Thứ Ba, 15/05/2012 09:30

Xử lý vi phạm chứng khoán: Cần tránh hình sự hóa

Góp ý cho dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán, chứng khoán mà Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo, các thành viên thị trường đề nghị, dự thảo Thông tư cần bổ sung những quy định hợp lý hơn, để tránh hình sự hóa trong xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK. Thay vào đó, cần gia tăng hình phạt kinh tế như thông lệ quốc tế.

* Tăng mức phạt hành chính trên TTCK gấp 4 lần

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB):  “Coi chừng lạm dụng xử lý hình sự”

Các mức gây thiệt hại tính được bằng tiền mà dự thảo Thông tư đưa ra khá thấp so với đặc thù vi phạm trên TTCK. Nếu không nâng lên mức hợp lý sẽ dễ dẫn đến việc đưa ra các quy định theo hướng lạm dụng xử lý hình sự.

Khi điều này xảy ra, thì không chỉ trái với thông lệ quốc tế, mà có nguy cơ làm mất đi tính hấp dẫn của TTCK, gây tâm lý nặng nề cho NĐT.

VASB kiến nghị, dự thảo Thông tư cần quy định mức thu lợi bất chính lớn đối với tội cố ý CBTT sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán là từ 2 tỷ đồng trở lên (thay vì mức 200 triệu đồng như trong dự thảo). Đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, nên quy định mức thu lợi bất chính và gây hậu quả nghiêm trọng bằng tiền từ 2 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là từ 3 tỷ đồng trở lên. Về tội thao túng giá chứng khoán, gây hậu quả nghiêm trọng là từ 2 tỷ đồng trở lên; gây hậu quả rất nghiêm trọng là từ 3 tỷ đồng trở lên.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVS): “Quy tội hình sự là chưa sát thực tế kinh doanh chứng khoán”

Với kinh nghiệm 10 năm hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, BVS nhận thấy các hướng dẫn về nhóm tội danh hình sự trong lĩnh vực chứng khoán chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán, cũng như chưa sát với thực tế hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Với tội cố ý CBTT sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, hành vi phạm tội được coi là nghiêm trọng khi gây thiệt hại cho NĐT với số tiền từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, thay vì từ 1 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng như dự thảo Thông tư; gây hậu quả rất nghiêm trọng là từ 10 tỷ đồng trở lên…

Về tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, dự thảo Thông tư quy định: “là sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình, cho người khác hoặc tiết lộ thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ…”. Thực tế, việc xác định và tìm kiếm những bằng chứng để chứng minh được chủ thể sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho người khác là rất khó, nên dự thảo Thông tư cần hướng dẫn cụ thể hành vi phạm tội của loại tội danh này.

Khi hướng dẫn về tội thao túng giá chứng khoán, dự thảo Thông tư mới chỉ quy định các phương án định khung hoặc định tội của hình phạt, đưa ra các mức độ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng của loại tội danh này, mà chưa có quy định về hành vi và chủ thể phạm tội. Bởi vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề này trong dự thảo Thông tư. Với tội danh thao túng giá chứng khoán, BVS cho rằng, hành vi phạm tội được coi là nghiêm trọng khi gây thiệt hại cho NĐT với số tiền từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; gây hậu quả rất nghiêm trọng là từ 10 tỷ đồng trở lên…

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, CTCK Sài Gòn (SSI): “Chưa thu lợi, nhưng gây thiệt hại có bị xử lý hình sự không?”

Thực tế, có những hành vi thao túng giá chứng khoán, cố ý CBTT sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán nhằm trục lợi, nhưng do diễn biến của thị trường khiến mục đích của hành vi vi phạm không thành. Hệ quả là tuy đối tượng vi phạm chưa thu lợi bất chính, nhưng đã gây thiệt hại cho các bên liên quan. Dự thảo Thông tư chưa có quy định nào làm rõ trường hợp này có bị xử lý hình sự hay không.

Mức gây thiệt hại về tiền mà dự thảo Thông tư đưa ra là từ 1 - 2 tỷ đồng để xác định tính chất, mức độ vi phạm, làm căn cứ cho áp dụng khung hình phạt là thấp, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của TTCK.

Khi hướng dẫn về tội cố ý CBTT sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, dự thảo Thông tư quy định: “thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên…”. Khi đưa ra quy định này, dự thảo Thông tư chưa giải quyết ổn thỏa 2 thực tế. Thứ nhất, chưa hướng dẫn chi tiết các hành vi nào được coi là thu lợi bất chính. Thứ hai, với biên độ dao động giá trên HNX là 7% và trên HOSE là 5%, thì chỉ cần giao dịch vài phiên là NĐT có thể thu lời trên 200 triệu đồng. Với mức lời này, nếu không cẩn thận đẩy họ vào “tầm ngắm” của xử lý hình sự, tác động không tích cực đến tâm lý NĐT.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO: Nên áp biện pháp kinh tế xử lý lỗi chứng khoán 

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, cần trừng phạt nặng bằng các biện pháp kinh tế, tránh hình sự hóa việc xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cho rằng, với đặc thù của một loại tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, kinh nghiệm thế giới cho thấy, cần trừng phạt nặng bằng các biện pháp kinh tế, tránh hình sự hóa việc xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK, bởi có thể gây nên những tác động tiêu cực chưa lường hết được đến sự phát triển của TTCK nếu thiên về áp dụng hình phạt tù.

Các mức gây thiệt hại về tiền mà dự thảo Thông tư đưa ra phổ biến là từ 1 - 2 tỷ đồng, tuy so với loại tội phạm kinh tế khác có cao hơn, nhưng chưa phản ánh được đặc thù hoạt động của TTCK. Mức này nên nâng lên khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc cân nhắc để đưa ra mức gây thiệt hại về tiền là bao nhiêu để làm căn cứ áp dụng khung hình phạt cần đặc biệt lưu ý tới khả năng khắc phục hậu quả của đối tượng phạm tội. Chẳng hạn, chủ tịch HĐQT một DN niêm yết phạm tội thao túng giá chứng khoán và gây hậu quả cho các bên liên quan. Tuy nhiên, nếu anh ta có đủ nguồn lực tài chính khắc phục được hậu quả, thì dự thảo Thông tư cần có quy định ưu tiên xử lý theo hướng này, chứ nếu bắt giam, phạt tù anh ta, thì không chỉ những người bị hại khó được đền bù thiệt hại, mà DN do anh ta điều hành sẽ dễ rơi vào tình trạng đóng cửa, phá sản, ảnh hưởng đến người lao động tại DN…

Dự thảo Thông tư cần quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan đánh giá hành vi vi phạm của các đối tượng gây thiệt hại về vật chất bao nhiêu, để trên cơ sở đó xử lý hình sự hay hành chính. Cũng cần có thêm quy định, UBCK là cơ quan đầu tiên phân định một hành vi vi phạm trên TTCK bị xử lý hành chính hay hình sự.

Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Chiến lược giao dịch ngày 15/05/2012 (15/05/2012)

>   Góc nhìn 14/05: Nguy cơ thủng 460 điểm? (14/05/2012)

>   Góc nhìn 14/05 - 18/05: Bán đi và chờ đợi? (13/05/2012)

>   Góc nhìn 11/05: Có thực sự xấu như vậy? (10/05/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 10/05/2012 (10/05/2012)

>   Góc nhìn 10/05: Có nên mua bình quân giá giảm? (09/05/2012)

>   Ông Võ Trí Thành: Năm 2012, TTCK sẽ có nhiều “sóng” (09/05/2012)

>   Góc nhìn 09/05: Điều chỉnh có phải là cơ hội? (08/05/2012)

>   Ít nhất 2-3 năm nữa mới thực hiện được T+2 (08/05/2012)

>   NĐT nước ngoài cần chia sẻ và chấp nhận sự khác biệt (08/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật