Thứ Hai, 21/05/2012 09:14

Dấu hỏi vai trò người đại diện vốn Nhà nước

SCIC đang tăng sự ảnh hưởng của mình tại nhiều DN niêm yết, nhưng thực tế tại một số DN đang nổi lên một số vấn đề giữa người đại diện của SCIC và các cổ đông khác.

Một điểm nhấn trong mùa ĐHCĐ năm nay là việc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gia tăng sự ảnh hưởng tại nhiều DN niêm yết qua việc cử thêm đại diện chuyên trách vào HĐQT và Ban kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế tại một số DN đang nổi lên một số vấn đề gây bức xúc, nếu không giải quyết hoặc không tháo gỡ kịp thời cỏ thể làm giảm hiệu quả hoạt động của DN.

Từ trường hợp Minco…

Liên quan đến diễn biến ĐHCĐ lần 2 của CTCP Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam- Minco (MIC) tổ chức ngày 3/6 tới, với tư cách của cổ đông sở hữu trên 1% cổ phần, cổ đông Đoàn Quốc Quân (sở hữu 3,5% vốn) vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi tới HĐQT và BKS Công ty yêu cầu HĐQT và BKS cần xem xét trách nhiệm của Ban giám đốc, trong đó cụ thể là cựu Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Lư trong việc điều hành Công ty trước khi bị miễm nhiệm vào cuối tháng 2 vừa qua.

Theo cổ đông này, tình hình tài chính và quản trị dưới thời Tổng giám đốc cũ có một số vấn đề nổi cộm.

Thứ nhất, theo báo cáo tài chính (BCTC) soát xét 6 tháng đầu năm 2011, Minco lãi 1,94 tỷ đồng. Quý III và quý IV/2011, Công ty chỉ lỗ 0,870 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng, nhưng bất ngờ BCTC kiểm toán năm 2011 ghi nhận Minco lỗ hơn 15 tỷ đồng.

Thứ hai, cổ đông này thắc mắc về dự án đầu tư khai thác vàng sa khoáng ở Lào. Giải trình về nguyên nhân gây thua lỗ trong năm 2011, trong văn bản gửi tới Sở GDCK Hà Nội, Công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế năm 2011 phát sinh âm do riêng dự án này lỗ 10 tỷ đồng, chiếm tới 60% tổng số thua lỗ cả năm.

Cổ đông trên đề nghị cần làm rõ về việc có hay không có sai sót trong việc khảo sát, quản lý tài chính dẫn đến thua lỗ và xác định trách nhiệm của Ban điều hành dự án, cũng như cá nhân cựu Tổng giám đốc điều hành trong thời kỳ này.

Ông Nguyễn Xuân Lư không còn làm Tổng giám đốc Minco, nhưng hiện là thành viên HĐQT Minco, đồng thời là một trong hai người đại diện 26,56% cổ phần của SCIC tại DN.

Cuộc đối đầu giữa đại diện SCIC và nhóm cổ đông lớn đang nắm quyền điều hành cao nhất tại Minco khá căng thẳng

Đầu tháng 5 vừa qua, SCIC có văn bản cử ông Nguyễn Xuân Lư là người đại diện phần vốn duy nhất của SCIC tham gia ý kiến và biểu quyết tại đại hội. Đáng chú ý là trước thềm ĐHCĐ lần 2, với vai trò cổ đông lớn, người đại diện SCIC đề nghị bổ sung chương trình làm việc nội dung tổ chức bầu lại HĐQT và BKS đương nhiệm, mặc dù các thành phần này mới được bầu trong năm 2011 và nhiệm kỳ còn khá dài.

Dự kiến, ĐHCĐ của Minco tổ chức vào ngày 3/6 tới sẽ rất căng thẳng do sự găng nhau của các bên. Các NĐT tài chính tại Minco cương quyết đòi xem xét lại trách nhiệm của nguyên Tổng giám đốc trong việc thua lỗ của Công ty, sai sót về tài chính. Ở phía đối lập, người đại diện cho SCIC yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm và bầu lại HĐQT và Ban kiểm soát đương trách nhiệm với cổ đông.

Được biết, HĐQT Minco hiện có 7 người, trong đó có 2 đại diện của SCIC và 1 thành viên HĐQT độc lập, số còn lại là đại diện của một nhóm các cổ đông lớn là NĐT tài chính mới tham gia đầu tư vào Minco từ vài năm nay. Chủ tịch HĐQT Minco là người trong nhóm nhà đầu tư tài chính. Chưa rõ câu chuyện sẽ đi đến đâu, nhưng cuộc đối đầu giữa đại diện SCIC và nhóm cổ đông lớn nắm quyền điều hành cao nhất tại DN, đang khá căng thẳng, nếu không thể thỏa hiệp, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả Công ty.

Dấu hỏi vai trò của người đại diện vốn

Sự ra đời của SCIC trước thềm Việt Nam hội nhập WTO chỉ vài tháng, với kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ chế bộ chủ quản/địa phương theo phương thức quản lý hành chính sang quản lý đầu tư và kinh doanh vốn, hướng tới mục tiêu tập trung vốn Nhà nước vào một cơ quan chuyên môn có khả năng và xử lý hiệu quả quản trị DN. Hai trong 4 mục tiêu hoạt động của SCIC là trở thành cổ đông năng động của DN và giúp DN được quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Thực tế ra sao?

Theo công bố từ SCIC, nếu như năm 2006, doanh thu và lợi nhuận của SCIC mới đạt lần lượt 144 tỷ đồng và 119 tỷ đồng thì cuối năm 2011, đã tăng lên lần lượt 3.773 tỷ đồng và 3.262 tỷ đồng. Tổng số vốn Nhà nước do SCIC quản lý ở hơn 500 DN tăng tương ứng từ 3.546 tỷ đồng lên 24.593 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong khối DN niêm yết, mùa đại hội năm nay đã nảy sinh một số vấn đề liên quan đến vai trò của người đại diện vốn Nhà nước.

Thứ nhất, dấu hỏi về sự toàn tâm và vai trò công tư, trách nhiệm cá nhân của người đại diện vốn như trường hợp tại Minco nếu phản ánh của nhóm cổ đông bên ngoài là có lý. Hiện nay, cơ chế tiếp nhận thông tin và xử lý phát sinh trong quá trình vận hành DN của SCIC theo kiểu “một cửa”, khiến các tranh chấp tại DN có thể không được tháo gỡ, xử lý đúng đắn và kịp thời.

Thứ hai, vai trò trung gian của người đại diện khi lãnh đạo cấp cao ở xa, khiến các chỉ đạo của SCIC không được sâu sát kịp thời, nhiều khi trở thành lực cản ảnh hưởng tới sự phát triển của DN. Đơn cử, tại ĐHCĐ năm 2011 của Sotran, người đại diện vốn của SCIC không thông qua kế hoạch kinh doanh.

Tại đại hội 2012, người đại diện vốn bất ngờ công bố kế hoạch kinh doanh mới theo chỉ đạo từ xa trước đó vỏn vẹn 1 ngày. Kế hoạch này gây bất ngờ với cả Ban điều hành đại hội, nhưng vẫn miễn cưỡng được thông qua để không lặp lại vết xe đổ năm trước.

Thứ ba, vai trò tham mưu, khả năng hòa nhập, “chung sống” giữa người đại diện vốn của SCIC (không tham gia điều hành) với Ban lãnh đạo DN, các cổ đông lớn khác cũng là vấn đề phức tạp. Tại ĐHCĐ của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đề xuất của đại diện vốn Nhà nước về cổ tức và phân phối lợi nhuận bị nhiều cổ đông phản ứng, không được chấp thuận.

Giang Thanh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   HNX: Hàng loạt cổ phiếu tiếp tục vào diện cảnh báo (21/05/2012)

>   Đại hội cổ đông vướng “hàm cá mập” (21/05/2012)

>   Vì đâu chứng khoán liên tiếp giảm mạnh? (20/05/2012)

>   Bản tin đầu tuần: Chờ giảm giá xăng dầu (21/05/2012)

>   Show hàng! (20/05/2012)

>   Bi kịch đầu cơ cổ phiếu “nóng”: Coi chừng “khóc” trên đống lãi (18/05/2012)

>   Chứng khoán đầu 2012: Nghịch lý đám đông (18/05/2012)

>   Cổ phiếu bất động sản dồn dập sóng (18/05/2012)

>   TTCK Việt Nam sẽ có một khoảng trống lớn? (18/05/2012)

>   “Vua” đang trở lại ngai (17/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật