Thứ Tư, 16/05/2012 22:59

Kiểm soát rủi ro để khôi phục lòng tin

Muốn ngồi chung một con thuyền, doanh nghiệp, người nông dân và ngân hàng đều phải tăng khả năng kiểm soát rủi ro để khôi phục lòng tin.

Liên kết 4 nhà mất niềm tin

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) cho biết, gần 70% doanh nghiệp (DN) ngành chế biến thủy sản đang đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất, trong khi nông dân cũng đang lỗ nặng…

Theo ông Anh, để duy trì hoạt động, DN thủy sản vừa phải lo nguyên liệu, vừa phải lo tìm kiếm đơn hàng. “Mặc dù Công ty có những bạn hàng lớn, làm ăn lâu năm tại thị trường Mỹ, song lượng đơn hàng nhận được đến hết tháng 5/2012 rất thưa thớt, với giá trị đơn khiêm tốn. Để duy trì hoạt động ổn định, mỗi tháng chúng tôi cần bình quân 1.500 - 1.700 tấn nguyên liệu, nhưng thị trường hiện chỉ đáp ứng được 15% lượng nguyên liệu cần thiết, còn lại phải sử dụng nguyên liệu dự trữ”, ông Anh cho biết.

Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, một số DN xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản thừa nhận, lượng cung sản phẩm con tôm sú (dùng chế biến các món sushi tại Nhật Bản) đang giảm mạnh, do nhiều nông dân chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ.

Nguyên nhân của sự chuyển đổi này do tình hình dịch bệnh trong 2 năm liên tiếp vừa qua đã khiến nhiều người không mặn mà nuôi tôm sú. Hiện tại, lượng cung ở Cà Mau hay Kiên Giang vẫn còn, nhưng chủ yếu là tôm kích cỡ lớn, trong khi thị trường Nhật Bản không thích tôm kích cỡ lớn và luôn có yêu cầu khắt khe về việc kiểm định dư lượng kháng sinh.

Trong khi đó, hoạt động của DN ngành cà phê cũng không kém phần bi đát. Do người nông dân không phụ thuộc nhiều vào DN, nên thấy chỗ nào giá tốt là họ sẵn sàng bán ngay. Chính vì vậy, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định luôn là bài rất khó đối với DN.

Theo ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty Cà phê Chánh Tinh Anh Việt Nam (CTA), trong ngành nông nghiệp, mối quan hệ 4 nhà (nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà băng - nhà khoa học) đang có nguy cơ bị phá vỡ vì mất niềm tin vào nhau.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Triệu Nhạn, cố vấn của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, vấn đề hiện giờ không nằm ở nhà khoa học, mà mắt xích chính là ở nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà băng. Nhà nông không chịu hoạt động theo quy mô hợp tác xã, sàn giao dịch, nên họ mất đi thế mạnh tập thể. Trong khi đó, DN thiếu vốn, nên không đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của người nông dân. Ngân hàng thì chỉ lo mục tiêu doanh thu, lợi nhuận, nên chưa hiểu rõ phương thức kinh doanh thị trường của ngành hàng vốn mang đặc thù mùa vụ, bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, dịch bệnh như cà phê, thủy hải sản.... để có động thái bơm vốn đúng lúc, đúng chỗ.

Gỡ rối bằng quản trị rủi ro

Thực tế đã cho thấy, tình trạng mất niềm tin giữa các nhà trong những ngành nêu trên chủ yếu xuất phát từ việc chưa có phương thức quản lý rủi ro trong toàn bộ chuỗi giá trị liên kết.

Bài học về mô hình liên kết nâng cao giá trị nông sản của các công ty đa quốc gia thực hiện tại Việt Nam đáng để một số ngành học hỏi. Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với 12 tập đoàn, DN quốc tế, trong đó có Metro Cash&Carry, Nestlé, Unilever, Sygenta, Foods, Pepsi, Yara International, Monsanto, Bunge… đã thành lập 5 nhóm đối tác công - tư trong sản xuất – kinh doanh cà phê, chè, thủy sản, rau quả…, nhằm phát triển bền vững, đưa dân vào chuỗi giá trị, hợp tác đa phương để hỗ trợ nông dân.

Trong đó, khu vực tư nhân gồm: Nestlé, Yara, Syngenta, Cisco, EDE Consulting, Dakman… và sẽ mời thêm BASF, Bayer, các tổ chức tài chính. Khu vực nhà nước gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Chiến lược và Chính sách nông nghiệp - phát triển nông thôn, các địa phương và các sở, ngành và các hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước.

Liên quan vấn đề này, ông Đoàn Triệu Nhạn cho hay, liên kết công - tư này không chỉ giúp lưu thông nguồn vốn bền vững, mà còn góp phần tạo ra chuỗi liên kết làm tăng giá trị sản phẩm mà cả DN và nông dân đều hưởng lợi.

Đặc biệt, nếu có cơ chế ràng buộc chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị này thì tất cả đối tác đều phát huy hết vai trò. Cũng theo ông Nhạn, Nhà nước nên  có chính sách phù hợp, tăng cường vai trò giám sát, hỗ trợ, nghiên cứu và chuyển giao. Song điều quan trọng để đảm bảo mối quan hệ bền vững giữa các nhà trong liên kết công - tư là phải nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và chia đều lợi nhuận vì lợi ích chung.

 Anh Hoa - Thanh Vũ

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp thủy sản mất nhiều đơn hàng (16/05/2012)

>   Nam Định cấp phép đầu tư dự án 55 triệu USD (16/05/2012)

>   Nhà máy 22.000m3 khí công nghiệp vào hoạt động (16/05/2012)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp: Một miếng khi đói... (16/05/2012)

>   Sản xuất, chế tạo: Nhiều ngành ngắc ngoải... chờ chết? (16/05/2012)

>   Dệt may, da giày mong được giảm thuế (16/05/2012)

>   Viettel chính thức kinh doanh tại Mozambique (16/05/2012)

>   Thủ tướng sẽ quy định khung giá bán điện (16/05/2012)

>   Giảm thuế không thể cứu được ngành than (16/05/2012)

>   Thủy sản bị cảnh báo tại Mỹ tăng mạnh (16/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật