Giãn, giảm thuế liệu có thật sự tốt?
Theo các báo cáo dự toán và quyết toán của Bộ Tài chính giai đoạn từ năm 2007-2012, có thể thấy nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ thuế luôn chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng nguồn thu và viện trợ của Chính phủ. Tỷ lệ bình quân giai đoạn 2007-2011 là 81,5%. Riêng năm 2012, tỷ lệ này được kỳ vọng là 91,14%. Trong các năm trước, nguồn thu thường xuyên từ thuế bao gồm 11 loại, năm 2012 có thêm thuế bảo vệ môi trường.
Trong tổng nguồn thu từ các loại thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT) chiếm tỷ trọng cao nhất qua các năm (bình quân trên 30% mỗi loại). Tỷ lệ nguồn thu từ thuế trên tổng GDP cũng rất cao, bình quân lên tới 23% một năm.
Từ những con số trên, có thể thấy sự phụ thuộc rất lớn của nguồn thu cho ngân sách nhà nước vào khu vực doanh nghiệp (bộ phận quan trọng nhất, đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế).
Hình 1 cho thấy từ năm 2009 đến nay người tiêu dùng chịu nhiều gánh nặng hơn, vì bản chất của thuế VAT là người tiêu dùng phải gánh chịu. Không chỉ vậy, năm 2011, người dân lại gánh thêm “thuế lạm phát”, như vậy mức sống và sức mua của dân cư ngày càng bị bào mòn.
Hình 2 cho thấy từ năm 2009-2011 tổng thu thường xuyên (bao gồm các loại thuế và phí) luôn bằng và cao hơn 25%. Năm 2012, do ước tính GDP quá cao nên các tỷ lệ thuế, thu thường xuyên và tổng thu trên GDP dường như có vẻ giảm, nhưng với sự suy giảm sản xuất hiện nay, có thể tỷ lệ này vẫn cao như các năm trước. Và điều đáng nói là tỷ lệ này quá cao so với các nước trong khu vực.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có những giải pháp điều chỉnh về thuế như giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính tâm lý nhiều hơn.
Theo tình hình kinh tế quí 1, hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm sút, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa có lợi nhuận trước thuế rất ít hoặc không có lợi nhuận thì việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp này cũng không có ý nghĩa gì.
Nhìn lại từ vấn đề sức mua giảm sút, theo lý luận kiểu Keynes - Leontief - Miyazawa thì việc chi tiêu của người dân phụ thuộc vào thu nhập, như vậy sức mua của người dân giảm sút do thu nhập giảm sút. Trong thành phần của GDP có ba phần cơ bản, đó là thu nhập từ lao động, thu nhập từ vốn và thuế gián thu (thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt… không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp). Như vậy, sản xuất đình trệ sẽ dẫn đến thu nhập từ lao động, từ vốn và thuế gián thu cũng giảm, kéo theo thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm.
Theo số liệu từ trang web của Bộ Tài chính, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT của các năm 2010, 2011 và dự toán năm 2012 chiếm trong tổng thu của ngân sách nhà nước tương ứng là 61%, 59% và 65,2% (dự toán năm 2012). Như vậy với sự suy giảm kinh tế, thu ngân sách từ ba loại thuế này sẽ giảm mạnh nên việc miễn giảm thuế trong giai đoạn hiện nay tuy có tác dụng tâm lý khá tốt nhưng không quan trọng bằng:
- Xem xét lại việc chi tiêu từ ngân sách một cách cụ thể, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn từ ngân sách.
- Triệt để chống tham nhũng, thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu để doanh nghiệp không phải đóng hàng chục khoản chi phí “không tên”. Những khoản phí này vốn chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp.
- Cấu trúc lại nền kinh tế một cách hiệu quả và khoa học. Chẳng hạn nói ưu tiên cho xuất khẩu cũng cần nghiên cứu xem nên ưu tiên cho sản phẩm nào, không nên ưu tiên một cách đại trà kiểu cứ xuất khẩu là ưu tiên, làm gia công xuất khẩu cũng ưu tiên, tạm nhập tái xuất, thậm chí cả dịch vụ “chuyển khẩu” cũng được xem như xuất khẩu để ưu tiên. Chính phủ cũng nên đưa ra định hướng những ngành nào, đạt tiêu chí gì thì được xem là ngành trọng điểm. Chẳng hạn trong giai đoạn hiện nay, có thể dùng các tiêu chí như: những ngành có tính lan tỏa đến sản xuất trong nước cao (sử dụng nguyên vật liệu trong nước là chính), lan tỏa đến nhập khẩu thấp, sử dụng năng lượng thấp và giảm thiểu gây hại cho môi trường.
Bùi Trinh
tbktsg
|