Rà soát, sửa đổi quy định về mua bán hàng hóa quốc tế
Việc xây dựng, sửa đổi những quy định liên quan tới hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài đang được các cơ quan chức năng gấp rút hoàn thiện.
Theo kế hoạch, ngày mai (23/5), tại Tp.Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên EU – Việt Nam MUTRAP III tổ chức Hội thảo về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Trước đó, một Hội thảo có nội dung tương tự cũng đã được tổ chức tại Hà Nội nhằm lấy ý kiến tham gia trực tiếp của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng đối với dự thảo Nghị định.
Theo Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, sau khi Luật Thương mại năm 2005 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Đây là văn bản quan trọng điều chỉnh lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế và xác lập cơ chế quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nghị định đã quy định những vấn đề cơ bản như: Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân, quy định chung về thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu; các danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành và nguyên tắc quản lý; quy định cơ chế quản lý đối với một số mặt hàng đặc thù như gạo, xăng dầu, ô tô đã qua sử dụng, thuốc lá điếu, xì gà, gỗ, hàng hóa phục vụ an ninh quốc phòng.v.v.
Nghị định số 12/2006/NĐ-CP được ban hành đến nay đã hơn 6 năm và đã có những đóng góp quan trọng, cụ thể là: Được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị trở thành thành viên WTO, việc ban hành các quy định phải phù hợp với quy định của tổ chức này và nhiều cam kết quốc tế song phương, đa phương khác, với quan điểm lập quy đúng đắn, khoa học và thực tiễn, Nghị định được soạn thảo theo hướng xác lập các quy định có tầm bao quát để điều chỉnh những quan hệ xã hội vốn rất phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng, khó định lượng và nhiều biến động trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế. Nhờ vậy, các quy định của Nghị định nhìn chung có tính ổn định cao và phát huy tốt tác dụng điều chỉnh trong thực tiễn. Những vấn đề về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, môi trường, các biện pháp mang tính kỹ thuật để bảo đảm cán cân thương mại, kiểm soát nhập siêu, bảo vệ sản xuất trong nước.v.v.đã bước đầu xác lập. Bên cạnh đó, hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định hoặc có liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên các lĩnh vực khác nhau đã được ban hành, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, kể từ năm 2006 đến nay, đã có khá nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định được ban hành, trong đó có các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa như: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006; Luật Hóa chất, Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa (năm 2007); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008; Luật Viễn thông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2009); Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bưu chính (năm 2010), Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011.v.v. Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị định riêng quy định cơ chế quản lý một số mặt hàng đặc thù như Nghị định số 191/2007/NĐ-CP ngày 31/12/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003 quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón, Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 về sản xuất và kinh doanh rượu, Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.v.v.
Quá trình thực thi Nghị định hơn 6 năm qua cho thấy, bên cạnh những đóng góp quan trọng nêu trên, trước yêu cầu hội nhập, trách nhiệm thực thi các cam kết quốc tế, sự thay đổi của hệ thống pháp luật trong nước và cơ chế quản lý xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng đã làm cho một số quy định của Nghị định trở nên không còn phù hợp và đã phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được giải quyết, cụ thể là:
Thứ nhất, để thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm quản lý được giao, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn riêng về xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi quản lý. Việc ban hành ngày càng nhiều các văn bản pháp luật chuyên ngành như trên một mặt đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhưng mặt khác làm cho cơ chế quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng phức tạp. Sự phức tạp, chồng chéo của hệ thống văn bản, cơ chế phối hợp thực thi giữa các Bộ, ngành hữu quan nhiều khi thiếu chặt chẽ, không nhất quán nên những “lỗ hổng” trong cơ chế quản lý dễ bị lợi dụng. Các quy định hiện hành của Nghị định số 12/2006/NĐ-CP khó có thể đảm bảo được vai trò đầu mối cho sự thống nhất về cơ chế quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng.
Thứ hai, một số quy định của Nghị định số 12/2006/NĐ-CP về phân công trách nhiệm quản lý chuyên ngành đã không còn phù hợp do sự thay đổi về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của một số Bộ, ngành. Chẳng hạn như Bộ Thủy sản đã được nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chức năng quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa – Thông tin trước đây đã được phân giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp đã sáp nhập thành Bộ Công Thương; Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ nay đã trực thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định của Luật Cơ yếu. Một số văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đã có quy định khác với quy định của Nghị định về việc xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhất định (như súng đạn thể thao).
Thứ ba, do có nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh một số mặt hàng đặc thù nên các danh mục hàng hóa ban hành kèm theo Nghị định (Phụ lục số 01, 02, 03) có nhiều điểm không còn phù hợp, cần được chỉnh sửa để đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản, đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc dành hẳn một Điều (Điều 6) và một Phụ lục riêng (Phụ lục số 02) quy định về cơ chế quản lý và danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương đến nay cũng không còn cần thiết. Một số nội dung có thể bãi bỏ, một số nội dung cần giữ lại thì có thể chuyển vào Phụ lục quy định Danh mục quản lý chuyên ngành chung của các Bộ, ngành.
Thứ tư, Nghị định được ban hành vào thời điểm trước khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO, việc thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế trong các văn bản pháp luật của Nhà nước mới ở mức độ ban đầu, nhất là trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu, thúc đẩy xuất khẩu. Trong tình hình mới, khi mà vấn đề tăng cường quản lý nhập khẩu, giảm nhập siêu, bảo vệ sản xuất trong nước được đặc biệt quan tâm để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Nghị định cần bổ sung những quy định cụ thể hơn về các vấn đề này. Bên cạnh đó, các quy định liên quan về kiểm dịch động thực vật, về kiểm soát chất lượng hàng hóa, sở hữu trí tuệ.v.v. cũng cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thứ năm, một số quy định của Nghị định chưa có hướng dẫn cụ thể và quá trình thực thi cho thấy có sự bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu quản lý trong thực tiễn như quy định tại Điều 5 Nghị định về cơ chế cho phép xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng và ban hành cơ chế xem xét, giải quyết việc cho phép xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục này. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế này tại văn bản hướng dẫn của cấp Bộ khó có thể giải quyết được triệt để vấn đề, nếu không sửa đổi trực tiếp các quy định liên quan tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP.
Những bất cập trên đây cho thấy, cần phải rà soát lại toàn bộ các quy định của Nghị định số 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các cơ chế quản lý có liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm xác lập một thể chế pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch và thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành lĩnh vực xuất nhập khẩu trong tình hình mới.
Anh Minh
đầu tư
|