Trong khó khăn, DN vẫn có lối đi riêng
Trong khi nền kinh tế đang bộc lộ vô vàn những khó khăn thì có không ít những nhà kinh doanh vẫn tin rằng: nếu có ý tưởng hay, có cách làm khác biệt thì thị trường chưa phải đã vào ngõ cụt. Vẫn có những lối đi riêng dành cho những người biết chớp lấy cơ hội.
Tạo ra phân khúc bán lẻ mới
|
Ông Danh Quý, Giám đốc kế hoạch đầu tư - Saigon Co.op |
Ở thời khủng hoảng, doanh nghiệp cần chú ý những thay đổi về thói quen của người tiêu dùng.
Dựa trên những số liệu khảo sát thị trường, chúng tôi đưa ra chiến lược định vị thị trường và định vị sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Đơn cử, đây là thời điểm các doanh nghiệp bán lẻ nên rà soát lại mô hình hoạt động. Thực tế, nhiều cửa hàng Co.opFood của Saigon Co.op mới được mở, với quy mô nhỏ gọn phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm tươi sống, đang thu hút nhiều người tiêu dùng. Nếu nắm bắt tốt những thay đổi về thói quen mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tìm ra những cơ hội để chuyển đổi, tạo ra một phân khúc bán lẻ hoàn toàn mới để phục vụ người tiêu dùng. Ngoài ra, ứng dụng sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp trong ngành đang hướng tới mô hình bán lẻ “thông minh” hơn như mua chung với giá rẻ, hoặc mua hàng qua mạng để đáp ứng sự liên tục thay đổi trong sở thích và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Đề ra những chương trình hướng đến phục vụ cộng đồng nhiều hơn cũng là cách để doanh nghiệp gắn bó với người tiêu dùng trong thời buổi khó khăn.
Nếu nắm bắt tốt những thay đổi về thói quen mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tìm ra những cơ hội để chuyển đổi, tạo ra một phân khúc bán lẻ hoàn toàn mới để phục vụ người tiêu dùng.
Quyết định đầu tư mở rộng
|
Ông Nguyễn Thanh Sử, Giám đốc kế hoạch và đầu tư Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim |
Dù kinh tế khó khăn nhưng những năm qua công ty vẫn đạt được mức tăng trưởng và doanh số đã đề ra. Doanh số năm 2011 của công ty là 8.000 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 50%/năm. Trong khó khăn luôn có cơ hội, quan trọng là mỗi doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này như thế nào.
Cụ thể, trong bối cảnh hiện nay, sức mua của người tiêu dùng có thể giảm sút nhưng với thị trường dân số trẻ, mãi lực trong ngành bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Ngoài ra, sức tiêu thụ của một số ngành hàng vẫn còn nhiều tiềm năng. Riêng ngành bán lẻ hàng điện máy, trong nước vẫn chưa có doanh nghiệp đủ lực để đón đầu thị trường. Với phương châm tìm cơ hội trong khủng hoảng, công ty đã chuẩn bị các nguồn lực cho sự phát triển từ ba năm trước. Hiện nay, cơ hội đã chín muồi nên chúng tôi quyết định đầu tư mở rộng để nắm bắt những cơ hội mới từ thị trường.
Trong bối cảnh hiện nay, sức mua của người tiêu dùng có thể giảm sút nhưng với thị trường dân số trẻ, mãi lực trong ngành bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Không bỏ trứng vào một giỏ
|
Ông Trần Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường |
Ngay từ năm 2008, Vĩnh Tường đã xác lập mục tiêu của công ty là đầu tư ra thị trường nước ngoài để phòng tránh rủi ro. Vĩnh Tường mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách đầu tư sang thị trường Singapore và Campuchia. Sau bốn năm, công ty đã có những thành công đáng kể. Hiện thị trường Campuchia chiếm đến 20% trong tổng doanh số của công ty, có những sản phẩm như tấm trần nổi chiếm đến 90% thị phần ở quốc gia này, sản phẩm vách ngăn dùng trong văn phòng của công ty cũng chiếm đến 30% thị phần. Doanh số ở thị trường Campuchia của Vĩnh Tường lên đến 1,2 triệu đô la Mỹ/năm. Tương tự, ở thị trường Singapore, Vĩnh Tường cũng đạt được mức doanh số khá tốt, hơn 3 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Để thâm nhập thị trường Campuchia và Singapore, Vĩnh Tường đã mời những nhà phân phối lớn nhất của họ làm cổ đông của công ty khi Vĩnh Tường đầu tư ở nước sở tại. Hiện tại, ngoài việc duy trì quan hệ với các nhà phân phối, công ty đã bắt đầu thiết lập mạng lưới phân phối riêng nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Hiện nay đội ngũ bán hàng của công ty đã tiếp cận được người tiêu dùng cuối thông qua việc tư vấn và đưa ra nhiều giải pháp cho người tiêu dùng lựa chọn.
Khủng hoảng kinh tế không phải là sự kiện bất ngờ, nó có tính chu kỳ và doanh nghiệp buộc phải đối mặt với khủng hoảng. Vì vậy, để vượt khó mỗi doanh nghiệp cần có tầm nhìn chiến lược và có kế hoạch dài hơi cho việc phát triển.
Ngoài việc duy trì quan hệ với các nhà phân phối, doanh nghiệp cần thiết lập mạng lưới phân phối riêng nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Trong cái khó ló ra cơ hội
|
Ông Bùi Quang Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH GreenFarm |
Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng và mỗi doanh nghiệp cần “đọc” được những thay đổi của thị trường trong lĩnh vực mình kinh doanh để tìm ra hướng đi phù hợp. Cụ thể, trong ngành chăn nuôi, thời gian qua nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì tin đồn các sản phẩm thịt trong chăn nuôi có chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tôi tin chắc rằng, người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm 5-10% số tiền để mua được sản phẩm thịt sạch, an toàn. Doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi “thấy” được gì từ cơ hội này?
Hiện nay dù kinh tế khó khăn, nhưng nhu cầu về những mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, sữa vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới và người tiêu dùng sẽ chú trọng đến tính an toàn hơn. Doanh nghiệp nào đáp ứng được nhu cầu này sẽ tồn tại được và vượt qua khó khăn. Chúng tôi đang tiến hành xây dựng chuỗi giá trị khép kín trong chăn nuôi để đáp ứng thị hiếu này của người tiêu dùng.
Nhu cầu về những mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, sữa vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới và người tiêu dùng sẽ chú trọng đến tính an toàn hơn.
Sơn Nghĩa ghi
TBKTSG Online
|