Quá khó vay vốn phát triển công nghệ
Quỹ phát triển khoa học - công nghệ TP.HCM với vốn điều lệ 50 tỉ đồng được cho là quá ít so với nhu cầu của hơn 14.000 doanh nghiệp. Thế nhưng kỳ lạ là sau năm năm hoạt động, quỹ mới cho vay được 25 tỉ đồng.
|
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Đô Thành (Củ Chi, TP.HCM), đơn vị được Quỹ phát triển khoa học - công nghệ TP.HCM hỗ trợ (ảnh chụp chiều 19-5) |
Một trong những công ty ít ỏi được vay vốn từ quỹ này là Công ty cổ phần kỹ nghệ Đô Thành. Tháng 9-2009 công ty được duyệt vay gần 3,3 tỉ đồng, chiếm 70% tổng kinh phí thực hiện dự án “Đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất nắp nhựa chịu gas và không gas theo công nghệ dập nén thay thế công nghệ ép phun”. Đến nay doanh nghiệp này đã trả cho quỹ gần hết số nợ trên.
Phải vay vốn ngoài
Chưa may mắn như Đô Thành, Công ty TNHH nghiên cứu sản xuất tinh dầu Handa được duyệt vay 4,7 tỉ đồng cho dự án “Đầu tư công nghệ sản xuất tinh dầu trầm bằng phương pháp CO2” từ ngày 18-1. Thế nhưng, đến nay công ty vẫn chưa được giải ngân.
"Chúng tôi đang lấn cấn giữa việc quyết định cho vay có thế chấp hay không. Sở Khoa học - công nghệ muốn chấp nhận rủi ro bởi Sở đã thẩm định kỹ công nghệ, tính khả thi của dự án nhưng các đối tác khác là HFIC, Sở Tài chính lại không chấp nhận"
Ông Phan Minh Tân |
Oái oăm hơn, ông Huỳnh Văn Hải, giám đốc Công ty công nghệ thực phẩm Bảo Long kiêm chủ tịch Hội doanh nghiệp Hóc Môn, cho hay đơn vị của ông đã nộp hồ sơ xin vay vốn đầu tư dự án dây chuyền sản xuất thực phẩm chức năng cả năm nay nhưng vẫn chưa có phản hồi từ Sở Khoa học - công nghệ.
Tổng kinh phí dự án là 10 tỉ đồng và ông mong muốn được quỹ hỗ trợ vay 2 tỉ để trang bị hệ thống dây chuyền máy móc. “Tôi nhất định phải làm dự án này cho dù tốn 5 năm, 10 năm hay lâu hơn để chứng minh cho các doanh nghiệp hội viên thấy rằng muốn tăng trưởng kinh doanh, muốn đi lên phải ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất”. Thế nhưng cuối cùng ông Hải đã phải vay ở ngoài để thực hiện dự án. Ông Hải chua chát: “Ánh sáng của chủ trương, đường lối tốt đẹp kia bao giờ mới đến được với doanh nghiệp, đến vùng xa? Bao giờ nhà quản lý biết thật sự doanh nghiệp đang cần gì?”.
Ông Lê Quang Hiệp, tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ Đô Thành, cho biết việc lập dự án không khó nhưng đến khâu giải ngân thì lại bị bắt bẻ đủ thứ. Các thành viên tài chính không quan tâm đến công nghệ, không mặn mà xuất tiền cho doanh nghiệp. Ở phía khoa học, doanh nghiệp được ủng hộ nhưng phía tài chính thì không cần biết đến hiệu quả ứng dụng công nghệ, chỉ quan tâm đến khả năng thu hồi vốn.
Giải thích về quy trình vay vốn, bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, chuyên viên phòng quản lý công nghệ Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, nói vì cho vay không thế chấp nên quỹ đưa ra nhiều điều kiện chặt chẽ, yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn. Các doanh nghiệp tìm đến quỹ thường là doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập nên thường gặp khó khăn khi phải chứng minh năng lực tài chính bằng báo cáo tài chính ba năm liền tăng trưởng tốt, chứng minh năng lực sản phẩm bằng hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ thương mại hóa sản phẩm... Do vậy, một dự án thường mất sáu tháng trở lên để chỉnh sửa, thẩm định, xét duyệt rồi sau đó mới chuyển qua Công ty Đầu tư tài chính thành phố (HFIC) làm thủ tục giải ngân.
Ông Phan Minh Tân, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM kiêm chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ phát triển khoa học - công nghệ, nhìn nhận điều kiện vay hiện nay chưa thoáng cho doanh nghiệp. Thế nhưng, ông cũng khẳng định là không còn cách nào khác vì theo ông, việc cho vay không có thế chấp sẽ đi kèm với rủi ro mà quỹ phải chịu và thực tế thời gian vừa rồi đã có trường hợp không thu hồi được vốn do doanh nghiệp gặp khó khăn theo bối cảnh chung của thị trường.
Xét duyệt 7 hồ sơ
Quỹ phát triển khoa học - công nghệ TP.HCM ra đời nhằm mục đích hỗ trợ triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong nước, thúc đẩy phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ và đổi mới trên địa bàn TP.HCM. Quỹ ra đời từ năm 2007, với vốn điều lệ 50 tỉ đồng, chính thức xét duyệt và cho vay từ năm 2008.
Đến nay có hơn 20 hồ sơ nộp về sở nhưng mới thẩm định được 10. Số hồ sơ được xét duyệt là bảy và mới chỉ giải ngân được cho sáu doanh nghiệp, trong đó có một doanh nghiệp được vay tối đa theo quy chế quỹ là 10 tỉ đồng (chiếm 70% vốn đầu tư dự án) với lãi suất ưu đãi, tối đa bằng 50% lãi suất ngân hàng thương mại. |
Hồng Nhung
Tuổi trẻ
|