Thứ Sáu, 11/05/2012 16:43

Tỷ lệ nội địa hóa của công ty Nhật tại Việt Nam rất thấp

Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam hiện rất thấp so với các nước châu Á khác.

Ông Yoshida Sakae, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) văn phòng tại TPHCM, cho biết như vậy tại buổi lễ ký kết hợp tác tổ chức triển lãm công nghiệp phụ trợ cùng với triển lãm Metalex Việt Nam và Nepcon Việt Nam 2012 diễn ra tại TPHCM vào ngày 10-5.

Theo ông Yoshida, hàng năm JETRO điều tra môi trường đầu tư của các quốc gia châu Á thông qua việc khảo sát các công ty Nhật Bản đang hoạt động trong khu vực. Một khảo sát dạng này vào năm ngoái cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa (sử dụng các nguyên phụ liệu và phụ tùng công nghiệp sản xuất tại địa phương) của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam chỉ là 28,7%, thấp hơn nhiều so với các nước châu Á khác, chẳng hạn như tỷ lệ nội địa hóa của các công ty Nhật tại Trung Quốc là 59,7%, tại Thái Lan là 53%, tại Ấn Độ và Indonesia là 41%, và tại Malaysia là 39,3%...

"Tỷ lệ nội địa thấp có nghĩa là các nhà đầu tư phải nhập khẩu nhiều hơn các nguyên vật liệu và linh phụ kiện. Hậu quả là chi phí sản xuất ở Việt Nam sẽ cao hơn chi phí ở các nước có tỷ lệ nội địa hóa cao và các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn", ông Yoshida lưu ý.

Cũng theo ông Yoshida, yếu kém trong việc cung ứng các nguyên liệu và phụ kiện trong nước là một trong các yếu tố tiêu cực cản trở việc thu hút đầu tư nước ngoài và vì vậy tăng tỷ lệ nội địa hóa là một yêu cầu bức bách để giữ tính cạnh tranh của sản phẩm. Để tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhất thiết phải phát triển mạng lưới các nhà cung cấp nguyên vật liệu thô và linh phụ kiện (hay còn gọi là công nghiệp phụ trợ).

Ông Yoshida cho rằng việc cung cấp nguyên liệu và linh phụ kiện cho sản xuất của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam những năm qua chưa được cải thiện, dù ông cũng thừa nhận việc nuôi dưỡng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cần có thời gian, bởi vì các nhà cung cấp luôn phải cải thiện giá cả và chất lượng thông qua rất nhiều quá trình đánh giá của khách mua hàng.

Để thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ cho doanh nghiệp cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ Việt Nam, từ năm 2004 đến nay cứ 2 năm một lần, JETRO phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Triển lãm cung cầu công nghiệp phụ trợ tại TPHCM. Tại triển lãm này, các nhà cung cấp (nhà bán hàng) là các doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ gian hàng để trưng bày và chào bán sản phẩm cho các nhà thu mua là các công ty Nhật. Mỗi đợt triển lãm sẽ có 100 gian hàng cho khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam và 50 doanh nghiệp Nhật tham gia trưng bày những phụ tùng, nguyên phụ liệu và thực hiện trao đổi thương mại với bên thu mua của Nhật tại Việt Nam, Nhật và Đông Nam Á.

Năm nay, ITPC và JETRO ký kết với Công ty Reed Tradex - đơn vị tổ chức Triển lãm quốc tế về gia công kim loại và máy công cụ (Metalex -Nepcon vietnam) để cùng tổ chức Triển lãm cung cầu công nghiệp phụ trợ cùng với hai triển lãm này. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6-10-2012 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn, quận 7, TPHCM.

Hiện tại Nhật Bản có hơn 1.610 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 26,9 tỉ đô la Mỹ, trở thành nhà đầu tư có vốn đăng ký nhiều nhất ở Việt Nam.

Quốc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Lo mất “miếng bánh” trên thị trường bưu chính (11/05/2012)

>   Cổ phần hóa DNNN vẫn chậm so với yêu cầu (11/05/2012)

>   Lại xem xét đề xuất tăng giá điện (11/05/2012)

>   Giảm lượng hàng tồn kho - Cần giải pháp đồng bộ (11/05/2012)

>   Nhà bán lẻ tìm cách vượt khó (11/05/2012)

>   Tác động của hội nhập kinh tế đến thương mại VN (10/05/2012)

>   Kinh tế khó khăn, ngành nào “khổ” nhất? (10/05/2012)

>   Giãn, giảm thuế liệu có thật sự tốt? (10/05/2012)

>   TS Bùi Kiến Thành: “Chết rồi mới đem tiền đến viếng...”! (10/05/2012)

>   Doanh nghiệp: đói góp no dồn! (10/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật