Từ Vinalines, nghĩ về Vinashin
Những sai phạm ở Tổng công ty Hàng hải, được Thanh tra Chính phủ công bố gần đây, gợi cho dư luận nhớ đến tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) và tự hỏi hiện nay Vinashin đã thay đổi ra sao sau gần hai năm tái cơ cấu.
Thời gian đầu (tháng 8-2010) khi khởi động việc tái cơ cấu tập đoàn này, Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin do ông Nguyễn Sinh Hùng (lúc ấy đang là Phó thủ tướng) đứng đầu tuyên bố : “Sẽ nói rõ những khó khăn, thách thức của Vinashin, không giấu giếm tình hình để tạo được sự hợp tác tốt với các ngân hàng và tổ chức tín dụng, tạo dư luận xã hội ủng hộ công cuộc tái cơ cấu Vinashin” (phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngày 9-8-2010).
Nhưng từ đó đến nay, các thông tin quan trọng về Vinashin như tình hình xử lý nợ, việc sản xuất kinh doanh rất ít được thông báo, ngoại trừ con số doanh thu quí 1-2012 của tập đoàn này mới được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội (theo đó, doanh thu quí 1-2012 của Vinashin đạt 282 tỉ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2012). Thậm chí, nhiều thông tin về quá trình xử lý nợ, đàm phán nợ của Vinashin được giới truyền thông trong nước đăng tải cũng xuất phát từ các báo nước ngoài. Khi giới báo chí kiểm chứng lại tính xác thực của thông tin từ các vị lãnh đạo Vinashin, họ chỉ được xác nhận vụ việc là có thật (ví dụ chủ nợ Elliot kiện Vinashin) nhưng bị từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Thông tin mới nhất về xử lý nợ ở Vinashin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đề cập tại cuộc họp báo của Chính phủ tháng 4-2012 cũng rất chung chung: “Đang tiếp tục đàm phán, chưa thể có thông tin chi tiết”.
Dư luận quan tâm đến quá trình tái cơ cấu Vinashin không phải vì tò mò mà vì đây là doanh nghiệp lớn của một ngành trọng điểm trong đề án tái cơ cấu kinh tế mà tới đây sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận (dự kiến kỳ họp bắt đầu vào đầu tuần tới).
Theo đề án đã được phê duyệt, thời gian tái cơ cấu tập đoàn này tập trung vào giai đoạn 2011-2013. Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội (tháng 11-2010), ông Nguyễn Sinh Hùng còn dự báo: “80% số nợ Vinashin đang gánh, nếu thị trường phục hồi nhanh, giá vận tải lên, giá đóng tàu lên thì từ năm 2012 Vinashin có thể không lỗ và năm 2013 trở đi là có lãi”.
Song từ đó đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh, xử lý nợ của Vinashin đã không được công khai, cập nhật. Chỉ một thông tin duy nhất được đăng tải trên website của tập đoàn vào ngày 19-4-2012 (về Đại hội công nhân viên chức) cho biết doanh thu toàn tập đoàn năm 2011 đạt 10.656 tỉ đồng. Còn lời lỗ ra sao không biết.
Không ai tin việc xử lý số nợ khổng lồ khoảng 86.000 tỉ đồng ở Vinashin được giải quyết chóng vánh trong vòng vài năm. Và cũng không ai “ép” Vinashin phải có lãi từ năm 2013 trở đi. Song công luận cần phải được cập nhật tình hình của Vinashin vì chí ít nó liên quan đến số phận và tình hình tái cơ cấu các ngân hàng trong nước, nơi Vinashin vay nợ 55.000 tỉ đồng, chưa kể nợ tiền lãi và chênh lệch tỷ giá là 28.000 tỉ đồng (tính đến hết ngày 30-11-2011). Cũng không ai hay là mục tiêu trả 13.000 tỉ đồng nợ 40 ngân hàng trong nước đến năm 2013 như yêu cầu của Ban chỉ đạo đặt ra cho Vinashin vào ngày 9-8-2010 đến nay đã thực hiện đến đâu.
Lan Nhi
tbktsg
|