Cổ phần hóa DNNN vẫn chậm so với yêu cầu
Ngày 2-5 vừa qua, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết trong 4 tháng đầu năm 2012, chỉ cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp; so với yêu cầu là rất chậm.
Phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 9-5 đã có buổi phỏng vấn ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp từ trước đến nay.
TBKTSG Online: Xin ông cho biết một số kết quả của việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tính đến nay?
- Ông Phạm Viết Muôn: Quá trình cổ phần hóa DNNN đã bắt đầu từ năm 1992, đến năm 2001 thì được đẩy mạnh. Đến hết năm 2011, chúng ta cổ phần hóa được gần 4.000 doanh nghiệp, góp phần cơ bản vào việc sắp xếp DNNN, từ chỗ DNNN trước đây là 12.000, xuống còn 6.000, đến năm 2001 thì còn 5.655 doanh nghiệp, đến nay thì cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Về cơ bản đã chuyển được các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, thu hút thêm nguồn lực từ xã hội, quan trọng hơn là đã công khai giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này.
Có số liệu cho thấy trong năm 2011 và quí 1-2012 số lượng DNNN cổ phần hóa rất ít, xin ông cho biết tại sao tiến độ cổ phần hóa lại chậm thời gian gần đây?
- Trong năm 2011 số lượng DNNN cổ phần hóa rất thấp, chỉ được 60 doanh nghiệp thôi. Trong 4 tháng năm 2012 chỉ cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp, đây là những doanh nghiệp kéo dài từ năm 2011 sang.
Nguyên nhân chậm ở đây là do rơi vào đầu năm thì các cơ quan như bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, các tổng công ty chỉ tập trung vào bước đầu cho quy trình cổ phần hóa. Thông thường quí 1 là chuẩn bị, quí 2 công bố giá trị doanh nghiệp, kết quả chủ yếu rơi vào quí 3, quí 4 của năm. Đây là một lý do.
Còn nguyên nhân khác là do cơ chế của chúng ta, như Nghị định 59/2011/NĐ-CP, chỉ đáp ứng một số mặt, còn một số phát sinh như việc xác định giá trị doanh nghiệp có yêu cầu rà soát, lập phương án sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý phải phù hợp với quy định để xác định sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gửi đến UBND tỉnh, thành phố cho ý kiến trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. Rồi còn đấu thầu tổ chức giám định, rà soát đối chiếu toàn bộ công nợ, tổ chức kiểm toán kết quả định giá và xử lý tài chính đối với doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 tỉ đồng hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ qui hiếm. Các công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khi thực hiện mất nhiều thời gian và gặp nhiều phức tạp.
Hiện nay, ngoài các nông lâm trường ra thì đa số mỗi địa phương (tỉnh) chỉ còn 3 – 7 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa cổ phần hóa.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân thị trường hiện nay chưa hồi phục. Cầu không lớn nên doanh nghiệp đưa ra bán rất hạn chế. Như năm 2011 có doanh nghiệp đưa ra bán 20%, nhưng chỉ bán được có 3-10% cổ phần, thông thường là không bán hết.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, vấn đề quyết định là sự chỉ đạo của các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trên thực tế chưa quyết liệt.
Như vậy trong thời gian tới, mục tiêu của việc cổ phần hóa DNNN của cả nước sẽ ra sao, thưa ông?
- Đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hầu hết các phương án sắp xếp. Hiện nay chỉ còn Bộ Quốc phòng, TPHCM và Đắk Nông là chưa trình Thủ tướng phương án sắp xếp, đổi mới DNNN.
Theo các phương án sắp xếp này, hiện nay cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Giai đoạn từ nay đến 2015, sẽ có 692 doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn (nhà nước giữ lại 100% vốn), 573 doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa.
Trong 573 doanh nghiệp này thì có 30 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 75% vốn điều lệ, 45 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 65%, 108 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 50%, và 391 doanh nghiệp nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần; còn lại giải thể, phá sản và tái cơ cấu 44 doanh nghiệp.
Như vậy, từ giờ đến 2015 sẽ cổ phần hóa 573 doanh nghiệp. Trong 4 năm từ nay đến 2015 thì bình quân mỗi năm cổ phần hóa khoảng 150 doanh nghiệp. Nếu không giải quyết tốt các cơ chế về đất đai, kiểm toán, thống kê, kiểm kê, xử lý tài chính, giải quyết lao động dôi dư …thì khó đẩy nhanh tốc độ.
Trong 573 doanh nghiệp cần cổ phần hóa thì các địa phương không nhiều, chỉ tập trung là các doanh nghiệp của 6 bộ và 2 địa phương, gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và hai thành phố là TPHCM và Hà Nội. 6 bộ và 2 địa phương này là những “hòn đá tảng” trong sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, nếu các bộ, địa phương này chỉ đạo không tốt thì mục tiêu cổ phần hóa trong thời gian tới sẽ rất khó khăn.
Ví dụ như ngay ở TPHCM còn đến 91 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Theo dự kiến từ nay đến năm 2015 sẽ giữ lại 22 doanh nghiệp, cổ phần hóa 69 doanh nghiệp, và để cổ phần hóa hết số doanh nghiệp này không phải đơn giản, phải thật quyết tâm. Nhìn chung việc cổ phần hóa DNNN tại TPHCM khá chậm, có những doanh nghiệp 13 năm chưa xong thủ tục phá sản hoặc chưa xong thủ tục giải thể.
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động, sức đóng góp cho nền kinh tế của khối DNNN trong thời gian qua?
- Đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN phải đánh giá toàn diện, cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Đối với doanh nghiệp kinh doanh thì phải đánh giá tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu làm tiêu chuẩn chủ yếu, còn đối với công ích thì lấy việc thực hiện chính sách xã hội.
Nếu phân tích sâu hơn, trong tổng số 1.309 DNNN chưa cổ phần hóa còn lại đến 2012, có đến 249 nông lâm trường, 149 doanh nghiệp an ninh quốc phòng, 63 công ty xổ số kiến thiết, 100 công ty môi trường đô thị, cấp thoát nước, 30 công ty thủy nông, 51 công ty duy tu bảo dưỡng an toàn đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy …
Những công ty có tính chất công ích này có vốn rất lớn, không chỉ kinh doanh thuần túy mà còn thực hiện chính sách xã hội, có thể các doanh nghiệp nhóm này ít có lời, thậm chí bị lỗ.
Tôi không khẳng định DNNN hoạt động hiệu quả hơn các khối doanh nghiệp khác, nhưng khi đánh giá, tôi muốn tách bạch ra như vậy mới công bằng hơn. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đến năm 2015 sẽ dần giảm đi, chỉ còn 692 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động lĩnh vực công ích.
Văn Nam
tbktsg
|