4 lý do Eurozone không thể sụp đổ Bất chấp nhiều dự báo khắc nghiệt về sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung Eurozone, vẫn có một số lý do rất thuyết phục để tin rằng khu vực này sẽ tiếp tục tồn tại. * Châu Âu không còn nhiều thời gian để cứu Eurozone * IMF: Còn chưa đầy 3 tháng để cứu Eurozone * George Soros: Châu Âu chỉ còn 3 tháng để giải quyết khủng hoảng Tình hình tại Eurozone ngày một ảm đạm. Giữa bối cảnh khủng hoảng ngân hàng ngày càng leo thang tại Tây Ban Nha và trước khi diễn ra cuộc bầu cử quan trọng của Hy Lạp vào ngày 17/06 tới, nguy cơ đổ vỡ của khu vực này ngày càng tăng cao. Một số kịch bản bất thường đã được tính đến: Nhà kinh tế Nouriel Roubini, người từng dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tín dụng, cho rằng Eurozone sẽ sụp đổ trong năm nay với sự ra đi của Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Nassim Taleb, tác giả của cuốn “Thiên nga đen” (The Black Swan) đã mạnh dạn tuyên bố rằng sự chấm dứt của đồng tiền chung “không phải là một việc to tát”. Và nhiều chuyên gia khác trên Wall Street cũng đề cập đến khả năng đổ vỡ của Eurozone. Cuối tháng trước, nhà chiến lược Jonathan Garner của Morgan Stanley nhận định trên Bloomberg rằng Ngân hàng đã nâng khả năng sụp đổ của khu vực này từ 25% lên 35% và tốc độ đổ vỡ sẽ diễn ra trong vòng 12-18 tháng, sớm hơn so với ước tính trước đó là từ 3-5 năm. Trích dẫn số liệu từ cuộc thăm dò được Đài truyền hình ZDF công bố cuối tháng trước, The Wall Street Journal cho biết hiện một nửa dân số của Đức cho rằng khu vực đồng tiền chung đã tác động tiêu cực đến nước này nhiều hơn là tích cực, cao hơn so với mức 43% trong tháng 2/2012. Bất chấp các dự báo trên, Eurozone chắc chắn sẽ tồn tại nhờ 4 lý do sau: 1. Thiệt hại của sự đổ vỡ là quá lớn, ngay cả đối với Đức Đức là quốc gia duy nhất của Eurozone có đủ sức ảnh hưởng về mặt kinh tế để có thể đảm bảo sự gắn kết của khu vực này. Tuy nhiên trong vòng 3 năm qua, Thủ tướng Angela Merkel chỉ áp dụng rất ít các biện pháp cần thiết để duy trì sự tồn tại của các quốc gia nợ nần trong khi lại đòi hỏi các khoản cắt giảm chi tiêu khổng lồ. Giới phê bình cho rằng chiến lược của Đức không có tác dụng xoa dịu mà chỉ khiến cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn. Có thể dễ dàng thấy được lý do tại sao người Đức không sợ khủng hoảng nợ như các quốc gia ngoại vi. Trên thực tế, kinh tế Đức đang thịnh vượng. Dù khủng hoảng nợ sắp bước sang năm thứ 3 nhưng tỷ lệ thất nghiệp của Đức hiện đứng ở mức thấp nhất trong 20 năm và đang trên đà sụt giảm. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu dài vào cuối tuần qua tại Ý, nhà đầu tư tỷ phú George Soros cho rằng Đức cần Eurozone bằng nếu không nói là nhiều hơn liên minh này cần Đức. Eurozone giúp hàng xuất khẩu của Đức rẻ và vì thế có tính cạnh tranh cao. Hơn nữa, Eurozone còn giúp các quốc gia thành viên tránh được nguy cơ vỡ nợ. Và phần lớn khoản nợ này đều do các tổ chức tài chính của Đức cung cấp. Vì thế nếu con thuyền Eurozone chìm thì tất cả những quốc gia trên thuyền – bao gồm cả Đức – sẽ chìm theo. Tỷ phú Soros cho rằng: “Rất có khả năng Eurozone sẽ tồn tại vì sự sụp đổ sẽ gây ra thiệt hại rất lớn không chỉ đối với các quốc gia ngoại vi mà còn đối với Đức”. 2. Cử tri Eurozone không thích rủi ro Do đa phần cử tri Eurozone đều giàu có và lớn tuổi nên rất ghét rủi ro. Vì thế nếu nhận thấy Eurozone sắp sụp đổ, chắc chắn cử tri sẽ chấp nhận các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt thay vì gánh chịu những bất ổn khi phải rời khỏi khu vực. “Điều này đã được minh chứng qua tất cả các cuộc bầu cử tại châu Âu kể từ năm 2009”, nhận định của ông Jacob Funk Kirkegaard thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson. Cuộc bầu cử bất thành hôm 05/06 của Hy Lạp chỉ là một ngoại lệ và nguyên nhân chính là do nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị có một không hai. Các đảng Liên hiệp cánh tả cấp tiến (Syriza) – phía phản đối thỏa thuận cắt giảm ngân sách gắn liền với gói giải cứu quốc tế trị giá hàng tỷ USD – đã nhận được sự ủng hộ tương đối cao nên rất khó để các đảng chủ trương “thắt lưng buộc bụng” nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ cử tri. Tuy nhiên, Kirkegaard cho rằng sẽ không có thành viên nào khác của Eurozone (thậm chí là Ý) gặp phải những vấn đề như vậy. Dù tại thời điểm này cử tri Hy Lạp dường như vẫn chưa chắc nhưng có thể cuối cùng họ sẽ nhận ra rằng mình cần phải chấp nhận các biện pháp khắc khổ tại cuộc bầu cử ngày 17/06. Trong bài phát biểu tại Ý, tỷ phú Soros cho rằng: “Tôi hy vọng dân chúng Hy Lạp sẽ đủ lo sợ về viễn cảnh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) và sẽ ủng hộ cho liên minh nào sẵn sàng tuân thủ theo các thỏa thuận hiện tại”. Ông cho biết thêm: “Tuy nhiên, không liên minh nào có thể đáp ứng đủ điều kiện nên cuộc khủng hoảng Hy Lạp có nguy cơ lên đến đỉnh điểm vào mùa thu. Lúc đó, kinh tế Đức cũng sẽ suy yếu đến mức Thủ tướng Merkel cảm thấy việc thuyết phục người dân chấp nhận thêm trách nhiệm đối với châu Âu thậm chí còn khó khăn hơn so với hiện tại”. 3. Eurozone luôn đổi mới và mọi việc đang tiến triển Có lẽ nhà đầu tư sẽ ít lo sợ hơn nếu chấp nhận rằng EU là một thử nghiệm sai lầm về mặt cơ bản và có thể mất thêm nhiều năm để đi vào ổn định. Ngay từ đầu, liên minh tiền tệ đã giúp Đức gia tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu trong khi các thành viên khác tận dụng được dòng tín dụng rẻ. Không cần phải nói, những gì đem lại thành công cho Eurozone cũng chính là nguyên nhân đẩy khu vực này vào khó khăn. Tuy nhiên, theo Kirkegaard yếu tố có thể giúp Eurozone đứng vững chính là việc không ngừng đổi mới về mặt tổ chức của khu vực này. Dù một liên minh tiền tệ đã ra đời, nhưng vấn đề ở đây là thiếu một liên minh chính trị đi kèm. Hầu hết các nhà khoa học chính trị đều cho rằng Eurozone không nên tồn tại nhưng thực sự khu vực này cần phải tồn tại vì có khả năng đổi mới các tổ chức. Trong các năm tới, Eurozone có thể vượt qua những khó khăn mà các nước khác xem là không thể. 4. Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể giải quyết khủng hoảng Trước tình trạng nợ nần ngày càng chồng chất, nhiều người đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hành động như “một nhà cho vay cuối cùng”. Thực vậy, cho phép ECB in tiền theo nhu cầu của ngân hàng này sẽ xoa dịu được cuộc khủng hoảng thanh khoản và đảm bảo rằng tiền mặt sẽ luôn luôn có sẵn để thanh toán cho các chủ nợ nắm giữ trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, Đức đã kịch liệt phản đối ý tưởng trên. ECB cũng vậy, mặc dù các quan chức ngân hàng này đã thông qua một số biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ khu vực, trong đó có việc cung cấp các khoản vay rẻ cho một vài ngân hàng và mua sạch hàng trăm tỷ EUR trái phiếu Chính phủ. Thứ Năm tuần trước, ECB giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1% và tiếp tục chống lại sức ép từ cộng đồng quốc tế xung quanh việc áp dụng thêm các biện pháp để hỗ trợ kinh tế Eurozone. Tuy nhiên, ông Kirkegaard cho biết ECB vẫn còn nhiều công cụ có thể áp dụng trong trường hợp cần thiết dù ngân hàng này chưa bao giờ thừa nhận về việc tránh để các Chính phủ ỷ lại rằng luôn có biện pháp thay thế cho các chương trình “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt. Ông nói: “Thực tế là ECB có thể dễ dàng mua 500 tỷ EUR trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha mà không vấp phải bất kỳ sự phản kháng nào từ Chính phủ Đức trong trường hợp sự tồn tại của Eurozone rơi vào tình trạng nguy hiểm. Vì thế ECB có thể mua trái phiếu thêm nhiều đợt nữa nếu cần thiết”. Phước Phạm (Vietstock) FFN
|