Thứ Hai, 21/05/2012 08:43

Đại hội cổ đông vướng “hàm cá mập”

Trong khi cổ đông nhỏ luôn được xem là không có tiếng nói thì cổ đông lớn lại thường xuyên làm đau đầu nhà điều hành bởi sự lộng quyền của họ. Bên cạnh đó, mùa Đại hội năm nay chứng kiến làn sóng tham gia quản trị doanh nghiệp mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính.

* Tiếng nói cổ đông nhỏ: Kêu trời cũng chẳng thấu

Cổ đông lớn “làm loạn”

Trong năm 2011 vừa qua, khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, nhà đầu tư nhỏ đã tranh nhau bán cổ phiếu cắt lỗ, còn nhiều tổ chức lớn lại tranh thủ thu gom cổ phiếu tốt với giá rẻ. Cũng theo đó, kỳ đại hội năm nay ghi nhận tỷ lệ nắm giữ của cổ đông lớn tăng lên đáng kể, nhiều Đại hội có số lượng cổ đông tham dự tuy không nhiều nhưng đa số doanh nghiệp vẫn vượt mức tỷ lệ 65% để tổ chức đại hội lần đầu theo quy định.

Bớt nỗi lo này nhưng lại vướng vào nỗi lo khác, nhiều doanh nghiệp trở nên điêu đứng trước những đề nghị do cổ đông lớn đưa ra. Thậm chí các nội dung trình Đại hội còn bị bác bỏ hoàn toàn cũng vì cổ đông lớn.

Có thể thấy tại một số Đại hội, cổ đông lớn tuy nắm giữ lượng lớn cổ phần nhưng những hành động lại không hướng đến sự phát triển chung cho doanh nghiệp. Đại diện của cổ đông lớn có mặt như “bù nhìn”, họ không bỏ phiếu thuận, cũng chẳng bỏ phiếu chống với tất cả tờ trình do phải chờ ý kiến từ cổ đông lớn, trong khi đó những nội dung này đã được gửi về cho cổ đông trước đó. Đại hội không thể diễn ra suôn sẻ dù tỷ lệ tham dự vẫn cao, các kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp chưa thể triển khai vì chờ đợi…cổ đông lớn.

Hay dễ thấy nhất là tại ĐHCĐ của Vicostone (VCS), khi yêu cầu tham gia HĐQT của Red River Holding không được đáp ứng, đơn vị này đã gây “náo loạn” Đại hội khi đồng loạt phủ quyết mọi tờ trình của HĐQT. Điều này buộc HĐQT phải triệu một cuộc họp bất thường khác vào tháng 6 tới để thông qua kế hoạch hoạt động cho năm 2012. Trong một công văn gửi Sở GDCK Hà Nội, HĐQT của VCS cho rằng việc làm trên của cổ đông lớn gây tổn hại đến quyền và lợi ích của công ty cũng như các đông khác.

Liên tiếp tại hai cuộc họp ĐHCĐ của Sotran (STG) và Bao bì Mỹ Châu (HOSE: MCP) chỉ cách nhau vài ngày, đại diện Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng phủ quyết một số vấn đề quan trọng mà HĐQT trình. Cụ thể, SCIC không đồng ý thông qua chiến lược phát triển của STG giai đoạn 2012 - 2016 và bác cả hai phương án tăng vốn mà HĐQT đề xuất. Tương tự, với tỷ lệ nắm giữ 38% vốn cổ phần, SCIC cũng không đồng ý với tờ trình của HĐQT MCP về việc phát hành hơn 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 10:3 và giá phát hành 10,000 đồng/cp với lý do nhu cầu đầu tư của công ty hiện giờ thấp hơn nguồn vốn tự có, nên việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chưa thực sự cần thiết.

Cổ đông nhà nước này cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề nghị ủy quyền cho HĐQT MCP giải quyết một số vấn đề thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ nhằm chủ động và kịp thời khi có phát sinh giữa hai kỳ đại hội do yêu cầu này vượt quá điều lệ mà Ủy ban chứng khoán nhà nước đặt ra. Nhiều cổ đông nhỏ tuy đồng tình với việc tăng vốn của MCP, nhưng không thể làm gì được bởi tỷ lệ sở hữu của SCIC quá lớn. 

Tại một đại hội khác của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Vật tư (CNT), trong khi các cổ đông nhỏ bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà công ty đã gặp phải trong năm 2011, thì hai cổ đông lớn nhất của CNT là Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1, cổ đông nhà nước nắm 34.45% vốn) và Quỹ SAM (nắm 24.87% vốn) đã thay nhau chỉ trích nặng nề cách quản trị và điều hành của HĐQT và Ban Tổng giám đốc. Họ cho rằng cách điều hành của CNT kém hiệu quả, cũng như cách bố trí nhân sự quá cồng kềnh và thiếu hợp lý của CNT. HĐQT, Ban điều hành và cả những cổ đông bên dưới đều “rát mặt” bởi những lời lẽ trên.

Chỉ duy nhất tại Đại hội của Bibica (BBC), nhờ sự “sát cánh” của những cổ đông nhỏ và ban lãnh đạo người Việt, cổ đông lớn Lotte (nắm giữ 38% vốn) buộc phải rút lại những đề nghị bất hợp lý với ý đồ “thâu tóm” hoạt động của BBC như đổi tên công ty thành Lotte-Bibica, tăng thêm số lượng thành viên HĐQT người Hàn. Tuy kế hoạch này không thể diễn ra tại Đại hội 2012, nhưng cổ đông lớn hẹn đến thời điểm thích hợp sẽ thực hiện.

Làn sóng tham gia quản trị

Ngoài ra, với tỷ lệ sở hữu tăng đáng kể so với các năm trước, nhiều cổ đông lớn, đặc biệt là các quỹ đầu tư đã đưa người tham gia quản trị công ty, góp phần hình thành nên một làn sóng đầu tư thực chất hơn của các tổ chức lớn.

CTCK Sài Gòn (SSI) cùng công ty quản lý quỹ SSI đã lần lượt đưa người tham gia HĐQT và BKS của một loạt công ty niêm yết như LAF, PAN, HVG, NSC, APC, GIL… Cá biệt, tại ĐHCĐ của Lafooco (LAF), SSI đã bất ngờ giới thiệu bốn nhân vật để cổ đông bầu vào HĐQT, BKS và tất cả đều trúng cử. Ba thành viên HĐQT mới là ông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Lê Thị Lệ Hằng và ông Nguyễn Thanh Tùng. Nhân vật trúng cử BKS là ông Nguyễn Duy Hưng, Kế toán trưởng của CTCK SSI.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của SSI tiết lộ mục tiêu của công ty trong năm 2012 là đầu tư và tham gia HĐQT của từ 13 – 15 công ty liên kết. Đối tượng ngắm tới của SSI là các DN ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước, các quỹ ngoại cũng là thành phần tích cực trong hoạt động này. Cụ thể, Red River Holding, quỹ đầu tư của Pháp đã giành ghế thành công tại ĐHCĐ của FPT, Everpia Việt Nam (EVE), và mới đây là Hodeco (HDC). VinaCapital tham gia khá mạnh vào HĐQT của các doanh nghiệp niêm yết trong đó có Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Quốc Cường Gia Lai (QCG). Gần đây nhất ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF), một trong số 5 quỹ thành viên thuộc Tập đoàn VinaCapital quản lý, chính thức giữ chức Chủ tịch HĐQT Nhà Khang Điền (KDH) nhiệm kỳ 2012-2017, thay ông Lý Điền Sơn (hiện giữ chức Tổng giám đốc).

Bên cạnh đó là việc Frontaura Global Frontier Fund có chân trong HĐQT mới của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP); Orchid Fund, quỹ đầu tư của Oman giữ một ghế đại diện trong HĐQT mới của FPT và CTCP PVI.

Viết Vinh (Vietstock)

FINFONET

Các tin tức khác

>   Vì đâu chứng khoán liên tiếp giảm mạnh? (20/05/2012)

>   Bản tin đầu tuần: Chờ giảm giá xăng dầu (21/05/2012)

>   Show hàng! (20/05/2012)

>   Bi kịch đầu cơ cổ phiếu “nóng”: Coi chừng “khóc” trên đống lãi (18/05/2012)

>   Chứng khoán đầu 2012: Nghịch lý đám đông (18/05/2012)

>   Cổ phiếu bất động sản dồn dập sóng (18/05/2012)

>   TTCK Việt Nam sẽ có một khoảng trống lớn? (18/05/2012)

>   “Vua” đang trở lại ngai (17/05/2012)

>   18/05: Bản tin 20 giờ qua (18/05/2012)

>   Vốn vào chứng khoán có nguy cơ bị siết chặt (17/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật