nhóm này cho rằng rõ ràng G20 sẽ tập trung vào tăng trưởng, song kể từ năm 2009, nhóm này đã nhiều lần cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, song cũng đã nhiều lần bỏ lỡ những gì đã cam kết. Họ cho rằng tăng trưởng cân đối là cần thiết khi các nước nghèo đã chạm tới giới hạn về khả năng tài chính để có thể tự bảo vệ trước các khủng hoảng do các nước giàu gây ra./. Lê Minh Vietnam +
|