Thứ Sáu, 18/05/2012 15:00

Viettel bắt đầu tràn đến "lục địa đen"

Ngày 15/5/2012, Viettel công bố chính thức kinh doanh tại Mozambique với thương hiệu MOVITEL. Hiện Viettel đã đầu tư và kinh doanh tại 4 thị trường ở 3 châu lục là Lào, Campuchia (Châu Á), Haiti (Châu Mỹ) và Mozambique (Châu Phi).

Mozambique đã trở thành thị trường di động nước ngoài thứ 4 của Viettel với những khả năng thành công rất lớn.

Viettel sẽ mang những gì tốt nhất đến Mozambique

Viettel cho biết, sau hơn 1 năm, công ty MOVITEL đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique với 1.800 trạm phát sóng (2G và 3G) phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique. Viettel cũng đã dựng nên một hạ tầng viễn thông bền vững cho quốc gia Châu Phi này với 12.600 km cáp quang, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của toàn Mozambique. “Đó là một điều thần kì. MOVITEL đã góp phần đưa Mozambique trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về hạ tầng viễn thông và trở thành 1 trong 3 quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực sau Nam Phi và Nigeria”, ông Paulo Zucula, Bộ trưởng Giao thông Liên lạc Mozambique cho biết tại buổi lễ khai trương. Bên cạnh việc lập kỷ lục về hạ tầng viễn thông, MOVITEL cũng xây dựng hệ thống kênh phân phối lớn nhất với 50 cửa hàng và 25.000 điểm bán, đại lý đến từng huyện, trung bình mỗi xã sẽ có 1-2 nhân viên của MOVITEL phụ trách bán hàng đến tận tay người dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết: "Quan điểm về viễn thông của Viettel là: Di động và băng rộng, là vô tuyến và cáp quang. Là mọi nơi, mọi lúc, len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, cho mọi người và với giá cả phù hợp với mọi lớp người khác nhau. Những gì chúng tôi đã làm cho Việt Nam thì chúng tôi sẽ làm như vậy tại Mozambique. Những gì tốt nhất của Viettel sẽ được mang tới Mozambique".

Viettel sẽ xây dựng mạng lưới rộng khắp và dung lượng lớn trước rồi mới kinh doanh, khi kinh doanh có lãi thì phải có trách nhiệm xã hội, dành một phần lợi nhuận đầu tư lại cho cộng đồng, thông qua các chương trình xã hội như chương trình Internet miễn phí cho các trường học, chương trình điện thoại cho nông dân, cho người có thu nhập thấp, các chương trình nhân đạo khác, và một số chương trình trợ giúp Chính phủ điện tử miễn phí cho Mozambique.

Tại các quốc gia mà Viettel đã đầu tư, Chính phủ sở tại đều đánh giá cao nỗ lực tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động là người dân nông thôn nghèo thông qua việc xã hội hóa bán hàng; trực tiếp đóng góp 1-2% vào tổng GDP và đóng góp 50-80% tổng hạ tầng viễn thông của quốc gia đó; góp phần đưa mật độ hạ tầng tại các quốc gia này tăng lên gấp 3-3,5 lần so với mức trung bình của thế giới; chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông được giảm xuống mức phù hợp với thu nhập của người dân (chiếm 4-5%), đưa viễn thông tới 95% dân số, kể cả ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Ra nước ngoài là "bắt buộc"

Chia sẻ suy nghĩ tại buổi tọa đàm về triển vọng Viễn thông Việt Nam 2012 được ICTpress Club tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thị trường trong nước to, nhưng cũng giống như mảnh áo chật "bắt buộc" doanh nghiệp phải ra nước ngoài. Việc Viettel quyết định đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ triết lý và tầm nhìn của Viettel. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu một công ty mà thiếu đi sự tăng trưởng thì rất nguy hiểm vì thiếu đi cơ hội cho mọi người phấn đấu. Bên cạnh đó, con người không nằm trong thách thức sẽ bị tha hóa nhanh. Vì vậy, Viettel cần có sự tăng trưởng, nhưng nếu chỉ nhìn vào thị trường bị giới hạn hơn 80 triệu dân ở Việt Nam thì đến một thời điểm nào đó sẽ hết tăng trưởng. Cho nên Viettel phải đi ra nước ngoài để mở rộng thị trường cho mình và cũng là đặt mình trong thách thức. Như vậy, việc đầu tư ra nước ngoài đã trở thành chiến lược của Viettel. Khi ra nước ngoài, Viettel sẽ phải cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới, đây là một thách thức. Thế nhưng, Viettel quyết tâm sẽ phải đứng vị trí số 1 hoặc số 2 ở những thị trường đã đầu tư.

Lãnh đạo tiên phong "nếm mật nằm gai" ở nước ngoài

Khi sang thị trường nước ngoài, một trong những nhân tố làm Viettel tin tưởng hơn trước những thách thức, đó là tính kỷ luật. Thế nhưng, điều đó sẽ không đủ thành công nếu không có những người mở đường có tầm nhìn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Viettel là doanh nghiệp đầu tư sau rất nhiều các nhà đầu tư lớn trên thế giới như Vodafone, Telenor, Orange... Điều đó cũng có nghĩa là những mảnh đất mầu mỡ đã có chủ và buộc Viettel phải đến những thị trường đầy khó khăn, doanh thu thấp. Một điểm mà Viettel khác với những doanh nghiệp khác là với mỗi thị trường đó lãnh đạo Viettel phải là những người đi tiên phong đầu tiên. Khi lãnh đạo tiên phong thì cả bộ máy sẽ đi theo không quản ngại khó khăn.

Còn Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel cho rằng, Viettel có niềm tin thành công ở cả những thị trường khó khăn nhất thế giới, thậm chí cả những thị trường giầu có. Người Viettel sẵn sàng làm việc ở những nơi khó khăn nhất, làm việc nhiều hơn các mạng khác, hưởng lương ít hơn các mạng khác. 

Ông Hoàng Anh Xuân cho biết, tình hình đầu tư ra nước ngoài của Viettel rất khả quan. Viettel đang là mạng di động có vùng phủ sóng lớn nhất tại Campuchia và dự tính sẽ trở thành nhà mạng có số thuê bao lớn nhất tại đất nước Chùa Tháp này. Tại Lào, Viettel cũng đang là nhà mạng có vùng phủ sóng rộng nhất và bắt đầu kinh doanh có lãi. Theo ông Xuân, mục tiêu của Viettel giai đoạn 2015 – 2020 là sẽ có thị trường quy mô 300 - 500 triệu dân. Nếu đạt được con số này, Viettel sẽ đạt doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 - 5 lần thị trường trong nước và trở thành một trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.

NT

ictnews

Các tin tức khác

>   Có than mới đủ điện (18/05/2012)

>   Chặn đà thua lỗ tại các cảng biển (18/05/2012)

>   Doanh nghiệp tắc thở vì hàng tồn kho (18/05/2012)

>   Trách nhiệm của lãnh đạo Vinalines: Không chỉ dừng ở việc kiểm điểm (17/05/2012)

>   Đưa giá điện sát thị trường trong thời gian sớm nhất (17/05/2012)

>   "Sắp chết" vì bị Bianfishco nợ (17/05/2012)

>   Mất 300 doanh nghiệp thủy sản (17/05/2012)

>   TPHCM cần hàng ngàn tỉ đồng giúp DN gặp khó (17/05/2012)

>   Tham vọng của những “ông lớn” và cuộc chơi khắc nghiệt (17/05/2012)

>   Từ Vinalines, nghĩ về Vinashin (17/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật