Thứ Sáu, 18/05/2012 14:49

Hỗ trợ DN: “Quan trọng hàng đầu là chính sách tiền tệ”

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp quan trọng hàng đầu là chính sách tiền tệ, còn sức mạnh tài chính của giải pháp 29.000 tỷ đồng cũng không đáng kể lắm.

Đây là câu trả lời báo chí của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, ngay sau khi Ủy ban không tán thành đề xuất miễn thuế cho một số đối tượng của Chính phủ.

Với con số giảm khoảng 7 tỷ đồng tiền thuế cho 25.000 hộ và cá nhân kinh doanh nhà trọ, suất ăn ca cho công nhân (đối tượng được Chính phủ đề xuất tiếp tục miễn thuế - PV) từ tháng 8/2011, ông Hiển đặt câu hỏi, nếu tính trong 12 tháng mỗi hộ chỉ được miễn giảm 30.000 đồng thì liệu họ có chấp nhận được giảm chừng đó nhưng phải giữ giá bán như cũ hay không?

Tính khả thi không có, không ai làm vậy vì giá giảm chỉ bằng một bát phở nên ràng buộc anh nào được miễn giảm thì phải giữ giá là bất khả thi, ông Hiển nói.

Vậy tại sao tháng 8 năm ngoái Chính phủ có đề xuất tương tự nhưng cả Ủy ban và Quốc hội đều đồng ý, thưa ông?

Uỷ ban Tài chính – Ngân sách khi đó cũng cho rằng việc này chỉ mang tính chất động viên. Mà qua một thời gian thực hiện cũng thấy nó không hiệu quả nên Uỷ ban không tán thành đề xuất lần này nữa.

Theo ông gói giải pháp 29.000 tỷ đồng sẽ tác động thế nào đến chính sách tài khóa?

Kể cả việc miễn giảm thuế cũng như giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài thì tổng số tiền cũng chỉ khoảng 9.100 tỷ đồng. Tất nhiên lượng tiền đó sẽ có kết quả nhất định nhưng đối với chính sách tài khóa cũng không quá ảnh hưởng đến khả năng cân đối thu chi.

Uỷ ban cho rằng, tiềm năng lực lượng vật chất để dùng nó kích thích thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hạn chế bởi chúng ta có 540.000 doanh nghiệp trong đó có khoảng 250.000 thường xuyên nợ đọng, so với khoản 9.100 tỷ đồng thì thấy dường như sức mạnh về tài chính không đáng kể lắm.

Nhưng cái đáng nói nhất lần này là Chính phủ đưa ra có rất nhiều giải pháp, có cả giải pháp về tiền tệ, hành chính, giãn thuế. Nhưng nói thật, về giãn thuế, có khoảng 16.000 tỷ là giãn, nếu tính theo lãi suất bây giờ, kể cả chỉ 10% thôi, thì cũng vào khoảng 1000 tỷ đồng thì cũng không chi phối nhiều thị trường.

Như thế, bên cạnh giải pháp của Chính phủ, cần sự hỗ trợ nào giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này?

Khi các doanh nghiệp khó khăn, ta phải có biện pháp để giúp đỡ bằng tổng thể. Biện pháp đầu tiên, quan trọng hàng đầu chính là chính sách tiền tệ. Đó mới là cái lâu dài, căn bản nhất cho các doanh nghiệp vì có thể nói hoạt động tín dụng hiện nay của ta, dòng tiền không chảy vào đúng chỗ mà đang bị chảy ra các lĩnh vực khác như mua trái phiếu Chính phủ hoặc cho các doanh nghiệp vay nợ lẫn nhau.

Còn lượng tiền bạc đổ vào sản xuất thì lại không đáng là bao. Hết quý 1 rồi mà tăng trưởng tín dụng vẫn âm. Giờ có nhiều doanh nghiệp nói với lãi suất như này thì họ càng khó tiếp cận vốn hơn. Bản thân các ngân hàng cũng rất ngại cho các doanh nghiệp vay vì sợ không bảo toàn được vốn mà khi ngân hàng đổ vỡ thì hệ quả khó lường. Vậy nên các ngân hàng giờ đang đứng trước tình huống tiến thoái lưỡng nan.

Cho nên, tôi cho rằng, căn bản lâu dài nhất phải là chính sách tiền tệ của chúng ta. Cái đó mới là khâu cốt tử. Còn chính sách tài khóa là miễn giảm thuế thì chỉ mang tính chất là tác nhân, góp phần vào thôi, không giải quyết được việc.

Nhưng nhiều chuyên gia cũng nói chính sách tiền tệ đã hết dư địa?

Tất nhiên, khi thực hiện việc ngân hàng có thể cho vay với mức lãi suất thấp thì cần phải có thời gian. Không dư địa thì tại sao vừa qua rất nhiều ngân hàng khó khăn nhưng cũng nhiều ngân hàng lãi lớn, chênh lệch thu chi lớn, như vậy thì rõ ràng là vẫn có dư địa chứ.

Cái quan trọng là chúng ta phải quyết tâm để trong 1 thời gian, như mong muốn của doanh nghiệp: kinh tế vĩ mô của ta phải thật ổn định; trong đó, chính sách tín dụng (lãi suất) cũng phải hết sức ổn định để biết thế nào mà đầu tư chứ giờ làm 1 dự án 3-5 năm mà trong thời gian đó bao nhiêu lần thay đổi về lãi suất thì làm sao chịu được.

Về chính sách tài khóa thì thời gian tới cần có những ưu đãi nhất định cho nhà đầu tư. Hiện chúng ta đang đi theo hướng đó, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT, xuất nhập khẩu sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 4, thứ 5 tới.

Ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp đang có mức thuế suất 25% có thể giảm xuống 20%. Hoặc thuế VAT đang có 2 mức 5 hoặc 10% thì có thể đưa về 1 mức chung. Tóm lại, chúng ta phải tính tới việc giảm dần thuế suất, thu trên nguyện vọng, trên sự phát triển chứ không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Nguyên Thảo

tbktvn

Các tin tức khác

>   Ồ ạt đầu tư bán lẻ: Cờ cao hay mạo hiểm? (18/05/2012)

>   Viettel bắt đầu tràn đến "lục địa đen" (18/05/2012)

>   Có than mới đủ điện (18/05/2012)

>   Chặn đà thua lỗ tại các cảng biển (18/05/2012)

>   Doanh nghiệp tắc thở vì hàng tồn kho (18/05/2012)

>   Trách nhiệm của lãnh đạo Vinalines: Không chỉ dừng ở việc kiểm điểm (17/05/2012)

>   Đưa giá điện sát thị trường trong thời gian sớm nhất (17/05/2012)

>   "Sắp chết" vì bị Bianfishco nợ (17/05/2012)

>   Mất 300 doanh nghiệp thủy sản (17/05/2012)

>   TPHCM cần hàng ngàn tỉ đồng giúp DN gặp khó (17/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật