Thứ Tư, 23/05/2012 09:58

Nghị định 84 chỉ là bức bình phong

Kinh doanh xăng dầu có tới hai bộ trực tiếp quản lý, giám sát. Đồng thời còn có Nghị định 84 được ban hành đã ba năm nay nhằm tạo ra một cơ chế kinh doanh xăng dầu tự chủ và minh bạch hơn. Thực tế thì sao? Cách thức kinh doanh của doanh nghiệp và cơ chế điều hành giá của Nhà nước vẫn vô cùng rối rắm.

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới (được nhập khẩu về Việt Nam) liên tục giảm. Theo công bố của Bộ Tài chính, mức giảm giá cao nhất trong vòng 30 ngày (từ 9-4 đến 8-5) lên đến 4,69%, nếu tính trong 20 ngày (từ 20-4 đến 8-5) con số này là 5,18%. Song, theo tính toán của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối, dựa trên chính công thức tính giá cơ sở được quy định ở Nghị định 84, mức chênh lệch cao nhất giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hôm 8-5 lên đến 10,59% (23.800 đồng so với 21.520 đồng).

Tất nhiên vì lợi ích kinh doanh, doanh nghiệp không dại gì công bố. Kể từ khi Nghị định 84 ra đời đến nay, chưa bao giờ họ đưa ra đề nghị giảm giá khi giá thế giới giảm.

Mỗi khi đề cập đến giá và cơ chế kinh doanh xăng dầu, cả Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối đều viện dẫn Nghị định 84 để giải thích, nhưng trên thực tế, Nghị định 84 chỉ là bức bình phong, che khuất các quyết định hành chính mà các bộ áp đặt cho nó.

Điều khoản duy nhất ở Nghị định 84 có phát huy tác dụng chính là công thức tính giá cơ sở. Nó được công khai để người dân có thể theo dõi, so sánh độ chênh lệch giữa giá thế giới với giá bán lẻ. Do vậy họ có thể phần nào biết được doanh nghiệp đang lời hay lỗ.

Còn các vấn đề khác thì giữa quy định của Nghị định 84 và việc hành xử thực tế của cơ quan quản lý, của doanh nghiệp thường khác xa nhau. Điều này khiến cho thị trường đã rối lại càng thêm rối.

Lấy ví dụ như chu kỳ điều chỉnh giá theo Nghị định 84 tối thiểu là 10 ngày dự trữ lưu thông. Song, Thông tư số 234/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn nghị định này (cũng như các phát biểu của lãnh đạo Bộ Công Thương) đều lấy cơ sở điều chỉnh giá là 30 ngày (gấp ba lần quy định). Câu hỏi đặt ra: Vậy đâu là căn cứ để Bộ Tài chính quyết định giảm giá 500 đồng/lít xăng sau khi mới tăng giá lên 900 đồng/lít chỉ 19 ngày trước đó? Nếu không phải là chu kỳ điều chỉnh giá như Nghị định 84, thì là gì?

Trước đó, trong vòng 40 ngày, từ 10-3 đến 20-4, xăng đã có hai lần tăng giá, với mức tăng tổng cộng 3.000 đồng/lít (loại A92). Như vậy, chu kỳ điều chỉnh giá là 30 ngày cũng không đúng trong trường hợp này. Vì vậy cuối cùng chỉ có người dân bị thiệt.

Chưa hết, Nghị định 84 và Thông tư 234 quy định chi phí kinh doanh định mức, hay còn gọi là hoa hồng cho đại lý, tối đa là 600 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Tất cả đều được tính vào giá cơ sở. Quy định này rõ ràng thiếu thực tế vì quy mô và cách thức quản trị ở mỗi doanh nghiệp khác nhau. Nhà nước cũng chẳng chế tài được gì. Thậm chí, quy định này còn làm méo mó bức tranh tài chính ở các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vì chắc chắn có sự khác nhau giữa số liệu trong báo cáo tài chính và trong sổ sách thực tế tại doanh nghiệp.

Kết quả kiểm tra tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối của Bộ Tài chính tháng 9-2011 cho thấy các doanh nghiệp báo lỗ như Saigon Petro, Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp... thực tế lại đang lãi hàng chục tỉ đồng. Việc các doanh nghiệp tính chi phí kinh doanh thực tế cao hơn định mức nhằm báo lỗ hoặc “gửi giá” ở công ty con còn làm méo mó việc xác định lợi nhuận định mức của từng doanh nghiệp. Thực trạng này cho thấy Nghị định 84 đã bị vô hiệu hóa như thế nào.

Bộ Công Thương, trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng có cho rằng, do Nghị định 84 chưa được vận hành đầy đủ nên việc rà soát, đánh giá toàn diện là khó. Nói chính xác hơn, cơ chế quy định một đằng, điều hành lại đi một nẻo, vì vậy mà bộ không thể đánh giá chính xác tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, khó minh bạch, công khai với người tiêu dùng. Cũng vì lẽ đó mà người tiêu dùng không tin vào những con số báo lỗ lũy kế hàng ngàn tỉ đồng ở các doanh nghiệp được Bộ Công Thương công bố.

Tóm lại, bất cập lớn nhất cần phải giải quyết trên thị trường xăng dầu là xác định nguyên tắc điều hành giá xăng dầu theo xu hướng nào. Nếu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước thì cách thức điều tiết của Nhà nước ra sao? Không thể tuyên bố theo cách này nhưng lại điều hành theo cách khác như đã phân tích ở trên. Hoặc không thể điều chỉnh giá bán lẻ trên thị trường chậm hơn biến động của giá thế giới làm méo mó thị trường như thời gian qua.

Ngoài ra, nếu Nghị định 84 không còn phù hợp với thực tế (do một số chi phí cấu thành giá cơ sở đã thay đổi như chi phí tiền lương, tài chính, nguyên vật liệu...) thì nó cần được sửa đổi, bổ sung. Và khi các chi phí đã được tính đúng, tính đủ thì không có lý gì cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp không tuân thủ quy định.

Ngọc Lan

tbktsg

Các tin tức khác

>   Lo thiếu hợp đồng dệt may, da giày (23/05/2012)

>   Hỗ trợ điện cho miền Nam (23/05/2012)

>   Sẽ cấm nhập hàng dệt may, điện tử đã qua sử dụng (23/05/2012)

>   Chặt điều trồng cao su (23/05/2012)

>   Tôm xuất khẩu vào Nhật lại rắc rối với chất cấm (22/05/2012)

>   Giao dịch nông sản: Thể chế chưa khuyến khích hợp đồng (22/05/2012)

>   "Muốn khắc phục Vinashin, Vinalines phải nhìn thẳng vào sự thật" (22/05/2012)

>   Rà soát, sửa đổi quy định về mua bán hàng hóa quốc tế (22/05/2012)

>   Sắp ban hành Nghị định quản lý tài chính doanh nghiệp vốn Nhà nước (22/05/2012)

>   Bộ Tài chính bác đơn xin miễn phạt của Vinashin (22/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật