Thứ Tư, 13/06/2012 21:36

Ý: "Nạn nhân kế tiếp của khủng hoảng EU?"

Không khí phấn khởi trên các thị trường tài chính hồi cuối tuần từ một thỏa thuận của châu Âu cứu các ngân hàng Tây Ban Nha nhanh chóng tan dần, các nhà đầu tư quay sang bán trái phiếu, cổ phiếu Ý, do lo ngại Ý là nạn nhân kế tiếp của “cơn dịch” khủng hoảng euro. Ngay cả các viên chức Italy cũng cho rằng 100 tỉ euro mà châu Âu cam kết dành cho các ngân hàng Tây Ban Nha có lẽ không ngăn chặn được khủng hoảng lan rộng.

Chỉ số chứng khoán chính của Ý tệ hại nhất trong ngày thứ hai (theo giờ địa phương), cuối ngày xuống 2,8%. Không chỉ tình hình giao dịch ế ẩm trên nhiều thị trường chứng khoán châu Âu, trong ngày chứng khoán Mỹ cũng hạ giá và các nhà đầu tư lại ồ ạt chuyển sang các bến an toàn là trái phiếu chính phủ Mỹ và Đức. Ngay cả Thủ tướng Ý Mario Monti - một nhà kỹ trị châu Âu nhậm chức tháng 11/2011 sau khi khủng hoảng euro gạt bỏ Silvio Berlusconi - bắt đầu công nhận những mối nguy hiểm đổ dồn vào nền kinh tế có GDP khoảng 2.000 tỉ USD (1.600 tỉ euro) này.

Khủng hoảng sẽ lan đến Ý?

Nỗi lo lớn nhất là Ý không thể tìm đường ra khỏi cơn suy thoái đủ nhanh để có thể thanh toán một núi nợ công. Những lo ngại khác bao gồm việc Ý sẽ phải gánh vác một phần lớn chi phí cứu giúp ngay cả khi nước này phải vật lộn với chính nền kinh tế suy sụp của mình, bởi vì đây là nền kinh tế lớn thứ ba khu vực euro, chỉ sau Đức và Pháp. Do kinh tế Ý tăng trưởng không đủ chi, chính phủ sẽ phải vay tiền ở lãi suất cao, đồng nghĩa với tăng thêm gánh nợ.

Giá trái phiếu chính phủ Ý xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng. Các nhà đầu tư rõ ràng không chắc chắn là liên minh tiền tệ sắp giải quyết được những rắc rối cơ bản – ví dụ như, không phải bầu cử quốc hội ở Hy Lạp cuối tuần này có thể quyết định là liên minh tiền tệ đủ mạnh để giữ lại những thành viên yếu nhất.

Trái phiếu chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm hạ giá trong phiên giao dịch thứ tư liên tiếp. Lợi tức trái phiếu – một biên pháp giảm chi phí vay của chính phủ và cảm nhận của nhà đầu tư về khả năng rủi ro – giảm 0,26 điểm phần trăm hôm thứ hai, còn chỉ trên 6%. Nhưng đây là mức cao nhất kể từ tháng 1 và là một mức mà Italy không thể giữ được lâu dài.

Trong một cuộc họp kinh tế qua điện thoại được Ủy ban phối hợp Mỹ - Ý triệu tập hồi cuối tuần, Thủ tướng Monti nói: “Nguy cơ thường xuyên là tình trạng lây lan. Đó là lý do tại sao củng cố khu vực euro là lợi ích của tập thể.”

Cũng trong cuộc họp, Daniele Sottile thuộc công ty tư vấn tài chính Vitale & Associati ở Milan, cho biết: “Không nghi ngờ gì nữa, khủng hoảng sẽ lan đến nước Ý. Đó là bằng chứng cho thấy các cơ chế ngăn khủng hoảng do châu Âu thiết kế đã không hiệu quả.”

Sergio Marchionne, giám đốc điều hành của cả hai tập đoàn Fiat và Chrysler, thẳng thừng hơn: “Ai đó hãy làm tốt hơn việc gì đi, trước khi chúng ta đến điểm không thể quay lại.”

Áp lực đè lên vai Thủ tướng

Cho dù nổi tiếng là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm và được các viên chức quốc tế tin tưởng, Thủ tướng Monti dang đối mặt với nhiều rắc rối trong nước.

Ít ai nghi ngờ năng lực ông Monti: chỉ trong vòng 6 tuần lễ đầu ở chức vụ mới, ông đã phê duyệt nhiều biện pháp kinh tế hơn tổng số biện pháp Ý thực hiện trong một thập niên, kể cả tăng tuổi hưu, tăng thuế bất động sản, đơn giản hóa hoạt động cơ quan chính phủ và truy tìm kẻ trốn thuế. Những biện pháp còn “treo” là những thay đổi về kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kể cả việc kiểm tra các qui định lao động cứng nhắc của nước này.

Nhưng chính phủ Monti cũng bị trói buộc bởi di sản truyền thống là các chính khách không sẵn lòng chấp nhận những thay đổi khó khăn.

Kể từ khi ông Monti nhậm chức thủ tướng, nền kinh tế Ý yếu kém hơn, giống như phần lớn các nền kinh tế châu Âu. Kinh tế Ý dự kiến giảm 1,5% năm nay và chỉ tăng 0,5% vào năm 2013. Các ngân hàng nhanh chóng giảm cho vay, đẩy hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa vào con đường phá sản. Theo cơ quan thống kê Eurostat, tỉ lệ thất nghiệp của Ý tăng lên mức trên 10%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 5,4% của Đức.

Nợ chính phủ đã ở mức 120% GDP, gần như chắc chắn tiếp tục tăng, nhất là nếu Ý phải trả một phần lớn chi phí để chống đỡ liên minh tiền tệ. Ở nhiều phương diện, Ý vẫn còn hoạt động tốt hơn Tây Ban Nha và ba nước nhận cứu giúp khác là Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Thâm hụt ngân sách hàng năm của Ý thu hẹp còn 2,8% GDP, giảm từ 4,2% cách đây một năm và thấp hơn mức 3% theo yêu cầu của khu vực euro.

Cho dù bị tổ chức đánh giá Moody’s hạ bậc tín nhiệm thời gian gần đây, các ngân hàng Ý tương đối hoạt động tốt – ít nhất là so với các ngân hàng Tây Ban Nha – bởi vì không phải gánh nợ xấu từ một bong bóng bất động sản . Và cho dù chính phủ Italy phát hành nhiều trái phiếu hơn bất cứ nước nào trong khu vực euro, người dân Ý đã sở hữu khoảng phân nửa số nợ đó, có nghĩa là các ngân hàng ít bị tổn thương bởi giá chứng khoán lên xuống bất thường hơn là các ngân hàng Tây Ban Nha, vốn đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ đầy rủi ro.

Theo Cinzia Alcidi tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu ở Brussels: “Monti có một lịch trình hoạt động tốt, và hiểu rõ cái gì nên làm cho Italy. Nhưng phương pháp của ông là phương pháp của một nhà kỹ trị, và khi phải đượng đầu với thực tiễn chính trị và xã hội, mọi thứ trở nên khó khăn hơn.”

Chính trường Ý vẫn hờ hững với ông Monti. Nhưng nhiều nhà quan sát đồng ý rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm tổ chức bầu cử sớm cũng sẽ là tai họa, ngăn cản nỗ lực thay đổi của ông Monti và đẩy Italy trở lại tình trạng chính trị cực kỳ rối ren. Bất cứ đảng phái hay liên minh nào khác sẽ không thể nhận được sự ủng hộ cần thiết để cai trị thoải mái ở đây.

Theo Sergio Fabbrini, giám đốc khoa lãnh đạo tại ĐH Guiss Guido Carli ở Rome: “Tin tốt là Ý đã đổi hướng để không trở thành một nước thất bại ở châu Âu nhờ ông Monti. Tin xấu là những chính khách lâu đời của Ý vẫn không chấp nhận những lý do gây ra khủng hoảng ở nước này. Và khi chất lượng chính trị thấp như ở Ý hay ở Hy Lạp, thật là khó mà sáng tạo cấu trúc cho tăng trưởng.”

Võ Phương (NEW YORK TIMES)

Sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Châu Âu không còn nhiều thời gian để cứu Eurozone (13/06/2012)

>   Đồng euro trượt giá so với đồng USD tại châu Á (13/06/2012)

>   Kinh tế Đức sẽ "trượt dốc" trong những tháng tới? (13/06/2012)

>   Fed, ECB, BoE và BoJ in tổng cộng 6 ngàn tỷ USD từ năm 2008 (13/06/2012)

>   IMF: Kinh tế Nhật có thể tăng trưởng 2% năm 2012 (13/06/2012)

>   WB: Các nước phát triển sẽ còn tăng trưởng yếu (13/06/2012)

>   Báo động về tình trạng nợ nần của Chính phủ Mỹ (13/06/2012)

>   Người dân Hy Lạp tăng cường rút tiền trước bầu cử (13/06/2012)

>   Australia: Chỉ số điều kiện kinh doanh ở mức tệ nhất (13/06/2012)

>   3 năm suy thoái, dân Mỹ "bốc hơi" 40% của cải (13/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật