DN bán lẻ: Nội chết ngoại sống khỏe
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2012 cả nước có 17.735 DN giải thể và ngừng hoạt động thì ngành bán lẻ chiếm nhiều nhất, với 5.297 DN.
Cạn vốn, hết người
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân lớn nhất tạo ra khó khăn cho DN bán lẻ trong nước hiện nay là do chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhiên liệu, phí vận chuyển hàng hóa... tăng cao, trong khi sức mua giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn, sản xuất đình trệ, khiến cho DN bán lẻ phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa vì không đủ sức gánh lỗ.
Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là trong lúc hầu hết tất cả các DN bán lẻ nước ngoài có mặt tại Việt Nam sống khỏe thì nhiều cửa hàng, siêu thị của các DN trong nước phải đóng cửa.
Vì sao cùng một môi trường kinh doanh mà lại khác nhau như vậy?.
Câu trả lời có lẽ chính là sự yếu kém từ tài chính đến nguồn nhân lực, dịch vụ hậu cần, chiến lược phát triển dài hạn, sự liên kết... chính vì vậy khi gặp khó khăn đã "lăn ra chết hàng loạt".
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, năng lực tài chính yếu kém là lý do quan trọng nhất khiến các DN bán lẻ Việt Nam nói riêng mãi không "lớn" được và từ lâu đã trở thành "tử huyệt" cho các tập đoàn nước ngoài khai thác.
Một số DN bán lẻ cho biết vì không nhiều vốn nên họ không thể nào hợp tác với các DN khác hay các địa phương để phát triển các sản phẩm đưa vào bán trong hệ thống siêu thị được. Hơn nữa không "trường vốn", quy mô các cửa hàng siêu thị lại nhỏ bé, không mua của nhà cung cấp sản phẩm với số lượng lớn nên giá cả cao, ít mặt hàng, khó cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Từ việc thua kém về tiềm lực tài chính, các DN bán lẻ trong nước cũng phải chịu ảnh hưởng từ những chính sách lôi kéo người từ các DN nước ngoài. Theo thống kê, mức lương của nhân viên bán hàng ở các siêu thị trong nước thường thấp hơn từ 10 - 20%, mức lương của nhóm trưởng có thể thấp hơn từ 2 - 4 lần so với ở các siêu thị nước ngoài...
Điều này dẫn tới việc có không ít cán bộ, nhân viên của các DN trong nước bỏ qua làm cho các DN nước ngoài... Hiện chỉ có khoảng 4-5% nhân lực của các DN bán lẻ trong nước được đào tạo chuyên ngành.
Kinh doanh siêu thị hiện đại đòi hỏi một hệ thống hậu cần (logistics) chuyên nghiệp, điều này cũng chỉ có ở các DN nước ngoài. Ví dụ: Metro Cash&Carry cho biết họ đã chi từ 20-25 triệu euro trang bị hệ thống cung ứng hàng (kho lạnh, xe chuyên dụng, thiết bị kiểm tra, bảo quản hàng hóa...) theo chuẩn của Metro toàn cầu và gần 800.000 euro cho công tác huấn luyện.
Trong khi đó, ở các siêu thị của Việt Nam vẫn còn tranh cãi với nhau về việc trung tâm phân phối hoặc nhà cung cấp không giao đủ hàng bán trong dịp lễ, Tết mà chưa có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn làm gia tăng chi phí lao động cũng như quản lý.
Ngoài ra hậu cần cho hệ thống phân phối như kho bảo quản, các kho lạnh, xe tải chuyên dùng thiếu đồng bộ, chưa đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Việc tổ chức cung ứng hàng hoá chủ yếu là có gì bán nấy, chưa xây dựng được vùng cung cấp nguồn hàng ổn định để tiêu thụ. Tính chủ động trong hợp tác liên kết, liên doanh thu mua, tiêu thụ hàng hoá còn rời rạc.
Hầu hết tất cả các DN bán lẻ nước ngoài có mặt tại Việt Nam sống khỏe thì nhiều cửa hàng, siêu thị của các DN trong nước phải đóng cửa.
Đã yếu còn thiếu liên kết
Một thống kê cho thấy, doanh số bán hàng một ngày của siêu thị nước ngoài bằng 20 siêu thị trong nước. Riêng BigC Thăng Long tại Hà Nội đạt doanh thu 20 triệu USD/năm, trong khi đó hệ thống siêu thị của DN trong nước có quy mô khá chỉ đạt khoảng 5-7 triệu USD/năm. Thêm vào đó các chi phí đầu vào và duy trì hoạt động cho một siêu thị còn cao dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp, việc vay vốn ngân hàng khó khăn, khả năng chiếm lĩnh thị trường hạn chế, ông Kiêm nói.
Thiếu vốn, dẫn đến nhiều DN cứ làm liều. Theo tổng giám đốc một chuỗi siêu thị điện máy, ngành điện máy đang đứng trước nhiều rủi ro lớn. Đa số nhà bán lẻ điện máy đang dùng chính hàng hóa làm tài sản thế chấp, nghĩa là được nợ tiền hàng từ nhà cung cấp trong vòng 3 - 7 tuần, nhà bán lẻ dùng tiền này để mở điểm bán mới; khi đến hạn thanh toán thì vay ngân hàng từ tài sản thế chấp và hàng tồn kho để trả nợ cho nhà cung cấp. Bình thường vòng quay này sẽ diễn ra suôn sẻ nhưng khi thị trường ế ẩm, hàng không bán được thì nợ chồng nợ, đến khi không xoay được nữa thì sẽ vỡ nợ.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, một trong những điểm yếu kém lớn của DN phân phối trong nước đó là thiếu chiến lược dài hạn. Trong khi các DN nước ngoài không chỉ xây dựng những trung tâm thương mại lớn mà chuyển sang đầu tư vào cả các cửa hàng tầm trung và siêu nhỏ. Hơn nữa, các DN bán lẻ nước ngoài khi vào Việt Nam đã bắt tay ngay vào xây dựng những thương hiệu riêng cũng như hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân để sản xuất cung cấp hàng hoá cho họ, điều này các DN Việt Nam thực hiện rất chậm và khá manh mún.
Do vậy, hệ thống thương mại bán lẻ của Việt Nam tuy đã có nhiều, nhưng còn mang nặng tính đại lý, thu lợi nhuận thấp.
Không những thế, tính liên kết lại rất lỏng lẻo. Năm 2007, đánh dấu một sự kiện mang tính đột phá đối với ngành phân phối, bán lẻ VN khi 4 DN hàng đầu trong lĩnh vực này là Saigon Co.op, Hapro, Satra, và Phú Thái group liên kết thành lập công ty cổ phần tập đoàn phân phối VN (VDA) để có thể cạnh tranh với các tập đoàn phân phối nước ngoài khi VN mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO.
Sự liên kết với những lợi thế riêng của từng DN được kỳ vọng sẽ tạo được sự năng động, đưa VDA cạnh tranh được với các tập đoàn phân phối nước ngoài đồng thời tạo cầu nối thúc đẩy thương mại nội địa phát triển, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong tương lai gần. Nhưng sự liên kết lỏng lẻo, thiếu chiều sâu, thiếu những cam kết chặt chẽ cũng như lộ trình thực hiện và hơn cả là sự bế tắc trong việc tìm hướng đi đã khiến cho sau 5 năm thành lập, đến thời điểm hiện tại VDA vẫn chưa có đóng góp gì vào hệ thống phân phối bán lẻ của VN.
Đã vậy các DN bán lẻ Việt Nam lại còn "tàn sát" nhau không thương tiếc trên thương trường. Trong số các siêu thị phá sản thời gian gần đây thì siêu thị điện máy chiếm số lượng áp đảo. Trong nhiều lý do, có một lý do rất quan trọng đó chính là "chiêu" phá giá liên tục nhằm tiêu diệt đối thủ. Các siêu thị liên tục đưa ra mức phá giá thấp đến không còn lợi nhuận, thậm chí là lỗ thu hút khách hàng. Có thể dễ dàng nhận thấy cuộc chạy đua về giá thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá sốc diễn ra khốc liệt giữa các siêu thị điện máy trong những năm gần đây. Và hậu quả của cuộc chạy đua này các DN điện máy đã tự "tàn sát" lẫn nhau, làm suy yếu lẫn nhau.
Theo số liệu của Bộ Công thương, sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, số lượng siêu thị đã tăng hơn 20%, trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72%, ngoài ra, còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên sự phát triển này thiếu hẳn một nền tảng vững chắc, vì vậy dẫn đến bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống bán lẻ Việt Nam. Ngoài 5.297 DN bán lẻ ngừng hoạt động, giải thể trong 4 tháng đầu năm, hiện còn nhiều DN lớn nhỏ cũng đang trong tình trạng "cầm hơi", hàng tồn kho đang chất đống. Và thời gian tới danh sách các DN phân phối bán lẻ phá sản sẽ còn nối dài.
Tuy nhiên, ông Phạm Thành Công, chuyên viên cao cấp của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, cho rằng: Lạm phát và khủng hoảng sẽ phân cấp ra người bắt kịp thị trường, người bị đào thải. Việc chiếm lĩnh thị trường ở giai đoạn này là rất tốt nếu các DN nắm bắt được thời cơ.
Trần Thủy
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|