Thứ Năm, 17/05/2012 13:40

Tham vọng của những “ông lớn” và cuộc chơi khắc nghiệt

Với sự thống trị của bộ ba Viettel - VinaPhone - MobiFone, thị trường viễn thông di động Việt Nam đã đạt tới ngưỡng bão hòa và tham vọng của những "đại gia" đang được thử thách.

Miếng bánh “vàng” đã phân chia hết?

Với sự xuất hiện của Viettel, và sau đó là hàng loạt “tiểu gia” khác như EVN Telecom, S-fone, HT Mobile, Beeline, Vietnamobile, ngành viễn thông Việt Nam đã có bước phát triển thần tốc trong 10 năm qua, để trở thành một trong 8 thị trường viễn thông cạnh tranh và hấp dẫn nhất thế giới.

Sức mạnh đó không chỉ thể hiện ở việc số thuê bao di động trong nước cán mốc trên 116 triệu (số liệu Tổng cục Thống kê cuối năm 2011), bằng gần 1,5 lần quy mô dân số, mà còn thể hiện rõ ở mức biến động giá dịch vụ viễn thông luôn ở mức âm trong rổ hàng hóa CPI vốn tăng không ngừng trong nhiều năm qua.

Nhưng sự tăng trưởng đáng kinh ngạc đó cũng dần đạt đến ngưỡng bão hòa của nó, khi các nhà mạng lớn bắt đầu nhận thấy sự chững lại của tốc độ tăng trưởng thuê bao. Năm 2012, không nhà mạng nào dám đặt mục tiêu phát triển quá 5 triệu thuê bao, dù con số đó chỉ chiếm 1/10 thị phần hiện có của các “đại gia”.

Cảm nhận rõ hơn “sức nóng” của cuộc chơi, các “tiểu gia” đã lần lượt rời sới, hoặc đang tự “rao bán” mình để tìm đường sống. Đầu năm 2012, ngay sau khi EVN Telecom về tay Viettel với những con số lỗ khổng lồ, con ong vàng ồn ào Beeline cũng theo chân cha đẻ Vimpelcom rời Việt Nam sau khi bán đứt 49% cổ phần của Gtel Mobile với giá rẻ 45 triệu USD. Mức giá đó quá rẻ so với chiến lược đầu tư 1 tỷ USD của Vimpelcom, và tới nay đã rót được gần một nửa.

Không thể phủ nhận Beeline đã để lại dấu ấn đậm nét với công chúng Việt Nam trong tham vọng trở thành số một giữa các nhà mạng nhỏ. Thương vụ hợp tác với đội bóng Anh Manchester United, những chiến dịch truyền thông ấn tượng và các gói cước “tỷ phú” liên tiếp được tung ra với tham vọng thâu tóm thị trường ngách, dù thất bại, đã để lại những “case study” đáng học hỏi.

Thực tế, dù số thuê bao tăng trưởng tốt (có lúc nhà mạng này công bố thuê bao tăng 400% chỉ sau chiến dịch “tỷ phú 1”), nhưng mức doanh thu trên thuê bao (ARPU) quý 4/2011 của nhà mạng này chỉ đạt dưới 1 USD/người/tháng, quá thấp so với mức tương tự 4 USD ở Lào và 2-3 USD ở Campuchia, và thấp nhất trong 19 thị trường mà Vimpelcom đầu tư.

Cuộc đua về giá, một mặt giúp các thuê bao hưởng lợi, nhưng một mặt khiến các nhà mạng đi đến giới hạn chịu đựng vì tỷ suất sinh lời. Nghiên cứu của hãng BMI cho thấy, chỉ số ARPU của thị trường Việt Nam đã và sẽ giảm dần đều từ mức 6,5 USD/thuê bao/tháng năm 2007, xuống 6 USD (2008), 5,52 USD (2009) và có thể sẽ xuống mức 3,51 USD trong năm 2015. Nhiều ý kiến còn cho rằng, con số thực có thể thấp hơn nhiều nếu các nhà mạng dũng cảm công khai điều đó.

Sự rút lui của Beeline, “cái chết” của EVN Telecom, cùng sự im ắng đáng lo ngại của S-fone sau tuyên bố khai tử CDMA cho thấy sân chơi viễn thông Việt Nam không còn là một chiếc bánh hấp dẫn, càng không phải là nơi mà chỉ cần tiền và tham vọng là đủ để cạnh tranh. Một minh chứng khác, “đại gia” công nghệ FPT sau một thời gian nóng lòng tìm kiếm cơ hội bước chân vào viễn thông di động đã quyết định đứng ngoài vì cho rằng đây không phải là thời điểm khôn ngoan để tung tiền vào thị trường này.

87 triệu và 1 tỷ

Sự thống trị của Viettel (36,72% thị phần), VinaPhone (28,71%), MobiFone (29,11%) với 95% thị phần là một bức tường quá lớn. Có thể nói miếng bánh khổng lồ với 87 triệu dân đã được phân chia ổn định.

Và chính các “đại gia” này cũng đang ngột ngạt để giữ chân thuê bao bằng việc cải thiện dịch vụ gia tăng, phi thoại, chăm sóc khách hàng. Với một thị trường đã bão hòa, việc giữ chân thuê bao và nâng ARPU có vẻ là định hướng ưu tiên hơn là mở rộng thêm miếng bánh thị phần.

VNPT, với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, vẫn mong muốn sáp nhập VinaPhone và MobiFone để duy trì lợi thế trước sự lớn mạnh quá nhanh chóng của Viettel, khi hai “con gà đẻ trứng vàng” của họ đóng góp tới hơn 80% doanh thu của cả tập đoàn.

Nhưng mặt khác, tập đoàn này cũng tuyên bố sẽ hợp tác với các nhà mạng lớn trên thế giới để tìm kiếm hướng đi mới.

Cũng hướng ra thế giới, Viettel có vẻ đã đi trước VNPT một bước dài. Từ tháng 2/2009, Metfone, mạng di động tại nước ngoài đầu tiên của hãng này đã được khai trương tại Campuchia và đến nay vẫn duy trì vị trí quán quân về thị phần. Viettel tiếp tục xâm lấn thị trường Đông Dương bằng con át chủ Unitel ở Lào, cũng được đưa vào hoạt động trong năm 2009.

Natcom, mạng di động của Viettel ở Haiti khai trương năm 2011 là bước đi thứ ba, và mới đây nhất Movitel đã được Viettel khai trương tại Mozambique sau một năm thử nghiệm. Với 400 triệu USD bỏ ra, Movitel đã trở thành nhà mạng có độ phủ sâu nhất tại Mozambique với gần 2.000 trạm BTS cả 2G lẫn 3G, phủ sóng 100 quận, huyện toàn nước này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, đơn vị này hướng tới mục tiêu “một tỷ dân”. Con số đó hẳn còn khá xa so với 60 triệu thuê bao thực trên 5 thị trường mà nhà mạng này đầu tư, nhưng nhìn vào con số doanh thu 6 tỷ USD năm 2011 của tập đoàn này, trong đó có 110 triệu từ Unitel (Lào) và 255 triệu từ Metfone (Campuchia) thì có thể nói Viettel đã thành công lớn trong chiến lược hướng ngoại của mình.

Vimpelcom, khi rút lui khỏi Việt Nam, cũng khẳng định rằng họ sẽ tập trung vào các thị trường tiềm năng khác, trong đó có Lào và Campuchia. Nhiều “ông lớn” viễn thông khác đã từng đến và đi khỏi Việt Nam như Hutchison, SK Telecom… cũng như những “nhà quan sát có mục đích” khác cho thấy thị trường 87 triệu người này không còn là mảnh đất “vàng” cho viễn thông di động. Thay vào đó là những thị trường sơ khai ở các nước chậm phát triển khác. Tất nhiên, tiềm năng ở những thị trường xa cũng đòi hỏi tiềm lực và tham vọng của các nhà mạng. Đã qua rồi giai đoạn nhà mạng "ngồi mát ăn bát vàng".

Dân trí

Các tin tức khác

>   Từ Vinalines, nghĩ về Vinashin (17/05/2012)

>   Bộ GTVT xây trụ sở mới: Lời cảnh báo đáng lắng nghe... (17/05/2012)

>   Vinashin: Thời điểm nói thật (17/05/2012)

>   Ngành ôtô “buồn”, ngân sách nguy cơ mất 60.000 tỷ năm 2012 (17/05/2012)

>   Ngập ngừng giá điện: Khi nào và tăng bao nhiêu? (17/05/2012)

>   Hợp tác với Nhật khai thác đất hiếm (17/05/2012)

>   Ai sẽ quyết giá điện bán lẻ? (17/05/2012)

>   Kiểm soát rủi ro để khôi phục lòng tin (16/05/2012)

>   Doanh nghiệp thủy sản mất nhiều đơn hàng (16/05/2012)

>   Nam Định cấp phép đầu tư dự án 55 triệu USD (16/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật