Thương mại trước áp lực cải cách phía trong đường biên
Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy thương mại nhưng còn rất khó khăn do những áp lực về cải cách hệ thống trong nước, thay đổi cơ cấu hàng hoá và thị trường. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn xuất khẩu 2012 do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 18.5.
TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, dòng chảy thương mại đang thuận lợi hơn: “Có thể gọi đây là cơ hội thứ tư trong lịch sử cải cách thương mại Việt Nam, sau khi kinh tế mở cửa năm 1989, tiếp theo là hiệp định thương mại Việt – Mỹ năm 2001 và Việt Nam gia nhập WTO; lần cải cách thứ tư chính là các hiệp định đối tác thương mại với các quốc gia Đông Á, EU và đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ giúp mở rộng mạng thương mại Việt Nam đến nhiều thị trường quan trọng khác”.
Dòng chảy thương mại mới
Hiện Việt Nam là một trong chín thành viên đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ. Nếu như sau hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA) năm 2001, thuế suất trung bình hàng Việt Nam vào Mỹ từ 40% giảm xuống còn 4%, thì đến TPP dự kiến nhiều sản phẩm Việt Nam xuất vào Mỹ không bị đánh thuế. Theo ông Herb Cochran, giám đốc điều hành phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham): “TPP là hiệp định mới gồm những cam kết chưa từng được đàm phán trong các hiệp định thương mại tương tự. Việt Nam có thể tạo ra sự khác biệt với các nước khác để từ đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài”. Các mặt hàng Việt Nam có lợi thế gia tăng kim ngạch rất lớn khi hiệp định TPP được ký sẽ gồm dệt may, da giày, đồ gỗ, thuỷ hải sản, nông sản…
Theo ông Jean Tacques Bouflet, trưởng ban Kinh tế và thương mại phái đoàn EU tại Việt Nam, EU đang xúc tiến đàm phán để có hiệp định thương mại tự do toàn diện với Việt Nam. “Hiệp định này nếu được ký kết sẽ có 90% dòng thuế được đưa về 0%, 10% còn lại được dỡ bỏ một phần hay toàn phần sau năm năm...”, người đứng đầu ban Kinh tế EU tại Việt Nam, cho biết.
Ông Tadashi Kikuchi, tuỳ viên sứ quán Nhật tại Việt Nam cũng cho rằng, thương mại Việt – Nhật sẽ tiếp tục tăng nhanh nhờ vào các cam kết quốc gia, và nhất là các công ty Nhật đang tiếp tục vào Việt Nam.
Còn ông Vi Tích Thần, tham tán Thương mại Trung Quốc, cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng xuất khẩu hay không dựa vào sức cạnh tranh của chính sản phẩm. Thị trường Trung Quốc ưa chuộng các sản phẩm Việt Nam như nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ nhưng trong các siêu thị có rất ít hàng Việt Nam.
Ông Đàm Trung Bắc, tổng lãnh sự danh dự Myanmar tại TP.HCM, lưu ý rằng thị trường Myanmar đang có những thay đổi quan trọng về chính sách thương mại, luật đầu tư và các văn bản liên quan đến phát triển kinh tế. Thị trường mới này lại nằm trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) nên doanh nghiệp Việt Nam cũng dễ dàng tiếp cận. Một quy định thương mại doanh nghiệp cần lưu ý khi làm ăn tại đây, là khối doanh nghiệp nhà nước Myanmar được xuất nhập tất cả các mặt hàng trong danh mục cho phép. Với doanh nghiệp tư nhân, quy định rõ 16 mặt hàng không được phép nhập và 13 mặt hàng không được phép xuất. “Chính phủ Myanmar khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu sản xuất và một số sản phẩm tiêu dùng thiết yếu sẽ được miễn thuế doanh thu và thuế nhập khẩu”, ông Bắc cho biết.
Hội nhập chỉ là điều kiện cần
Theo TS Võ Trí Thành, cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam đang phụ thuộc vào cải cách thể thế và chính sách thương mại. Ông dẫn chứng, nhờ vào hiệp định thương mại tự do, năm 2011 ba thị trường Đông Bắc Á đã tạo nên tăng trưởng xuất khẩu cho Việt Nam với Hàn Quốc có mức tăng 60%, Trung Quốc trên 50% và Nhật trên 30%. “Việt Nam cũng đang và sẽ thực hiện hiệp định tự do thương mại (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực, mức tự do hoá thương mại hàng hoá trong các hiệp định mới cao hơn rất nhiều so với quy định WTO, doanh nghiệp cần chuẩn bị để khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã và sẽ ký với các thị trường thương mại trọng điểm”.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh hàng năm nhưng cơ cấu hàng hoá chưa có sự dịch chuyển đáng kể, vẫn đang chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nông sản và các mặt hàng thâm dụng lao động. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào tăng trưởng thương mại toàn cầu nên chịu sự biến động rất lớn. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu có cải thiện nhưng vẫn chậm và tập trung vào các mặt hàng truyền thống.
Theo TS Thành, Việt Nam chưa tận dụng tốt các cơ hội tự do thương mại, nên trong khủng hoảng thị trường dễ dàng bị tổn thương. Nếu không cải cách từ bên trong, về dài hạn dễ rơi vào bẫy thương mại đó là quá trình phát triển với lương thấp, chi phí lao động thấp, làm ăn dựa vào tài nguyên. Chính sách thương mại này liên quan tới rất nhiều vấn đề về đầu tư, tỷ giá, FDI, tiết kiệm tiêu dùng, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành liên kết, phát triển ngành… “Hội nhập chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ nếu không có những cải cách bên trong. Hoạt động thương mại toàn cầu đã chuyển sang thế hệ thứ hai, nó liên quan cơ bản đến các cải cách sau đường biên giới, đến chính sách cải cách của chính phủ đối với nền kinh tế, với các tỉnh, địa phương, đối với khu vực và lĩnh vực phụ trách, là những cái nằm ngay bên trong chúng ta”, ông Thành khẳng định.
TUYẾT ÂN – HOÀNG BẢY –
BÍCH NGA – MINH PHÚC
sài gòn tiếp thị
|