Những bất ổn khiến thị trường chứng khoán “chết dần”
Mặc dù thị trường chứng khoán luôn được nhiều người quan tâm bởi có mức lợi nhuận cao, nhưng những bất ổn đến vô lý trong thời gian gần đây đang khiến kênh đầu tư này “chết dần”.
Thị trường chứng khoán những năm mới hình thành đã rất hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư cũng như các công ty có nhu cầu huy động vốn. Tuy nhiên, giờ đây kênh đầu tư và huy động vốn quan trọng của nền kinh tế này đang bị "ghẻ lạnh".
Lý giải về sự thay đổi này, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng hiện nay thị trường chứng khoán đang bị đánh “mất mình” bởi quá nhiều những nghịch lý như chất lượng hàng hoá không tốt, cổ phiếu “chết” ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường…
Cổ phiếu chủ chốt bị nhà đầu tư “tẩy chay”
Theo dõi thị trường chứng khoán thời gian vừa qua có thể thấy được sự thay đổi chóng mặt của chỉ số, trong đó mấu chốt của vấn đề lại là sự chao đảo của những mã lớn đóng vai trò quan trọng trên sàn. Hiện nay trên cả hai sàn TP.HCM và Hà Nội nhóm cổ phiếu này đã giảm giá khá mạnh.
Từng được xem là một trong những cổ phiếu chủ chốt đóng vai trò quyết định xu hướng trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt (hiện niêm yết trên sàn TP.HCM) đã được nhiều nhà đầu tư lựa chọn suốt thời gian dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây xu hướng này bất ngờ bị đảo chiều.
Chỉ trong vòng 10 phiên trở lại đây, cổ phiếu BVH đã liên tục bị kéo tụt thê thảm, đặc biệt trong nhiều phiên cổ phiếu này liên tục giảm sàn. Nếu tính từ ngày 7/5 đến ngày 18/5, cổ phiếu này để mất đến 18.000 đồng (tương đương 25%).
Một cổ phiếu cũng được khá nhiều người quan tâm và đang nằm trong danh sách trụ cột trên sàn TP.HCM, cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Ma San đã tụt giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Theo thống kê, chỉ trong 10 ngày vừa qua, cổ phiếu MSN đã giảm hơn 10% về giá trị. Cùng với đó, khối lượng giao dịch thời gian qua cũng giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà, gom vào khi giá rẻ như trước kia.
Ngoài hai cổ phiếu trên, thị trường chứng khoán cũng xuất hiện khá nhiều cổ phiếu “đình đám” bị lao dốc về giá trị cũng như thanh khoản như cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sacom (SAM)…
Ngày càng nhiều cổ phiếu "chết" trên sàn
Một sự thực có lẽ chỉ xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam và khiến không ít người ngỡ ngàng đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều cổ phiếu giá một, hai nghìn đồng.
Điểm qua thị trường có thể thấy, hiện tại trên sàn chứng khoán Việt xuất hiện nhiều cổ phiếu có giá rẻ bất ngờ. Điển hình như cổ phiếu CAD của Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Cadovimex hiện có mức giá chỉ 600 đồng; Công ty cổ phần Nhựa Tân Hoá (VKP) giá 800 đồng…
Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Cadovimex là công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trải qua nhiều năm khó khăn CAD đã phải hứng chịu thua lỗ liên tục. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2009 công ty đã lỗ 3,04 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 32,37 tỷ đồng và năm 2011 lỗ tới 324,78 tỷ đồng.
Với mức thua lỗ này, vừa qua Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có Thông báo số 467về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu CAD, kể từ ngày 4/6/2012.
Trong khi đó, đối với cổ phiếu VKP của Công ty cổ phần Nhựa Tân Hoá cũng ở mức giá khá thấp. Đây được xem là cổ phiếu đi tiên phong về mức giá dưới 1 nghìn đồng.
Về thực tại, Công ty cổ phần Nhựa Tân Hoá cũng có một thời gian dài hoạt động kém hiệu quả và dẫn đến tình trạng thua lỗ nặng.
Hàng loạt cổ phiếu bị cảnh báo
Hiện nay, có lẽ thị trường chứng khoán là kênh đầu tư tốn nhiều giấy mực nhất, bởi số lượng văn bản và quyết định đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo đã không ngừng được Sở giao dịch chứng khoán đưa ra.
Việc Sở giao dịch chứng khoán liên tục đưa ra quyết định cảnh báo cổ phiếu niêm yết có rất nhiều nguyên nhân như thua lỗ kéo dài, vi phạm công bố thông tin theo quy định của Bộ Tài chính…
Điểm đáng chú ý trong danh sách các cổ phiếu bị Sở giao dịch chứng khoán cảnh báo lại xuất hiện nhiều nhân vật “đình đám” trên thương trường.
Điển hình như: Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Mã chứng khoán: SGT), Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác Công trình giao thông 584 (NTB)…. vừa qua đã bị Sở giao dịch chứng khoán cho vào danh sách cảnh báo, với lý do thua lỗ nặng trong năm 2011.
Yến Nhi
vnmedia
|