Thông tư 226: Hợp lý nhưng chưa quyết liệt
Theo Thông tư 226/2010/TT-BTC (TT 226), quy định chỉ tiêu an toàn tài chính (ATTC) và các biện pháp xử lý đối với CTCK không đáp ứng chỉ tiêu này có đề ra một số phương án để khắc phục tình trạng kiểm soát đặc biệt như: bán tài sản có rủi ro cao, cắt giảm chi phí, thu hẹp hoạt động…
Nhưng thực tế, với những CTCK đã rơi vào dạng kiểm soát đặc biệt hiện nay, các phương án TT 226 nêu ra gần như không có tính khả thi.
TT 226 có hiệu lực vào ngày 1-4-2011, nhưng các quy định về kiểm soát, kiểm soát đặc biệt mới bắt đầu “siết” vào ngày 1-4-2012. Có thể tạm hiểu rằng, TT 226 đã cho các CTCK “có vấn đề” trước 1 năm để giải quyết trước khi siết vào khuôn khổ.
Theo lẽ thường, sẽ không có một CTCK nào đợi đến ngày 1-4 năm nay mới đi tìm phương án khắc phục, vừa bị động lại vừa bị các cơ quan quản lý công bố danh tính, xấu mặt, mà đã tìm cách khắc phục từ khi TT 226 xuất hiện. Và như vậy, có thể hiểu được rằng 7 CTCK nằm trong danh sách kiểm soát đặc biệt UBCKNN công bố mới đây đã không thể xoay trở được gì trong hơn 1 năm qua.
Theo Khoản 4 Điều 14 của TT 226, thời hạn kiểm soát đặc biệt tối đa 6 tháng, nếu CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ thì bị đình chỉ hoạt động.
Trong 6 tháng, trước quyết định này liệu CTCK bị kiểm soát đặc biệt có thể làm những gì để cứu số phận của mình? Bán các tài sản có độ rủi ro cao? Có lẽ các CTCK này cũng chẳng còn tài sản gì đáng giá để bán, mà nếu có để bán cũng đã thực hiện từ trước.
Tương tự như vậy là các việc như thu hồi nợ, cắt giảm chi phí, thu hẹp phạm vi hoạt động cũng là những việc khi tổ chức mới bắt đầu gặp khó khăn đều phải chọn lựa chứ chưa cần TT 226 phải “nhắc”. Các giải pháp khác như tăng vốn điều lệ, hợp nhất, sáp nhập với các CTCK cũng gần như không khả thi vì chẳng ai muốn bỏ vốn hoặc “dây” vào những CTCK “sắp chết”.
Thẳng thắn mà nói, có đến 99% các CTCK nằm trong diện kiểm soát đặc biệt không thể tự cứu mình được nữa. Như vậy cần phải khẳng định rằng, những phương án khắc phục trong TT 226 là sát sườn và hợp lý, nhưng lại không hợp thời điểm.
Các phương án này chỉ có tác dụng trong trường hợp CTCK mới “chớm” có những dấu hiệu xấu trong hoạt động, khi đó vẫn còn tài sản, uy tín, thương hiệu để có thể triển khai các biện pháp khắc phục. Muốn điều này có thể thực thi một cách hiệu quả, các chế độ giám sát phải thực sự chặt chẽ để từ đó nhanh chóng phát ra những tín hiệu cảnh báo cho CTCK.
Nhưng nhìn vào danh sách chỉ có 6 và mới đây có thêm 1 CTCK rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, nhiều người sẽ hồ nghi về khả năng có thể kiểm soát chặt các CTCK của UBCKNN.
Trở lại với Khoản 4 Điều 14 của TT 226, ngoài chuyện không thể khắc phục tình trạng kiểm soát đặc biệt còn “thòng” thêm việc có lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ thì bị đình chỉ hoạt động. Câu hỏi đặt ra ở đây là tỷ lệ lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ có vai trò như thế nào trong chỉ tiêu ATTC của CTCK?
Tại sao đã có tỷ lệ vốn khả dụng giờ lại có thêm tỷ lệ lỗ gộp. Liệu có xảy ra trường hợp CTCK dù không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt nhưng lỗ gộp lại không vượt quá 50% vốn điều lệ hay không? Và lúc đó, các cơ quan quản lý có thể đình chỉ hoạt động của CTCK chưa?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, hoặc TT 226 đã chưa lường trước được những kịch bản có thể xảy ra trong thực tế, hoặc đã bỏ sót những "chiêu trò" các CTCK có thể sử dụng để tiếp tục câu giờ nhằm cứu sống hoạt động của mình. Một thí dụ đơn giản: Theo quy định thời hạn kiểm soát tối đa là 1 năm, trong trường hợp xét thấy cần thiết, theo đề nghị của CTCK UBCKNN kéo dài thời hạn kiểm soát nhưng không quá 6 tháng.
Vậy nếu qua 6 tháng "ân hạn", CTCK vẫn không thoát khỏi tình trạng kiểm soát, UBCKNN sẽ xử lý như thế nào? Điều này không thấy ghi rõ. Hay như thời hạn kiểm soát đặc biệt tối đa 6 tháng, giả sử CTCK vượt qua được và thăng hạng thành "kiểm soát", một thời gian sau đó lại bị hạ xuống thành kiểm soát đặc biệt trở lại.
Nếu kịch bản này xảy ra, rõ ràng những quy định về kiểm soát, hay kiểm soát đặc biệt của UBCKNN sẽ mất đi tính nghiêm khắc vốn có, mà cho đến giờ vẫn chưa thấy một giải pháp cụ thể.
Trương Công Mạnh
sài gòn đầu tư tài chính
|