Giao dịch nông sản: Thể chế chưa khuyến khích hợp đồng
Trường hợp nông dân kiện Công ty cổ phần Thủy sản Bình An gần đây, lẽ ra họ nên nhờ luật sư chứ không phải là hội nghề nghiệp, hợp tác xã hay hội nông dân. Để tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp có khả năng cạnh tranh theo cơ chế thị trường, thì cải cách thể chế pháp lý trong giao dịch mua bán nông sản cần được sớm điều chỉnh.
Nông dân bị động
Hầu hết các giao dịch mua bán nông thủy sản gần đây nằm ở hai dạng: giao dịch truyền thống với hình thức “tiền trao cháo múc” (ước tính 70% giao dịch của nông dân ở dạng này) và giao dịch qua hợp đồng kinh tế. Tuy vậy với mô hình sản xuất quy mô, giá trị giao dịch lớn không thể thanh toán ngay cùng một lúc, cho nên giao dịch qua hợp đồng ngày một gia tăng.
Trong quan hệ thương mại, hợp đồng mua bán được xem là cơ sở pháp lý quan trọng, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia. Khả năng thương lượng, đàm phán trong hợp đồng là một cơ sở quan trọng để tạo ra lợi thế trong kinh doanh. Ở thế chủ động, chủ thể hợp đồng hoàn toàn có thể đưa ra các điều khoản có lợi cho mình, và ngược lại. Tuy nhiên trên thực tế, theo thói quen, tập quán và một ít chủ quan, nông dân thường không mấy mặn mà với những điều khoản và tính pháp lý của hợp đồng nên thường ở thế bị động.
Ngoài ra, do nông dân ít có điều kiện tiếp xúc mua bán lớn, không hiểu về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, sự thay đổi của thị trường, chính sách điều tiết của Nhà nước... nên gần như “mù” thông tin. Một văn phòng luật sư dẫn chứng, thực tế các điều khoản giao dịch mua bán đều do phía doanh nghiệp đưa ra, từ tiêu chuẩn kỹ thuật, đến giao nhận hàng và đặc biệt là thời gian thanh toán đều có lợi cho phía chủ động soạn thảo hợp đồng. Không ai tư vấn cho nông dân những vấn đề này. Vì vậy trong trường hợp xảy ra bất trắc, tranh chấp, phần thiệt hại nằm ở phía họ.
Bất lợi khác đối với nông dân nuôi cá tra còn do cá không thể giữ lâu, chi phí nuôi cao tính theo từng ngày lưu ao, chưa kể thời điểm giao dịch, tiêu chuẩn chất lượng là cơ sở có thể bị “ép” giá. Ngoài ra, việc thanh toán còn chậm từ 30-45 ngày hay hơn tùy vào khả năng tài chính của doanh nghiệp. Chính vị thế bất cân xứng này gây thiệt hại đáng kể cho người nông dân.
Doanh nghiệp chủ quan
Ngay cả doanh nghiệp cũng thiếu hiểu biết về pháp lý và chủ quan trong giao dịch mua bán. Lướt qua các điều khoản trong một hợp đồng bất kỳ, hầu như các tiêu chí đề cập đều rất sơ sài, chủ yếu là các điều khoản về số lượng, giá cả... mà ít quan tâm các điều khoản ràng buộc khác. Chẳng hạn ai sẽ bảo lãnh khi mất khả năng thanh toán? Có tài sản bảo đảm không? Tranh chấp giải quyết ở đâu? Phí tổn thế nào?... Chưa kể, những khúc mắc trong quy định pháp luật về vốn pháp định, vốn đăng ký để đảm bảo khi có tranh chấp xảy ra... hầu như không được đề cập.
Không phải chỉ có nông dân bị thua thiệt. Các doanh nghiệp luôn thắng thế đối với hợp đồng mua bán nông sản trong nước nhưng lại thường thất thế khi làm ăn với đối tác nước ngoài. Một số trường hợp nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn nuôi cá mà doanh nghiệp phải dở khóc khi ký hợp đồng, đặt cọc mà không thấy giao hàng, hoặc giao hàng không đảm bảo chất lượng thì không biết kiện ai, kiện ở đâu, ai bảo lãnh... vì trong hợp đồng không ghi bất kỳ điều khoản nơi giải quyết tranh chấp. Không chỉ là nguyên liệu, mà trong các giao dịch mua bán sản phẩm chế biến, các doanh nghiệp đều chịu thiệt với những yêu cầu đưa ra từ phía đối tác bên ngoài.
Thể chế kém hiệu quả
Khả năng thực thi của thể chế và hệ thống luật chưa khuyến khích các chủ thể thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết. Hiện thời gian xử lý theo quy định của pháp luật đang làm nản lòng các chủ thể khi đưa tranh chấp ra tòa giải quyết. Chính vì lẽ đó mà không ít doanh nghiệp hoặc hộ nông dân cố tình phá vỡ hợp đồng đã ký kết để đạt lợi ích riêng của mình.
Hiện một số văn phòng luật ở thành phố Cần Thơ cho biết, đang nhận được nhiều đơn khiếu nại của hộ nông dân khiếu kiện đối với các doanh nghiệp thủy sản, nhưng chính các luật sư cũng không biết khả năng thu hồi thiệt hại cho nông dân ra sao bởi lẽ với những quy định hiện hành, để giải quyết mất từ một năm rưỡi đến hai năm tùy trường hợp. Nông dân đã khốn khó, lại còn phải theo đuổi, chờ đợi giải quyết với chi phí tốn kém.
Mặt khác, hệ thống luật hiện hành còn thiếu các biện pháp chế tài. Trong buổi tiếp xúc gần đây, một lãnh đạo doanh nghiệp chế biến rau củ quả tại Sóc Trăng cho biết, chính nông dân cũng phá vỡ hợp đồng cam kết, khi gần đến thu hoạch, thì sử dụng thuốc kích thích để phá vỡ tiêu chuẩn nhằm bán sản phẩm ra ngoài với giá cao hơn dù trước đó công ty đã đầu tư giống, kỹ thuật... vì biết nếu có khởi kiện, doanh nghiệp cũng không được gì do thiếu biện pháp chế tài.
Có doanh nghiệp còn cho rằng, khâu thực thi pháp luật còn nhiều thủ tục, mất thời gian. Nếu một doanh nghiệp bị 10 hộ nông dân “bẻ kèo”, thì thường tự tìm nơi cung ứng khác hơn là mất nhiều thời gian và chi phí để theo đuổi 10 vụ kiện đó. Kết quả cho thấy, nhiều ngân hàng cầm sổ đỏ hay chính doanh nghiệp phải đền bù hợp đồng khách hàng do thiếu nguyên liệu vì biết chắc nếu có kiện nông dân cũng không còn gì ngoài mảnh ruộng đang canh tác!
Thời gian giải quyết khiếu kiện quá lâu
Theo quy định hiện hành, nếu một tranh chấp xảy ra, từ khi bên nguyên đơn gửi đơn đến tòa đến khi xét xử sơ thẩm mất từ 2-3 tháng đối với án kinh doanh và bốn tháng đối với án dân sự. Phải mất thêm 15-30 ngày nữa chờ kháng cáo và kháng nghị của tòa án cao hơn và sau hai tháng để xử phúc thẩm. Tiếp đó là mất một tháng có bản án phúc thẩm, việc thi hành án cần tiếp tục có đơn yêu cầu của bên thắng kiện và thời gian này khá dài, từ 3-5 tháng, thậm chí là một năm. Tiếp đó là cho phép 30 ngày để bên thua kiện tự nguyện thi hành, không thi hành mới ra quyết định cưỡng chế... Theo một luật sư, thời gian trung bình từ lúc gửi đơn đến thi hành được bản án là một năm rưỡi đến hai năm.
Chưa có hướng dẫn cho biện pháp khiếu kiện khẩn cấp
Pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết tranh chấp. Nếu như người nông dân khởi kiện, phát hiện bị đơn có tài sản chuẩn bị thanh lý thì để ngăn chặn, người khởi kiện phải làm đơn và phải đặt khoản phí có thể lên đến hàng tỉ đồng! |
Nguyễn Phương Lam, Trưởng phòng Pháp chế - VCCI Cần Thơ
tbktsg
|