Thứ Sáu, 18/05/2012 11:23

Có than mới đủ điện

Tại hội thảo của Hiệp hội Năng lượng VN ngày 17-5, chuyên gia từ Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) khẳng định tập đoàn này không thể lo đủ than cho sản xuất điện.

Tập đoàn Dầu khí (PVN) dù công bố đã tự ký được hợp đồng mua than để sản xuất điện nhưng cho biết nguy cơ thiếu than vẫn rình rập.

Theo Hiệp hội Năng lượng VN, trong quy hoạch tổng sơ đồ điện 7, tỉ lệ Nhà máy nhiệt điện chạy than chiếm gần 50%. Nghĩa là nguồn điện sắp tới của VN có đủ hay không phụ thuộc lớn vào than. Trong khi đó, than của VN chắc chắn không đủ, mà nhập khẩu thì chưa có nguồn...

TKV không đảm đương nổi

Theo ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, ngoài TKV, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đang tập trung làm nhiệt điện than, ngay cả PVN - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất VN - cũng đang chuẩn bị làm tới bốn nhà máy nhiệt điện than nữa. Vì vậy, nhiều chuyên gia khẳng định VN rất có thể từ phụ thuộc thủy điện, phải cắt điện vì thủy điện thiếu nước, sau năm 2015 sẽ có thêm nguy cơ phải cắt điện vì thiếu than.

Ông Nguyễn Cảnh Nam, trợ lý chủ tịch TKV, phát biểu với tư cách chuyên gia khẳng định theo phương án cao về nhu cầu than, đến năm 2015 VN sẽ thiếu tới 7,7 triệu tấn than. Ngay cả khi khai thác được than từ bể than đồng bằng sông Hồng, đến năm 2020 VN sẽ thiếu trên 60 triệu tấn - vượt xa khả năng sản xuất than hiện nay của TKV (khoảng 40 triệu tấn)... “Đến năm 2025 VN thiếu tới trên 100 triệu tấn than/năm. Tóm lại TKV chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu, đó là chưa kể đến than cho luyện kim hiện đã phải nhập khẩu” - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, phó tổng giám đốc PVN, nêu nguy cơ: “Nhiệt điện than khi đã được thiết kế lò đốt than gì thì sẽ phải theo loại than đó suốt đời dự án khoảng 25 năm. Hiện PVN mới ký được nguồn có thể đảm bảo được 10 triệu tấn/năm”. Nhưng theo ông Khánh, để đảm bảo mua được than trong hơn 20 năm, đúng chủng loại nhà máy cần là “thách thức hết sức lớn”.

TS Nguyễn Thành Sơn - tổng giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng, thuộc TKV - nhận định về nghịch lý thiếu than vẫn xuất khẩu, xuất than sang Trung Quốc rồi mua điện về, trong khi than là tương lai của ngành năng lượng. Ông Sơn không đồng ý quan điểm cho rằng trữ lượng than VN còn lớn. Nhiều chuyên gia địa chất nêu trữ lượng ở bể đồng bằng sông Hồng tới hơn 200 tỉ tấn, đó là lạc quan thiếu cơ sở. “Họ cứ đo chiều dài, nhân chiều rộng rồi tính nhưng chúng tôi tính kỹ thì trữ lượng có thể đưa vào quy hoạch sử dụng chỉ khoảng 10 tỉ tấn”. Song, ông Sơn cũng cảnh báo thêm nếu áp dụng công nghệ khai thác ngầm như Quảng Ninh cũng không khai thác được con số trên mà phải dùng công nghệ khí hóa than.

Chuyển sang nguồn nhiên liệu mới

Hạn chế nhà thầu công nghệ thấp

Hiệp hội Năng lượng đã có kiến nghị lên Chính phủ không nên cho hoặc phải hạn chế các nhà thầu Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện than cho VN. Nhà máy điện than cần công nghệ cao vì nó có thể thải ra lượng khí thải lớn, trong đó có các loại khí nguy hại. Trong khi đó, công nghệ Trung Quốc khó đáp ứng yêu cầu này và Trung Quốc hiện cũng là nước phát thải khí nhà kính nhiều bậc nhất.

Ông Lương Nguyễn Khoa Trường (PVN) cho rằng VN sẽ phải nhập năng lượng và không nên nhập những nhiên liệu như than gây ô nhiễm. Nêu thực tế VN mới nhập khí đồng hành có được từ khai thác dầu (LPG) mà chưa nhập loại khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), ông Trường cho rằng dùng khí LNG phát điện có thể đắt hơn nhưng dễ nhập hơn, ô nhiễm ít hơn, đồng nghĩa với chi phí xã hội như y tế, khắc phục môi trường cũng ít đi... Đó là chưa kể đầu tư cho nhiệt điện chạy khí đỡ tốn kém và nhanh hơn nhiệt điện than nhiều. VN nằm ngay cạnh các trung tâm xuất khẩu LNG như Indonesia, Malaysia, đo đó VN nên đàm phán, ký kết các hợp đồng khí dài hạn càng sớm càng tốt.

Ông Trần Viết Ngãi thì cho rằng với tiềm năng khí vừa được nêu, các nhà máy nhiệt điện khí VN cần được đầu tư, không những chiếm khoảng 9.000MW vào năm 2020 mà có thể lên tới 20.000-30.000 MW để đảm bảo an ninh năng lượng.

Chưa nên tăng giá điện

Để đảm bảo không thiếu điện, thị trường điện hoạt động hiệu quả, GS Nguyễn Minh Duệ (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng ngoài việc chuẩn bị nguồn nhiên liệu, cần có quyết tâm mạnh mẽ phá thế độc quyền. “Hiện chưa có cạnh tranh trên bất cứ khâu nào trong khi EVN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ” nên ông Duệ đề nghị phải tái cơ cấu ngành điện ngay. “Lộ trình Bộ Công thương công bố đến năm 2022 mới có bán lẻ cạnh tranh là quá dài, xây thủy điện Sơn La, điện hạt nhân phức tạp nhưng cũng chỉ 6-7 năm. Cớ gì chỉ thay đổi cơ chế mà lâu thế?”. Theo GS Duệ, lộ trình tái cơ cấu ngành điện đưa ra rất cứng nhắc: “Xong thị trường phát điện cạnh tranh mới làm bán buôn cạnh tranh, rồi xong tất mới làm bán lẻ cạnh tranh. Sao không thực hiện xen kẽ?”.

Đề cập giá điện, GS Duệ cho biết giá điện tính cả VAT, thực tế đã là 1.434 đồng/kWh, tương đương 7 cent/kWh chứ không phải 5,2 cent như EVN từng công bố. Ông Duệ cho rằng thực tế đất nước đang phải hi sinh tài nguyên cho EVN để được giá điện rẻ, như than bán dưới giá thành; dân cũng phải hi sinh, di chuyển chỗ ở cho thủy điện để có nguồn điện giá rẻ cho EVN...

Nêu Luật điện lực quy định căn cứ để điều chỉnh giá là căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của dân. Vì vậy, năm nay chưa nên tăng giá điện vì dân khó khăn. Thay vì tăng giá, ông Duệ đề xuất buộc EVN phải giảm chi phí. “Tổn thất điện ở VN loanh quanh 10%, tức sản xuất được 100 thì mất 10, trong khi các nước khoảng 4-5%. Tiềm năng giảm giá thành sản xuất điện còn rất lớn, nên chọn cách giảm giá thành...”.

Theo ông Trần Viết Ngãi, EVN lỗ ở đâu không biết chứ riêng giá điện khó có thể lỗ, vì giá điện EVN mua của thủy điện, nhiệt điện trung bình chỉ khoảng 800 đồng/kWh, bán ra khoảng 1.400 đồng/kWh. Ông Ngãi cũng đồng ý tái cơ cấu ngành điện nhanh, không nhất thiết đến năm 2022 mới hoàn thành.

Cẩm Văn Kình

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Chặn đà thua lỗ tại các cảng biển (18/05/2012)

>   Doanh nghiệp tắc thở vì hàng tồn kho (18/05/2012)

>   Trách nhiệm của lãnh đạo Vinalines: Không chỉ dừng ở việc kiểm điểm (17/05/2012)

>   Đưa giá điện sát thị trường trong thời gian sớm nhất (17/05/2012)

>   "Sắp chết" vì bị Bianfishco nợ (17/05/2012)

>   Mất 300 doanh nghiệp thủy sản (17/05/2012)

>   TPHCM cần hàng ngàn tỉ đồng giúp DN gặp khó (17/05/2012)

>   Tham vọng của những “ông lớn” và cuộc chơi khắc nghiệt (17/05/2012)

>   Từ Vinalines, nghĩ về Vinashin (17/05/2012)

>   Bộ GTVT xây trụ sở mới: Lời cảnh báo đáng lắng nghe... (17/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật